Một tháng trước ngày bí mật rời đất nước (15/8), Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã có cuộc điện đàm quan trọng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 16/7.
Thông tin trên website chính thức của Tổng thống Afghanistan cho biết ông Ghani thực hiện cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình trong chuyến công du nước láng giềng Uzbekistan.
Afghanistan nói ông Tập ủng hộ chống khủng bố
Theo thông cáo của phía Afghanistan, trong cuộc điện đàm, ông Tập đã bảo đảm với ông Ghani về sự hợp tác của Trung Quốc với Kabul trong các lĩnh vực an ninh, phát triển kinh tế, y tế và tiến trình hòa bình.
“Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh hiện nay ở Afghanistan và kêu gọi Taliban ngừng hành động bạo lực và nắm lấy hòa bình. Ông nhấn mạnh Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ Afghanistan trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố và tiến trình hòa bình của Afghanistan,” thông cáo nêu.
Cũng theo thông cáo này, Chủ tịch Trung Quốc nói Bắc Kinh sẽ cung cấp 1 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho Afghanistan và làm việc với Afghanistan trong các dự án hợp tác kinh tế chung. Tổng thống Ghani bày tỏ biết ơn Trung Quốc ủng hộ tiến trình hòa bình Afghanistan cùng cam kết hỗ trợ với Afghanistan trên nhiều mặt trận – nhấn mạnh vai trò quan trọng của Trung Quốc trong các lĩnh vực này.
Thông cáo trên được phía Afghanistan cho là sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với chính phủ của ông Ghani trong nỗ lực chống lại việc Taliban từng bước kiểm soát đất nước. Phó tổng thống thứ nhất của Afghanistan Amrullah Saleh, người tự xưng là “Tổng thống lâm thời hợp pháp” sau khi ông Ghani rời đất nước, hôm 17/8 tuyên bố sẽ không bao giờ “cúi đầu” trước “những tên khủng bố Taliban”.
Cuộc điện đàm giữa hai ông Tập-Ghani diễn ra trong thời điểm Taliban tuyên bố đã chiếm giữ đến 85% lãnh thổ Afghanistan, gồm nhiều khu vực của khẩu biên giới then chốt. Lầu Năm Góc hôm 6/7 thông báo quá trình rút lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan đã hoàn thành hơn 90%, trong khi Tổng thống Joe Biden dự kiến sứ mệnh này sẽ kết thúc vào ngày 31/8.
Trung Quốc chính là quốc gia điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Ghani vào năm 2014, sau khi ông này lên nắm quyền.
Trung Quốc nói khác lời Afghanistan?
Trong khi đó, bản tin do hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã phát đi ngày 17/7 không đề cập đến lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình nhằm vào Taliban, cũng như sự ủng hộ đối với cuộc chiến chống khủng bố của Afghanistan.
Theo THX, ông Tập chỉ ra rằng Trung Quốc và Afghanistan là “láng giềng hữu nghị truyền thống, từ trước đến nay vẫn luôn hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau” và Trung Quốc sẽ “tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ Afghanistan chống lại dịch bệnh [Covid-19]”.
“Hy vọng phía Afghanistan tăng cường bảo vệ an ninh cho công dân và các cơ quan của Trung Quốc tại Afghanistan,” Chủ tịch Trung Quốc nêu.
Ông Tập nhấn mạnh, “Trung Quốc kiên định ủng hộ chính phủ Afghanistan gìn giữ chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”.
“Trung Quốc luôn cho rằng đối thoại chính trị là giải pháp căn bản để thực hiện hòa giải dân tộc và hòa bình lâu dài ở Afghanistan. [Trung Quốc] sẽ tiếp tục ủng hộ nguyên tắc ‘người Afghanistan chủ trì, người Afghanistan sở hữu’, ủng hộ tiến trình hòa giải và hòa bình của Afghanistan, ủng hộ Afghanistan sớm tái thiết hòa bình.”
Cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã bí mật rời thủ đô Kabul vào ngày 15/8, vài giờ sau khi lực lượng Taliban áp sát bao vây bên ngoài thành phố. Các tay súng Taliban sau đó đã tiến vào và chiếm được Phủ Tổng thống.
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 18/8 xác nhận ông Ghani đang ở quốc gia vùng Vịnh này. UAE khẳng định nước này “hoan nghênh Tổng thống Ashraf Ghani và gia đình nhập cảnh vì lí do nhân đạo”.
Ngày 18/8, cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã có cuộc gặp thủ lĩnh Taliban cùng Anas Haqqani – lãnh đạo cấp cao của nhóm Haqqani, trong bối cảnh Taliban đang nỗ lực thiết lập một chính phủ toàn diện.
Thủ lĩnh cấp cao của Taliban Amir Khan Muttaqi được cho là đã đến Kabul để đàm phán với giới lãnh đạo chính trị Afghanistan, bao gồm ông Karzai và ông Abdullah Abdullah – đặc phái viên hòa bình của chính quyền cũ.
Khai Tâm
Theo: Cánh cò