Nhà báo Ramin Rahman là một trong số 640 người được máy bay của quân đội Mỹ di tản khỏi sân bay Hamid Karzai trong đêm Taliban tràn vào Kabul.
Ngày Kabul rơi vào tay Taliban, nhà báo Ramin Rahman nhận được một cuộc điện thoại từ Đức. Người này đề nghị Rahman lập tức tới sân bay Hamid Karzai bởi nhiều khả năng máy bay di tản của Đại sứ quán Đức sẽ cất cánh trong ngày, theo Guardian.
Tên của Rahman đã được người bạn đưa vào danh sách đăng ký di tản, bởi nhà báo này làm việc cho một hãng thông tấn của Đức. Trước đó, Rahman đã nộp hồ sơ xin thị thực tị nạn suốt một năm.
“Tôi không có thời gian để suy nghĩ. Tôi là một nhà báo tiến bộ, thẳng thắn, xăm mình, cơ bản là đi ngược lại tất cả những gì Taliban đại diện. Tôi chỉ mang theo laptop và điện thoại. Sự sợ hãi bắt đầu xâm chiếm ngay giây phút tôi rời khỏi nhà”, Rahman nói.
Hàng nghìn người tuyệt vọng tại sân bay
Tại sân bay ở thủ đô Kabul, cảnh sát đã rời trạm kiểm soát an ninh, hầu như không còn bóng dáng quân đội ở bên ngoài. Khi Taliban bao vây thành phố, lực lượng an ninh chính phủ đã mau chóng rời hàng ngũ, cởi bỏ quân phục để tránh trở thành mục tiêu trả thù.
Nhà báo Rahman cho biết chỉ có an ninh sân bay kiểm tra hành lý của hành khách.
“Khi tôi tới được nhà ga quốc tế, cảnh tượng khi đó làm tôi choáng váng và bắt đầu tuyệt vọng. Có hàng nghìn người, cả đàn ông, phụ nữ, trẻ em. Họ đều sợ rằng Taliban đang trên đường tới. Tất cả họ, bao gồm người nước ngoài, đến sân bay mà không biết điều gì sẽ xảy ra”, Rahman nhớ lại.
Khi nhận ra có khả năng không máy bay nào cất cánh, những người có mặt ở sân bay bắt đầu hoảng loạn. Dù cho đã mua vé, không gì bảo đảm họ sẽ lên được chuyến bay của mình.
“Họ sợ hãi và rồi bắt đầu đập phá cửa kính, quầy bán vé. Từ thời điểm đó, tình hình chỉ càng tồi tệ hơn. Tôi trốn trong một góc, tôi cũng hoảng sợ như họ”, nhà báo người Afghanistan thuật lại.
Tại khu vực đón khách, một chiếc máy bay chuẩn bị cất cánh đến Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều người đổ dồn về phía chiếc máy bay, thậm chí bám vào thang lên xuống cửa máy bay.
Chiếc máy bay nhanh chóng quá tải. Nhiều người ngoan cố chui vào bên trong bị đẩy ra ngoài, một số ngã khỏi thang.
“Họ hét to đến mức chúng tôi có thể nghe thấy từ trong sân bay. ‘Chúng tôi muốn đi, nếu không chúng tôi sẽ bị giết’, một số người hét như vậy. Tôi chỉ biết quan sát trong kinh hãi, lo sợ cho số phận bản thân”, Rahman nói.
Khoảng 20h30 hoặc 21h, một số người tại sân bay hét lớn rằng Taliban đã vào bên trong. Mọi người bắt đầu gào thét và đổ cả ra đường băng. Sân bay hoàn toàn chìm trong hỗn loạn, không ai có thể kiểm soát tình hình.
Nhiều tiếng súng vang lên tại lối vào sân bay. Taliban dường như đã có mặt.
“Xung quanh tôi mọi người đều sợ hãi và cầu nguyện. Không ai biết phải làm gì. Tôi gọi bạn mình ở Đức, cậu ấy nói người Đức sẽ không bắt đầu di tản cho tới ngày hôm sau. Đó quả là một tin dữ”, Rahman cho biết.
Chuyến bay di tản
Không lâu sau khi có tiếng súng nổ, các binh sĩ Mỹ xuất hiện, dẫn đầu một nhóm nhỏ đi vào khu vực quân sự trong sân bay. Một binh sĩ nói với nhóm người nước ngoài rằng đây là đất của người Mỹ, Taliban sẽ không tiến vào.
“Tôi liền chạy theo họ, nhiều người khác cũng đi theo. Chúng tôi liên tục nghe thấy tiếng súng nổ gần đến mức phát sợ. Thời gian khi đó như ngừng lại. Những gì tôi nghe được là lời giục đi nhanh của binh sĩ Mỹ”, Rahman nói.
Một dòng thác người đổ lên chiếc máy bay quân sự của Mỹ và nhà báo Rahman chạy theo. Hàng trăm người xô đẩy nhau cho đến khi vào được khoang máy bay. Không có chỗ để ngồi, tất cả đều phải đứng. Không khí đặc quánh khiến nhiều người khó thở. Trẻ con trên máy bay bắt đầu khóc.
Các phi công người Mỹ hét lên rằng máy bay không thể di chuyển bởi có quá nhiều người trên khoang. Một trong số phi công hét lớn “xin hãy xuống bớt, xin hãy xuống bớt”. Sau đó, các binh sĩ đến và bắt đầu đưa một số người ra khỏi máy bay từ cả hai đầu.
“Đó là thời khắc hỗn loạn và căng thẳng cực độ. Mọi người xô đẩy nhau. Bao trùm máy bay là sự tuyệt vọng, buồn đau và sợ hãi. Tôi nhìn sang một người mẹ với đứa trẻ mới sinh đứng cạnh, và cảm thấy tội lỗi. Tôi quyết định rời khỏi máy bay”, Rahman nhớ lại.
Nhưng khi nhà báo này tiến đến cửa, một số binh sĩ Mỹ xuất hiện ở bên ngoài trên xe Humvee. Một trong số này yêu cầu mọi người ở yên trên máy bay bởi bên ngoài rất nguy hiểm. Tình hình bế tắc trong 20 phút.
“Rồi đột ngột, người Mỹ bảo tất cả người đứng ở cửa đi vào bên trong. Đó là cơ hội duy nhất. Chúng tôi đổ vào bên trong máy bay, và rồi cửa khoang đóng lại”, Rahman nói.
Nhà báo này cho biết chiếc máy bay không có cửa sổ, ông không biết chuyện gì xảy ra bên ngoài. Chiếc máy bay đứng im trên đường băng trong khoảng một giờ. Và rồi không một lời cảnh báo, máy bay bắt đầu di chuyển và cất cánh thành công.
“Đó là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất. Mọi người vỗ tay ăn mừng. Chúng tôi đều biết ơn các phi công Mỹ đã giúp cất cánh chiếc máy bay. Tất cả đều hiểu chúng tôi có thể sẽ chết nếu chiếc máy bay ở lại”, Rahman nói.
Chiếc máy bay của Rahman hạ cánh trên đường băng một căn cứ không quân Mỹ ở Qatar, khoảng 640 người đã được giải cứu. Nhóm người di tản sau đó được đưa vào căn cứ quân sự.
“Cảm xúc trong tôi lẫn lộn, vừa hạnh phúc, vừa buồn, vừa bối rối và kiệt sức. Tôi tìm cách giúp những người không nói được tiếng Anh về tình trạng của họ và lấy thuốc”, Rahman cho biết.
“Tôi đã có cơ hội thay đổi cuộc đời, không phải sống trong một tình cảnh tồi tệ dưới sự cai trị của Taliban. Tôi buồn vì đã phải rời bỏ tất cả. Tôi đau lòng cho Afghanistan. Nhưng ít nhất tôi hạnh phúc vì mình còn sống”, Rahman cho biết.
Duy Anh
Theo: Cánh cò