Các trao đổi về an ninh biển toàn cầu đã diễn ra sôi nổi tại phiên thảo luận cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về an ninh biển ngày 9-8.
Tham dự phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh biển và đại dương là nguồn tài nguyên to lớn của nhân loại, là huyết mạch của giao thương quốc tế và là cửa ngõ kết nối các nước, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các quốc gia, dân tộc.
An ninh biển là vấn đề toàn cầu nên cần có giải pháp toàn cầu, tiếp cận một cách toàn diện, tổng thể trên cơ sở hợp tác đối thoại và luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác song phương và đa phương, cả khu vực, liên khu vực và ở phạm vi toàn cầu nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh biển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Đề cao UNCLOS 1982
Lập trường của Thủ tướng Phạm Minh Chính phản ánh quan điểm chung của hầu hết các lãnh đạo cấp cao và đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an và các tổ chức Liên Hiệp Quốc tại cuộc họp. Họ bày tỏ quan ngại về các mối đe dọa ngày càng tăng với an ninh và an toàn biển. Từ tội phạm xuyên biên giới cho tới vũ khí trên biển, tất cả đều ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng, sinh kế của các cộng đồng dân cư ven biển, ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại quốc tế.
Các bên cho rằng cần tăng cường hợp tác quốc tế, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lấy ví dụ cụ thể về Biển Đông, khu vực quan trọng của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và cũng là điểm nóng tranh chấp. Ông Blinken nhấn mạnh hành động bắt nạt ở Biển Đông và xung đột tại đó “có thể gây hậu quả nghiêm trọng trên toàn cầu đối với an ninh và thương mại”.
“Ở Biển Đông, chúng ta đã chứng kiến các cuộc chạm trán nguy hiểm của tàu bè trên biển, những hành động khiêu khích nhằm thúc đẩy các yêu sách biển phi pháp. Mỹ đã làm rõ những lo ngại của mình về các hành động đe dọa và bắt nạt các nước khác liên quan sự tiếp cận hợp pháp của họ với tài nguyên trên biển. Và chúng tôi cùng các nước khác, bao gồm các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, đã phản đối những hành vi kiểu này, cũng như các yêu sách biển phi pháp ở Biển Đông” – ông Blinken nói.
Ngoại trưởng Mỹ không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS 1982 và vai trò của UNCLOS 1982 trong phán quyết vụ Philippines kiện tuyên bố “đường lưỡi bò” của Trung Quốc năm 2016. “Mỹ đã không ngừng kêu gọi các quốc gia tuân thủ UNCLOS 1982 khi đưa ra yêu sách trên biển” – ông Blinken nói thêm.
Nhân tố thúc đẩy COC
Biển Đông đã là một trong những điểm nóng trong quan hệ căng thẳng Mỹ – Trung. Báo chí quốc tế thời gian qua liên tục tường thuật những màn “khẩu chiến” giữa đại diện Mỹ, Trung tại Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, sự kiện hôm 9-8 bộc lộ những thay đổi đáng chú ý.
Thứ nhất, an ninh Biển Đông hay các vùng biển khác nay được xem là câu chuyện cả thế giới cần quan tâm. Đây là lần đầu tiên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tổ chức một cuộc họp chính thức riêng về chủ đề an ninh biển.
Thứ hai, vì đây là vấn đề chung, cả thế giới cần giải quyết nó bằng nỗ lực chung. Thẳng thắn như cách nói của Bộ trưởng châu Âu và ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian tại cuộc họp, đại dương giờ là đối tượng của hành vi “săn mồi”, tội phạm và đe dọa hệ sinh thái của hàng triệu người.
Vì vậy, ông Jean-Yves Le Drian cho rằng an ninh hàng hải là “bài kiểm tra lớn cho chủ nghĩa đa phương”, ông kêu gọi sự huy động quốc tế lớn hơn, nhấn mạnh an ninh hàng hải bao gồm sự tôn trọng luật pháp quốc tế.
Và thứ ba, các nước chấp nhận “luật pháp quốc tế” ở đây chính là UNCLOS 1982, công ước mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh như “Hiến pháp về biển và đại dương có tính toàn vẹn và phổ quát, điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển”.
Sau cuộc họp trên, giới quan sát có thể thấy Trung Quốc đang “một mình một kiểu” so với đa phần còn lại khi xét về phương diện trách nhiệm quốc tế và hợp tác quốc tế để giải quyết một vấn đề quốc tế.
Khi phản bác Ngoại trưởng Mỹ Blinken, Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Đới Binh thậm chí còn khẳng định: “Hội đồng Bảo an không phải chỗ để thảo luận vấn đề Biển Đông”. Đại diện Trung Quốc cũng nói với những nỗ lực chung của Trung Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tình hình Biển Đông vẫn ổn định.
Thực tế phát biểu của ông Đới Binh phản ánh một trong những mâu thuẫn then chốt khiến việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) tới nay vẫn trì trệ. Trung Quốc nhiều lần khẳng định Biển Đông nên là chuyện giữa Trung Quốc và ASEAN, bác bỏ “sự can thiệp của các thế lực bên ngoài”. Nhưng với phát biểu của Bộ trưởng Jean-Yves Le Drian, có thể thấy việc có hay không sự can thiệp quốc tế vào an ninh biển sắp tới sẽ là chủ đề nóng, ảnh hưởng trực tiếp tới đàm phán COC.
Sự can thiệp của quốc tế chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc gặp khó trong các tính toán hiện nay, dù Bắc Kinh muốn diễn giải UNCLOS 1982 hay luật pháp quốc tế theo bất cứ cách hiểu nào.
NHẬT ĐĂNG
Theo: Cánh cò