Friday, March 29, 2024

Đập thủy điện do Trung Quốc tài trợ ở Campuchia đang đe dọa sinh kế hàng nghìn dân?

Một con đập thủy điện khổng lồ được Trung Quốc tài trợ ở Campuchia đang “cuốn trôi” sinh kế của hàng chục nghìn dân sống dọc sông Mekong, theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW).

Từ khi dự án đập thủy điện Hạ Sesan 2 được khởi động hồi tháng 12/2018, nó đã gây ra nhiều tranh cãi lớn trong giới phân tích về lợi ích và rủi ro mà con đập mang lại. Các chuyên gia thủy sản từng nhiều lần cảnh báo rằng việc xây dựng đập hợp lưu sông Sesan và sông Srêpôk – hai nhánh chính của sông Mekong – sẽ đe dọa nguồn tài nguyên thủy sản quan trọng trên sông. Sinh kế của hàng triệu ngư dân sống ven đồng bằng sông Mekong đoạn chảy qua Campuchia cũng từ đó mà chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết trong báo cáo hôm 10/8 rằng hàng chục nghìn ngư dân các làng chài sống ở thượng nguồn và hạ nguồn sông Sesan đã phải gánh chịu thiệt hại thu nhập nặng nề khi sản lượng đánh bắt cá giảm mạnh.

Đập thủy điện do Trung Quốc tài trợ ở Campuchia đang đe dọa sinh kế hàng nghìn dân?
Đập thủy điện Hạ Sesan 2 ở tỉnh Stung Treng, đông bắc Campuchia (Ảnh: AFP)

John Sifton, Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và là tác giả của báo cáo cho biết: “Đập Hạ Sesan 2 đã cuốn trôi sinh kế của các cộng đồng dân tộc thiểu số và dân cư bản địa, những người trước đây chủ yếu sống phụ thuộc vào nguồn tài nguyên từ đánh bắt cá, trồng trọt nông nghiệp và khai thác lâm sản… Chính phủ Campuchia cần khẩn trương xem xét lại các biện pháp bồi thường, tái định cư và hỗ trợ người dân phục hồi sinh kế sau dự án này”.

Brian Eyler, chuyên gia về nước và năng lượng sông Mekong cũng nhận định: “Không nghi ngờ gì, con đập Hạ Sesan 2 đã góp phần làm trầm trọng thêm các vấn đề của sông Mekong hiện tại”.

Trước đó, chính phủ Campuchia đã thúc đẩy dự án đập thủy điện Hạ Sesan 2 với công suất 2.400 MWh, kỳ vọng sản xuất khoảng 1/6 nhu cầu điện hàng năm của đất nước như cam kết của nhà xây dựng Trung Quốc – tập đoàn China Huaneng Group. Dự án đã buộc chính phủ di dời và cấp đất tái định cư cho khoảng 5.000 người dân. Nhưng cho đến nay, nhiều ý kiến cho rằng sản lượng điện của dự án hiện rất thấp, chỉ bằng 1/3 mức cam kết.

Phản bác lại các cáo buộc của HRW, người phát ngôn của chính phủ Campuchia Phay Siphan cho hay con đập “mang lại những tác động tích cực nhất”, và rằng nhiều người dân đã được tái định cư với nhà mới, đất canh tác và nguồn điện sử dụng dồi dào.

Con đập trị giá 780 triệu USD là một phần trong sáng kiến Vành đai và Con đường do Bắc Kinh khởi xướng nhằm thúc đẩy các dự án hàng hải, đường bộ và đường sắt liên kết trên khắp châu Á, châu Phi và châu Âu.

Năm ngoái, Eyes on Earth – một công ty nghiên cứu và tư vấn được tài trợ bởi Chính phủ Mỹ đã cảnh báo hàng triệu người dân có thể bị bóp nghẹt sinh kế do các con đập mà Trung Quốc xây dựng hoặc tài trợ xây dựng ở thượng nguồn sông Mê Kông.

Sông Mê Kông có chiều dài khoảng 4.350km, chạy qua 6 quốc gia bắt đầu từ Trung Quốc ở thượng nguồn, Campuchia, Lào, Thái Lan Myanmar và cuối cùng là Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Sông Mê Kông được đánh giá là “huyết mạch” của các quốc gia Đông Nam Á kể trên. Khoảng 200 triệu người dân ở lưu vực sông, những người sống bằng nghề nông, có sinh kế phụ thuộc chặt chẽ vào con sông này.

Về cơ bản, nghiên cứu của Eyes on Earth chỉ ra rằng không riêng các đập được xây dựng trong lãnh thổ Trung Quốc, hơn 100 đập nước của các quốc gia dọc sông Mê Kông (mà một số trong đó do Trung Quốc tài trợ) đều gây tác động lên hệ sinh thái khu vực. Là đất nước nắm thượng nguồn sông và xây dựng những đập giữ nước khổng lồ, Trung Quốc là quốc gia gây ảnh hưởng nhiều hơn cả, khiến lượng nước trở nên ngày một bất thường. Một số quốc gia chứng kiến hạn hán chưa từng có như khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (hạ lưu sông Mê Kông) của Việt Nam, trong khi một số quốc gia khác chứng kiến mực nước tăng đột ngột.

NTTD (AFP)

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG