Thursday, March 28, 2024

Hành trình Delta trở thành chủng trội ở Mỹ

Trận chiến của các biến thể nCoV ở Mỹ đã kết thúc, khi Delta đánh bại mọi đối thủ để trở thành chủng trội chỉ trong 3 tháng.

Từ cuối năm ngoái, hàng loạt biến thể nCoV đã xuất hiện ở Mỹ với những đặc tính lây truyền khác nhau. Trong phần lớn đầu năm nay, biến thể Alpha, hay B.1.1.7 lần đầu xuất hiện ở Anh, dường như lấn lướt và chiếm phần lớn số ca nhiễm ở Mỹ vào tháng 4. Ở vị trí thứ hai là Iota, hay B.1.526, biến chủng lần đầu xuất hiện ở thành phố New York. Một số biến thể khác được ghi nhận là Gamma, Beta và Epsilon.

Sau đó, Delta xuất hiện. Biến chủng này lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ và lây lan nhanh ở quốc gia này hồi đầu năm nay, nhưng tại Mỹ, nó mới có mặt trong vài tháng gần đây. Vào ngày 8/5, Delta mới chỉ chiếm khoảng 1% ca nhiễm mới hàng ngày ở Mỹ.

Tuy nhiên, Delta giờ đây gần như đánh bại mọi đối thủ khác. Đại dịch ở Mỹ giờ trở thành đại dịch Delta. Tới cuối tháng 7, biến chủng này chiếm 93,4% ca nhiễm mới ở Mỹ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC).

Hành trình Delta trở thành chủng trội ở Mỹ
Một bệnh nhân Covid-19 điều trị tại bệnh viện ở thành phố Baton Rouge, bang Louisiana hôm 2/8. Ảnh: AP.

Sự lấn át nhanh chóng của Delta trong cuộc đua đã khiến nhiều nhà khoa học lo lắng về những gì xảy ra tiếp theo. Các biến chủng lây lan mạnh trong năm 2021 đang góp phần khiến cuộc chiến chống Covid-19 kéo dài và phức tạp hơn.

Delta đã khiến hàng nghìn người phải nhập viện mỗi ngày và đe dọa xô đổ những thành quả chống dịch của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Chỉ trong vài tuần ngắn ngủi, Delta đã thay đổi mọi tính toán về kết thúc đại dịch ở Mỹ.

Các nhà dịch tễ học kỳ vọng đạt 70-80% dân số tiêm chủng cùng với miễn dịch tự nhiên để tạo “miễn dịch cộng đồng” nhằm kiểm soát đại dịch. Nhưng một loại biến chủng có khả năng lây nhiễm dễ dàng hơn đồng nghĩa phải tăng ngưỡng tiêm chủng, có thể lên tới 90%. Trên toàn cầu, mục tiêu này có thể mất vài năm. Tại Mỹ, tham vọng này có thể khó đạt được trong thời gian sớm bởi tình trạng ngần ngại vaccine trong một bộ phận lớn dân chúng.

“Cách Delta đang hoạt động mạnh mẽ hơn những chủng khác thật đáng lo ngại. Nó giống như khoảnh khắc trong ‘Công viên kỷ Jura’, khi bạn nhận ra những con khủng long đã thoát ra lần nữa”, Benjamin Neuman, nhà virus học tại Đại học Texas A&M, nói.

Sự xuất hiện của Delta đã sớm chấm dứt mơ ước về một mùa hè tự do ở Mỹ. Khi trường học và nhiều cơ quan đã sẵn sàng hoạt động bình thường trở lại, người dân một lần nữa được khuyến nghị đeo khẩu trang, dù họ đã tiêm chủng hay chưa. Nhiều bệnh viện ở các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp đang vật lộn với số ca bệnh tăng.

Giới khoa học cho rằng có một số yếu tố đã khiến ca nhiễm Delta tăng ở Mỹ. Đầu tiên là hành vi của con người. Khi số ca nhiễm bắt đầu giảm vào giữa tháng 4, mọi người bắt đầu quay trở lại các địa điểm đông người như phòng gym, nhà hàng, sân bóng, rạp hát, câu lạc bộ.

Sau khi CDC hồi tháng 5 thông báo những người đã tiêm vaccine đầy đủ không cần đeo khẩu trang, nhiều người Mỹ một lần nữa hành xử như thể virus chưa từng tồn tại. Ngoài ra, chủng Delta dễ lây nhiễm và tỷ lệ ngần ngại vaccine cao của người Mỹ cũng là những lý do cho sự gia tăng này.

Điều khiến nhiều nhà khoa học lo ngại nhất là khả năng biến đổi ngày càng nguy hiểm của nCoV. Chủng virus lần đầu xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc có tỷ lệ lây nhiễm (hệ số R) khoảng 2,5. R lớn hơn 1 đồng nghĩa các đợt bùng phát có khả năng lan rộng nhanh, nhưng giới khoa học phát hiện hệ R của Delta lớn hơn 5.

Dù chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng, nhiều người làm việc trong các bệnh viện cho hay biến chủng Delta dường như gây bệnh nặng và nhanh hơn. Stephen Brierre, trưởng khoa chăm sóc tích cực tại bệnh viện Baton Rouge General ở bang Louisiana, cho biết các triệu chứng suy hô hấp tiến triển nhanh hơn.

Trong khi đó, Emily L. Tull, một người làm việc tại khu chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Y tế Willis-Knighton ở Shreveport, Louisiana, nói đã gặp nhiều người bệnh nhiễm Delta bị suy thận, tổn thương gan và xuất hiện cục máu đông. Tull thêm rằng bệnh nhân nhiễm virus cũng trẻ hơn so với trước, có thể do tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn ở nhóm đối tượng này.

Một tài liệu nội bộ của CDC tiết lộ tháng trước chỉ ra một số nghiên cứu ở những quốc gia khác nhau cho thấy người nhiễm chủng Delta có nguy cơ nhập viện cao hơn. Đây là một trong những lý do khiến CDC “thừa nhận cuộc chiến đã thay đổi” và cập nhật khuyến nghị mới về khẩu trang.

Một hạt nằm ở sườn phía tây dãy núi Rocky ở bang Colorado là một ví dụ cho thấy Delta lây lan nhanh như thế nào. Đầu tháng 5, hạt Mesa chỉ ghi nhận 5 ca nhiễm Delta. Giới chức địa phương kêu gọi cư dân nhanh chóng tiêm chủng, khi chỉ ra chỉ 36% người đủ điều kiện ở hạt này đã tiêm đủ liều vaccine. Tới cuối tháng 5, hạt báo cáo ca tử vong đầu tiên vì biến chủng Delta, là một trẻ em chưa đủ điều kiện tiêm chủng.

Tới cuối tháng 6, lễ hội âm nhạc Country Jam khai mạc. Giới chức y tế cộng đồng đã thiết lập một điểm tiêm chủng lưu động tại nơi tổ chức lễ hội, đồng thời truyền tải nhiều thông điệp cảnh báo người tham dự về biến chủng Delta, nhưng dường như không hiệu quả.

Tới đầu tháng 8, hạt ghi nhận gần 900 trường hợp nhiễm Delta. Vaccine vẫn hiệu quả chống nguy cơ bệnh diễn tiến nặng, nhưng khoảng một nửa số ca nhiễm là người đã tiêm chủng đầy đủ.

Số ca nhiễm ở Mỹ đang tăng với tốc độ tương tự. Hôm 1/7, trung bình ca nhiễm mới trong 7 ngày ở Mỹ khoảng 13.000. Nhưng tới ngày 6/8, con số này chạm ngưỡng 100.000 và chưa có dấu hiệu giảm. Số ca tử vong trung bình hàng ngày cũng tăng mạnh, từ 209 hôm 6/7 lên 489 hôm 6/8.

Giới khoa học cho biết chu kỳ lây nhiễm của chủng Delta, từ thời điểm bị nhiễm virus tới khi phát triệu chứng, cũng rút ngắn xuống còn 2-3 ngày, thay vì 5-6 ngày như trước.

Hành trình Delta trở thành chủng trội ở Mỹ
Một điểm xét nghiệm Covid-19 tại Brooklyn, New York, Mỹ hôm 2/6. Ảnh: Reuters.

Các đột biến của chủng Delta thoạt nhìn không đáng chú ý so với đột biến của những chủng khác, như nó không có đột biến né tránh hệ miễn dịch như trong biến chủng Gamma và Beta, theo các nhà khoa học.

Nhưng đột biến P681R có thể đóng vai trò lớn khiến Delta trở thành chủng trội nguy hiểm. Virus nCoV cần có hai bước để xâm nhập tế bào, giống như cho chìa khóa vào ổ và xoay ổ khóa để mở cửa.

Hầu hết đột biến được xác định trong các “biến thể đáng lo ngại” dường như cải thiện để khiến chìa khóa ăn khớp với ổ khóa hơn, theo Vineet D. Menachery, nhà khoa học nghiên cứu về virus corona tại bệnh viện Đại học y Texas ở Galveston. Và đột biến P681R có vẻ đã làm rất tốt phần việc này. Menachery mô tả nCoV như một loại virus có khả năng thường xuyên biến đổi để không ngừng trở nên nguy hiểm hơn.

“Không ai biết virus này còn những thủ đoạn gì. Có thể chúng ta đã thấy tất cả những mánh khóe của nó, nhưng cũng có thể nó còn một bộ gene phức tạp khác chưa được khám phá”, Jeremy Luban, nhà virus học tại Trường Y Đại học Massachusetts, nói.

Các nhà khoa học đều tự hỏi khi nào khả năng lây nhiễm của nCoV chạm đỉnh. “Delta đã khiến tôi bất ngờ”, Trevor Bedford, một chuyên gia về tiến hóa của virus tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, nói. “Điều này không xảy ra với đại dịch cúm, không xảy ra với Ebola hay hầu hết các dịch bệnh khác’.

Ông cho rằng virus này không thể tiếp tục đột biến để lây truyền mãi mãi. Cuối cùng, nó sẽ phải chạm đến giới hạn. “Nhưng không rõ giới hạn đó là gì”, ông nói.

(Theo Washington Post)

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG