Indonesia đã đạt đến cột mốc đáng báo động khi ghi nhận hơn 100.000 người chết vì Covid-19, trở thành quốc gia thứ hai ở châu Á vượt qua con số này.
Sau nhiều tuần dẫn đầu thế giới về số ca tử vong vì Covid-19 hàng ngày, Indonesia tiếp tục ghi nhận thêm 1.747 ca tử vong hôm 4/8, nâng tổng số người chết vì Covid-19 tại nước này lên 100.636 trường hợp. Tổng số ca mắc Covid-19 tại Indonesia tính đến nay đã vượt 3,5 triệu người.
Giới chuyên gia cho rằng, số ca nhiễm và tử vong thực tế tại Indonesia có thể cao hơn nhiều do tỷ lệ xét nghiệm và hiệu quả truy vết còn hạn chế.
Indonesia cùng 11 quốc gia khác, trong đó có Brazil và Ấn Độ, đã ghi nhận hơn 100.000 ca tử vong vì Covid-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát vào năm ngoái. Điều này cho thấy tâm chấn của đại dịch đang dịch chuyển từ châu Âu và châu Mỹ sang Đông Nam Á.
Indonesia hiện là tâm dịch lớn nhất ở Đông Nam Á và cũng là nước đầu tiên trong khu vực vượt mốc 100.000 ca tử vong. Đợt bùng phát dịch nghiêm trọng hiện nay ở Indonesia được cho là do sự lây lan của biến chủng Delta và một phần do các lễ hội tụ tập đông người trở thành các sự kiện siêu lây nhiễm.
Mặc dù Indonesia tăng số ca nhiễm hàng ngày ít hơn Mỹ, nhưng tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn và hệ thống y tế được trang bị kém hơn của Indonesia đã dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn.
Theo công cụ theo dõi vắc xin của Bloomberg, hiện chỉ có 8% trong tổng số 270 triệu dân Indonesia được tiêm chủng đầy đủ, trong khi tỷ lệ này tại Mỹ là hơn 50%.
Số ca tử vong vì Covid-19 tại Indonesia tăng đột biến trong thời gian gần đây. Hơn 1/3 số ca tử vong được ghi nhận chỉ riêng trong tháng 7, khi biến chủng Delta bùng phát trên khắp Indonesia, khiến các bệnh viện bị quá tải và nguồn cung ôxy bị cạn kiệt.
Phần lớn trường hợp tử vong vì Covid-19 tại Indonesia do điều trị muộn. Các cơ sở y tế chỉ có thể tiếp nhận những bệnh nhân yếu nhất, mặc dù các nhà chức trách bố trí cả giường bệnh ở bãi đậu xe và chuyển các khu chung cư thành trung tâm cách ly.
Ít nhất 2.837 người đã tử vong trong khi tự cách ly tại nhà hoặc bên ngoài bệnh viện, trong bối cảnh chính phủ Indonesia khuyến cáo rằng, chỉ những người mắc bệnh nặng mới đến các cơ sở y tế vốn đang bị quá tải.
Đầu tháng 7, Indonesia đã áp đặt lệnh hạn chế di chuyển nghiêm ngặt nhất đối với hòn đảo đông dân nhất Java và điểm du lịch Bali để hạn chế sự lây lan của virus, trước khi mở rộng các biện pháp hạn chế tương tự đối với các khu vực còn lại của đất nước.
Indonesia đang tìm cách nhanh chóng triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin với mục tiêu 2,5 triệu liều mỗi ngày trong tháng này và tháng tới, cao gấp đôi so với hồi tháng 7.
Tuy nhiên, việc thiếu nguồn cung vắc xin vẫn là rào cản chính đối với Indonesia. Phần lớn số vắc xin Sinovac tại Indonesia vẫn phải chờ nhà sản xuất Trung Quốc chuyển đến và quá trình này có thể mất từ 1-2 tháng. Indonesia cũng bắt đầu nhận các lô vắc xin của Pfizer và Moderna thông qua chương trình COVAX và các thỏa thuận song phương.
Trong khi các quốc gia khác phải vật lộn với việc người dân do dự tiêm vắc xin, hầu hết người dân Indonesia đều mong muốn được tiêm chủng nhưng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung.
(Theo Bloomberg)
Theo: Cánh cò