Điểm b, Điều 29.2 Hiệp định TPP quy định về ngoại lệ an ninh có nêu rõ: “Không có quy định nào của Hiệp định này ngăn cản một bên áp dụng những biện pháp cần thiết để thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến giữ gìn và khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế hay bảo vệ các lợi ích an ninh thiết yếu”.
II – Quy định các nhà mạng đặt máy chủ quản lý dữ liệu tại Việt Nam hoàn toàn phù hợp TPP
Có ý kiến cho rằng, việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet nước ngoài đặt cơ quan đại diện và máy chủ quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam là không phù hợp với thông lệ quốc tế, trái với quy định của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)? Từ đó viện dẫn những thương hiệu như Google, Facebook… sẽ “rút chạy”. Nhiều trang mạng được dịp chỉ trích Nhà nước Việt Nam “trói buộc, gông cùm Internet” một cách vô cớ!
Thực tế, việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet nước ngoài đặt cơ quan đại diện và máy chủ quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với Hiệp định TPP và đã được một số quốc gia trên thế giới áp dụng. Đã có 14 quốc gia đã ban hành văn bản hoặc đang xây dựng văn bản pháp luật quy định cụ thể đối với yêu cầu đặt máy chủ, trong đó có Mỹ, Nga, Úc, Canada, Columbia, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Kazakhstan, Hàn Quốc, Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi.
Điểm b, Điều 29.2 Hiệp định TPP quy định về ngoại lệ an ninh có nêu rõ: “Không có quy định nào của Hiệp định này ngăn cản một bên áp dụng những biện pháp cần thiết để thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến giữ gìn và khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế hay bảo vệ các lợi ích an ninh thiết yếu”. Công sứ kinh tế Nhật Bản – Nagai Katsuro khẳng định, quy định tại khoản 4, Điều 34 dự thảo Luật An ninh mạng là phù hợp với ngoại lệ an ninh của TPP.
Vấn đề địa phương hóa dữ liệu đã được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, quy định thành các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet nước ngoài phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu (có phân loại) ở trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Có thể kể đến là Úc, Canada, Columbia, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Kazakhstan, Hàn Quốc, Nigeria, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Indonesia, Hàn Quốc, Ả Rập Saudi.
Ngoài việc quy định về đặt máy chủ quản lý dữ liệu, một số quốc gia còn áp dụng các quy định nghiêm khắc đối với hành vi phỉ báng, làm nhục, vu khống trên không gian mạng, tác động xấu tới chủ quyền, lợi ích quốc gia; tạo điều kiện để mạng internet phát triển nhưng phải kèm theo điều kiện căn bản là bảo vệ an ninh của đất nước, thực hiện chính sách kiểm duyệt, ngăn chặn truy cập các nội dung tuyên truyền bạo loạn, lật đổ, nội dung độc hại đối với trẻ em, xúc phạm nhân phẩm, nói xấu, phỉ báng, bạo lực tình dục, khiêu dâm…
Vì thế, các nước này ban hành quy định yêu cầu các mạng xã hội phải gỡ bỏ các nội dung trên trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại từ người dùng. Điển hình là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Thái Lan, Nga, Ủy ban châu Âu…
Khoản 4, Điều 34 dự thảo Luật An ninh mạng cũng xuất phát từ tình trạng thất thu thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet xuyên biên giới cho người dùng tại Việt Nam, gây bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh.
Có một thực tế đã tồn tại nhiều năm nay, Việt Nam bị thất thu một khoản thuế khổng lồ, lên tới hàng trăm tỉ mỗi tháng từ các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google… mặc dù những doanh nghiệp này thu lợi nhuận hàng ngàn tỉ mỗi tháng do người dùng Internet Việt Nam mang lại một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Chỉ tính riêng trong quý 3 năm 2017, doanh thu quảng cáo của Facebook đạt 10,1 tỷ USD. Facebook đứng số 1 về doanh thu trực tuyến tại Việt Nam với doanh số khoảng hơn 3.000 tỷ đồng (tương đương 150 triệu USD) với 400.000 tài khoản bán hàng, trong đó có hơn 100.000 tài khoản quảng cáo. Tiếp theo là Google với doanh thu trực tuyến 2.200 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD), trở thành đối tác của hơn 200 tờ báo vào khoảng 50.000 website tại Việt Nam.
Nếu như các tập đoàn thuộc các quốc gia hoạt động tại Việt Nam đều có văn phòng đại diện, chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam, như: Samsung, IBM, Canon, Toyota, Huawei… trong khi đó, mặc dù là những tập đoàn hàng đầu thế giới chuyên kinh doanh cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet xuyên biên giới, nhưng Facebook, Google không có văn phòng đại diện ở Việt Nam và được tổ chức, quản lý hoàn toàn ở nước ngoài.
Các doanh nghiệp như Facebook, Google đang hoạt động kinh doanh, thu tiền quảng cáo trực tiếp từ người mua quảng cáo ở Việt Nam. Mỗi cá nhân hay tổ chức ở Việt Nam muốn chạy quảng cáo trên hạ tầng của Facebook, Google chỉ cần dùng thẻ tín dụng visa hoặc master, amercan express đăng ký thanh toán quảng cáo là có thể dễ dàng mua được quảng cáo trên Facebook và Google mà không phải qua bất cứ đơn vị trung gian nào, không bị ràng buộc về các nghĩa vụ, vì vậy, Nhà nước bị thất thu một nguồn tiền thuế khổng lồ từ những doanh nghiệp nước ngoài.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước cung cấp những dịch vụ mạng tương tự như họ thì lại bắt buộc phải tuân thủ nhiều quy định về thuế. Đó là sự bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, gây thất thu rất lớn cho Việt Nam.
Trên thực tế, khi quy định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet nước ngoài đặt cơ quan đại diện và máy chủ quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam, trước hết đó là việc bảo đảm chủ quyền thông tin của Việt Nam. Bên cạnh đó, mang lại lợi ích kinh tế, tạo việc làm có thu nhập cao cho một bộ phận nhất định người Việt.
Facebook, Google mở văn phòng ở Singapore và trả lương cho kỹ sư người địa phương là 7.000 – 12.000USD/tháng. Quy định này đồng thời tạo tiền lệ cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động cung cấp dịch vụ thông tin công cộng qua biên giới vào Việt Nam. Bởi trên thực tế, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin công cộng qua biên giới không chỉ có Facebook, Google mà còn có Apple, Alibaba, Amazon, WhatsApp, Grab, Uber…
Ngoài ra, quy định của điều khoản này còn giúp bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân của người dùng Việt Nam. Dữ liệu là tài sản quốc gia và mỗi cá nhân. Vị trí, vai trò của cá nhân trong xã hội và bộ máy chính trị càng cao thì thông tin cá nhân càng quan trọng và cần được bảo mật. Ví dụ, thông tin cá nhân mô tả sở thích, hoạt động, quan hệ, nhân thân…
Cùng với đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước của cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan quản lý nhà nước có thể thực thi vai trò quản lý, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ thông tin qua biên giới hoạt động tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, Facebook hiện đứng số 1 về doanh thu trực tuyến với khoảng 3.000 tỷ đồng (tương đương 150 triệu USD), Google đứng ở vị trí thứ 2 với khoảng 2.200 tỷ đồng (tương đương 100 triệu USD). Còn lại là các công ty quảng cáo của Việt Nam như Admicro, Adtima, Cốc Cốc… chỉ chiếm tỉ lệ doanh thu nhỏ với tổng số khoảng 1.900 tỷ đồng.
Facebook, Google tạo sức ảnh hưởng lớn, chi phối hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông Internet trong nước. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông Internet lớn trong nước có kết nối Internet đi quốc tế (Viettel, VNPT, FPT…) đều có chính sách kinh doanh dựa trên các dịch vụ của Facebook, Google.
Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu quản lý nhà nước về thuế, bảo vệ thông tin người dùng, hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là bảo vệ an ninh quốc gia. Với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, giải quyết sớm các vấn đề này bao nhiêu sẽ mang lại lợi ích cho quốc gia cũng như mỗi tổ chức, cá nhân.
Nước ta là một thị trường lớn, mang lại nhiều lợi nhuận cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet nước ngoài, với hơn 60 triệu người dùng Internet, nhiều hơn gấp nhiều lần số dân một số quốc gia khác, nằm trong top 20 quốc gia ứng dụng Internet nhiều nhất thế giới, là quốc gia đứng thứ 7 trong tổng số các quốc gia có người sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới. Chi phí đầu tư máy chủ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với lợi nhuận các doanh nghiệp này thu về. Việc đặt máy chủ còn giúp các doanh nghiệp này nâng cao chất lượng dịch vụ.
Như vậy, việc dự thảo Luật An ninh mạng quy định các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet vào Việt Nam phải “đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…” là hết sức cần thiết và phù hợp với tình hình hiện nay. Việc tung tin Google, Facebook… rút lui nếu buộc đặt máy chủ tại Việt Nam là suy diễn, gây nhiễu loạn thông tin, chỉ phục vụ những dụng ý cá nhân.
Tần Hoàng Minh (CAND)