Hình ảnh lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội những ngày nay không chỉ là những chuyến xe chở đầy rau, củ, quả từ các tỉnh thành chở về TP.HCM, tiếp sức chống dịch. Không chỉ là hình ảnh lãnh đạo đến từng địa bàn, đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu gồng mình điều trị cho bệnh nhân, mà còn có những hình ảnh đầy bức xúc của một số người dân thiếu ý thức, chỉ vì lợi ích cá nhân mà quên đi sức khỏe của cộng đồng, bỏ mặc đại cuộc chống dịch mà biết bao con người đang dầy công ra sức.
Mạng xã hội lan truyền rộng rãi hình ảnh một người phụ nữ bất chấp chỉ thị 16, từ TP.HCM đi xe hơi về Đồng Nai để mua rau và các thực phẩm, khi bị CSGT thổi phạt 2 triệu vì “ra đường không cần thiết” thì cãi tay đôi : “Sao lại không cần thiết, rau đây mắc quá sao mua, chết đói thì sao”. Lý do chị không mua đồ ăn ở đây mà phải chuyển từ Đồng Nai lên, chỉ vì đồ ăn ở đây quá mắc, công ty nhân sự rất đông.
Clip lan tỏa, nhiều người dân đã bức xúc lên án mạnh mẽ thái độ này, tựu chung nếu ai cũng như chị thì thành phố này chống dịch kiểu gì cho hết. Ăn kham khổ hai tuần chưa chắc chết, nhưng mà mắc Covid thì tỉ lệ cao, tệ hơn nữa là lây dịch cho cộng đồng thì cái tội đó nếu tự vấn lương tâm không biết bao giờ cho hết?
Những ngày phong thành thực hiện chỉ thị 16, TP.HCM cũng không hiếm hình ảnh người dân ra đường không khẩu trang, khi lực lượng chức năng nhắc nhở đã thách thức, chống đối. Thậm chí, ở một số nơi quầy hàng rau mở bán lề đường, tụm năm, tụm bảy người đến mua.
Những ngày TP.HCM nóng như lửa đỏ, trong 7 ngày thực hiện chỉ thị 16 đã có trên dưới 10 ngàn ca mắc, có ngày ca mắc vượt qua con số 2 ngàn người, hệ thống y tế và tuyến điều trị đang quá tải, đội ngũ y tế phải làm việc xuyên suốt ngày đêm. Cứ trung bình một người bác sĩ phải chăm sóc bệnh án cho hơn 10 người nhiễm Covid-19 nặng.
Nhân viên y tế tại khu cách ly phân tất bật với công tác hành chính, nhập dữ liệu, thu xếp chăn màn và vật dụng cá nhân cho F0. Đội ngũ tình nguyện viên không có thời gian để lướt mạng xã hội khi vừa nấu ăn, phân phát, bưng bê phục vụ từng người ở khu cách ly. Áp lực, căng thẳng, nhiều người kiệt sức, gục ngã, xỉu đi vì nhiều giờ liền khoác bộ trang phục y tế nóng hầm hập, và thiếu thời gian nghỉ ngơi.
Đó là chưa kể những tiếng vọng của người tham gia cách ly bức bách, quát nạt những cán bộ đang thực hiện công tác chống dịch khi nước sinh hoạt yếu, thức ăn đưa đến quá 12h trưa. Mà thông qua báo chí phản ảnh, ai cũng có thể hình dung y bác sĩ, và đội ngũ tình nguyện viên không khác gì “làm dâu trăm họ”. Thương biết bao những chiến binh đang chiến đấu, phục vụ ở điểm nóng, vùng dịch – bệnh viện dã chiến như thế!
Trên tinh thần chống dịch như chống giặc, trong thời gian ngắn TP.HCM đã cho ra đời hàng loạt các bệnh viện dã chiến. Trong đó bệnh viện dã chiến lớn nhất TP ở khu tái định cư Thủ Thiêm (phường An Khánh, TP Thủ Đức) ra đời và đưa vào hoạt động chỉ sau 72 giờ, để hơn 4.000 người mắc Covid-19 được chuyển đến điều trị – đó là điều không dễ dàng. Tất cả các lực lượng chống dịch, từ trên xuống dưới, từ ngành dọc đến ngành ngang, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ theo chỉ đạo của Bí thư Nguyễn Văn Nên: “Cố gắng hạn chế tối đa trường hợp bệnh nhân Covid-19 tử vong do bệnh nền, phải điều trị cả bệnh nền, làm việc này bằng cả trách nhiệm và lương tâm”.
Có thể thấy, trong cuộc chiến toàn lực này, để không một ai bị bỏ lại phía sau, lãnh đạo và cán bộ, y bác sĩ, chiến sĩ TP.HCM dã dốc hết sức, tận tâm và tận lực. 12h đêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM còn phải điều hành, để bệnh nhân lớn tuổi, mắc bệnh nặng đang rất nguy cấp được đến bệnh viện điều trị. Hành động kép, vừa chống dịch, triển khai bệnh viện dã chiến, động viên người dân và triển khai giải ngân các gói hỗ trợ song song cùng lúc … Với ngần ấy đầu công việc được diễn ra song song nhau, biết bao nỗ lực, công sức đã đổ ra.
Thế nhưng, tất cả sẽ đổ sông, đổ biển nếu chỉ vài người dân thiếu ý thức. Như lời Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Kết quả sau 15 ngày phụ thuộc vào sự thực hiện nghiêm của chúng ta”.
Để đạt kết quả cao nhất, không phải đối mặt với những tình huống xấu hơn, và để cơn bão dịch sớm chấm dứt, chỉ có một phương hướng tốt nhất, đó là tuân thủ quy định chống dịch, tuân thủ nguyên tắc 5K và giãn cách đúng nghĩa. Trong hoàn cảnh khó và ngặt như hiện nay, cần nhất lúc này là tinh thần vì cộng đồng. Sự hợp tác của người dân trong thời khắc đỉnh dịch này không chỉ là giúp cho bản thân, gia đình, mà cho cả xã hội.
Thái Thanh
Theo: Hội Cờ đỏ