Một Cuba đầy bất ổn với làn sóng biểu tình trong bối cảnh tình hình kinh tế phức tạp do lệnh cấm vận của Mỹ và đại dịch Covid-19 bủa vây, khiến nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế đồng loạt lên tiếng bày tỏ đoàn kết với Chính phủ và nhân dân Cuba, phản đối các âm mưu gây bất ổn cho quốc đảo Caribe này. Nực cười thay lại có những kẻ “anh hùng núp” sau bàn phím đang ra sức liên hệ về những câu chuyện vốn không liên quan để thêu dệt, suy diễn, từ đó tung hô, cổ vũ, coi vấn đề biểu tình tại đất nước Cuba là “hình mẫu lý tưởng” cho Việt Nam.
Trong khi Chủ tịch Cuba Miguel Diaz Canel thẳng thắn chỉ trích, các chính sách bao gồm lệnh cấm vận của Mỹ là nguyên nhân dẫn tới các cuộc biểu tình ở Cuba. Thì trên mạng xã hội không ít kẻ lại rêu rao các luận điệu sai trái, độc hại rằng: “nguyên nhân khiến dân Cuba xuống đường biểu tình là vì bất bình với các biện pháp chống dịch yếu kém của nhà cầm quyền khiến số ca nhiễm, người tử vong cao, khan hiếm lương thực…“. Rồi họ cố tình liên hệ những sự vụ vốn không liên quan để thêu dệt, suy diễn, so sánh một cách khập khiễng về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam với vấn đề nội bộ đất nước Cuba. Họ trắng trợn thêu dệt “Việt Nam đang chống dịch bằng cơ chế kì thị và lợi dụng, hắt hủi người mắc Covid-19” hòng gây sự hoài nghi về công tác phòng chống dịch của Chính phủ, tạo tâm lý hoang mang, hoảng sợ để dễ bề thao túng cảm xúc gây bất ổn về chính trị-xã hội.
Đằng sau những luận điệu tưởng chừng như đầy “thương cảm” cho Cuba như: “Cuba đã thức, còn dân Việt Nam thì đang ngủ; Ta chống dịch, bạn biểu tình…”, thực chất lại là những bộ mặt xảo trá. Núp dưới vỏ bọc “yêu nước”, đấu tranh vì “dân chủ”, “nhân quyền”, nhằm đánh lạc hướng dư luận, từ đó lôi kéo, dẫn dụ những người nhẹ dạ cả tin tham gia vào các hoạt động chống phá.
Rõ ràng, câu chuyện bất ổn, biểu tình tại Cuba, hay trước đó là Myanmar, Hồng Kông, Thái Lan và Việt Nam là hoàn toàn khác nhau không thể so sánh. Không hiểu từ bao giờ việc bất ổn, bạo loạn, biểu tình, căng thẳng leo thang, “bom bay đạn lạc” lại trở thành tiêu chí của “dân chủ”, trở thành hình mẫu để Việt Nam phải học, trở thành “thông điệp tiến bộ” mà Việt Nam phải nhìn vào? Phải chăng, thứ “dân chủ”, “nhân quyền” mà những “nhà đấu tranh vì dân chủ” đang hướng đến là phải bất ổn, phải chống đối, phải bạo loạn?.
Diễn biến dịch Covid-19 trong nước đang hết sức phức tạp, nhiều tầng lớp trong xã hội đang chung tay góp sức chống dịch. Các chiến sĩ Công an, Quân đội, các y bác sĩ làm quần quật tại vùng dịch, các nhà hảo tâm góp tiền cửa, vật chất. Hơn 100 ngày điều hành, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng bộ máy Chính phủ đã lăn xả, vào tận những điểm nóng của tâm dịch, những cuộc điện đàm xuyên suốt để có được vaccine về cho đất nước nhiều nhất có thể. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh vừa phát đi thông điệp: “dồn sức cứu chữa nhiều nhất cho bệnh nhân” để không một ai phải bị bỏ lại vì dịch bệnh. Lúc này đây điều cần nhất chính là giãn cách, giãn cách và ở nhà nhiều nhất có thể, vậy mà nực cười thay lại có những kẻ “anh hùng núp” sau bàn phím để xúi giục người dân mình xuống đường biểu tình đòi những điều mà họ vốn đã đang được thụ hưởng.
Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, vaccine nội địa có thể sẽ được sử dụng trong tương lai gần nhất, nhưng vaccine để điều trị dứt điểm thứ virus “dân chủ giả hiệu” sẽ còn là cuộc thử nghiệm lâu dài khi tiền bẩn, những tấm vé tị nạn đang làm mờ mắt nhiều người. Hơn lúc nào hết, để ngăn ngừa thứ virus này lây lan trong cộng đồng, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, hiểu rõ về bản chất, âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng. Qua đó, tạo sức đề kháng không để virus “dân chủ” có thể xâm nhập vào nhận thức, tư tưởng.
Ái Dân
Theo: Cánh cò