– Không lâu sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức (ngày 5/4), đại dịch Covid-19 bùng lên lần thứ 4 với những diễn biến hết sức phức tạp. Trả lời truyền thông trong tháng 4, ông từng nói rằng đưa Việt Nam vượt nhanh khỏi đại khủng hoảng Covid-19 là thách thức nổi bật của tân Thủ tướng. Những khó khăn mà Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay có giống như thách thức mà ông từng đề cập tới hay không?
Khi đương đầu với những biến cố khắc nghiệt bất thường như đại dịch Covid-19, người làm phân tích chính sách thường chuẩn bị cho ba kịch bản chính về mức ảnh hưởng và diễn biến của nó. Cụ thể là: “Thấp và hoàn toàn được kiểm soát” (Kịch bản 1); “Cao nhưng cơ bản được kiểm soát” (Kịch bản 2); “Khủng khiếp và có lúc rơi vào tình thế dường như ngoài tầm kiểm soát” (Kịch bản 3).
Cho đến tháng Tư năm 2021, Việt Nam, ở vào kịch bản 1. Khi đó, cả nước và thế giới lạc quan về thành công chống dịch của Việt Nam. Bản thân tôi khi đó cho rằng Việt Nam sẽ cơ bản ở vào kịch bản 1 mặc dù cũng không loại trừ kịch bản 2. Vào lúc này, tôi nghĩ là Việt Nam đang ở kịch bản 2 và tình hình khá phức tạp vì các biến thể Covid mới có mức độ lây lan nhanh hơn.
Tuy nhiên, trong so sánh với thế giới, số ca lây nhiễm trung bình hàng tuần tại thời điểm này, Việt Nam vẫn ở mức tương đồng so với các nước đã tiêm chủng được một tỷ lệ lớn dân số như Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản. Cụ thể là, số ca nhiễm trung bình trong bảy ngày qua (2-8/7/2021) là 417 với Israel (dân số trên 9 triệu người), 971 với Hàn Quốc (dân số trên 9 triệu người), và 1.754 với Nhật Bản (dân số trên 9 triệu người), trong khi con số này là 1.012 với Việt Nam (dân số trên 96 triệu người).
Một điều cần đặc biệt lưu ý là, số ca nhiễm đang có xu hướng tăng lên, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả nhiều nước đã tiêm chủng tốt, trong đó có Israel, Hàn Quốc, và Nhật. Cụ thể là, số ca nhiễm trong ngày 8/7 là 611 với Israel, 1.316 với Hàn Quốc, và 2.230 với Nhật; trong khi con số này của Việt Nam là 1.425.
Cũng cần nói thêm rằng lây nhiễm mà không nặng và không làm lây lan sang người khác thì cũng hoàn toàn không phải là một điều tệ hại. Nó giúp tạo miễn dịch cho người từng nhiễm. Vì vậy, không nên quá lo lắng nếu thấy số ca nhiễm tăng cao nhưng số bị nặng không nhiều. Ở Singapore, Chính phủ đang định hình chiến lược sẽ dùng chỉ số về số ca nặng, phải vào viện, thay vì tổng số ca nhiễm, để ra quyết định điều hành chống dịch.
Thách thức Covid-19 có thể còn nhiều bộc phát kịch tính nhưng tôi tin là Việt Nam sẽ trụ vững và không rơi vào kịch bản 3. Với cách điều hành bản lĩnh và linh hoạt như hiện nay của Chính phủ và sự đồng lòng của toàn dân, tôi tin là Việt Nam sẽ một lần nữa chứng minh xuất sắc khả năng chống chịu và bản lĩnh vươn lên của mình.
– Trên góc nhìn của một nhà quan sát, phân tích chính sách, ông có nhận xét gì về việc đối phó với đại dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam trong 3 tháng qua khi mà đợt dịch thứ 4 xảy ra và nặng hơn nhiều so với 3 lần trước đó?
Từ góc nhìn của tôi, có ba đặc trưng nổi bật. Thứ nhất, đó là bản lĩnh và sự quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ và các địa phương. Phương châm “vừa chiến đấu chống dịch vừa sản xuất” được thực hiện khá tốt. Cảnh tượng công nhân ngủ lều bám trụ tại nhà máy là một minh chứng đặc sắc.
Về đàm phán mua vaccine, Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm rất cao trong tìm kiếm mọi phương cách và đã đạt được kết quả khả quan. Điều cần nhấn mạnh là việc mua vaccine không dễ dàng cho dù có bao nhiêu tiền.
Singapore, với nguồn tài chính dồi dào và quan hệ quốc tế sâu rộng, cũng gặp khó khăn đáng kể về nguồn cung vaccine. Mặc dù chỉ có 5,7 triệu người, cho tới đầu tháng bảy này, Singapore mới chắc chắn có đủ nguồn vắc xin để có thể nâng mức tiêm chủng đủ hai mũi cho toàn dân từ tỷ lệ 39% hiện nay lên khoảng 65-70% trước 10/8.
Thứ hai, đó là tính sáng tạo, sự linh hoạt và khả năng chống chịu cao của doanh nghiệp và người lao động. Cho dù dịch bệnh nghiêm trọng, hầu hết các hoạt động sản xuất và sinh hoạt vẫn cơ bản ổn định. Từ nhiều quan sát ở cấp độ vi mô, tôi thấy đang có nhiều chuyển động đặc sắc có tính nền tảng, giúp Việt Nam có thể mạnh hơn sau đại dịch Covid-19.
Thứ ba, đó là lòng dân. Quỹ vaccine Covid-19 do người dân và doanh nghiệp đóng góp với tổng số tiền vượt qua 7.000 tỷ hay 300 triệu đô la thể hiện một sức mạnh tiềm tàng của xã hội trong ủng hộ Chính phủ chống đại dịch.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thấy rằng sự khắc nghiệt của đợt dịch 4 này cũng làm bộc lộ rõ một số điểm yếu lớn trong năng lực tổ chức phối hợp ở quy mô lớn trong tình trạng cấp bách. Chẳng hạn, ở một số nơi, việc xét nghiệm và tiêm chủng trông còn rất lộn xộn, thiếu phân tích khoa học, làm người dân quá vất vả.
Tôi rất mong nỗ lực chống đại dịch Covid-19 sẽ làm người dân cảm phục hơn phẩm chất phụng sự dân của bộ máy công quyền trên ba tiêu chí căn bản mà có thể được diễn tả bằng từ viết tắt trong tiếng Anh – RED: R=Respect (kính trọng dân); E=Effectiveness (hiệu quả cho dân); D=Dependability (đáng tin cậy với dân).
Nếu một chương trình hoặc một cá nhân không đạt điểm cao trên ba tiêu chí này thì cũng như là máu không có màu đỏ và nên loại bỏ ngay.
– Trong buổi lễ ra mắt Quỹ vaccine Covid-19 , Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nghẹn ngào khi nói đến sự đồng lòng của toàn dân. Một người mạnh mẽ lại có phút giây xúc động như vậy, từ góc độ một nhà quan sát, ông thấy có điều gì đọng lại?
Từng là người thủ lĩnh, người quản lý doanh nghiệp và người cán bộ nhà nước, tôi thấy rất đồng cảm về sự nghẹn ngào này. Lòng dân của người Việt Nam ta là một kho báu vô tận, sẵn sàng mở ra khi đất nước cần đến, nhất là khi gặp lúc gian nguy. Thế nên, trách nhiệm của người lãnh đạo trước nhân dân, do vậy lớn lắm.
Tôi tin là Thủ tướng Phạm Minh Chính trong giờ phút đó cảm nhận thấy kỳ vọng thiêng liêng này.
Tôi rất mong các cơ quan công quyền, hội đoàn, các nhà hảo tâm, và nhiều người dân bình thường sẽ liên tiếp có những sáng kiến làm lay động lòng người mà nhiều thế hệ sau sẽ còn nhắc lại. Chẳng hạn, chúng ta sẽ có những chuyến xe lưu động hàng ngày để tiêm ngay vaccine và biếu quà cho các hộ nghèo, bán hàng rong để họ có cuộc sống và sinh nhai bớt phần cơ cực trong đại dịch.
Tôi tin rằng lòng người Việt Nam có thể mở ra nhiều lần lớn hơn nếu thấy đóng góp của mình thực sự ý nghĩa, đặc biệt là sự trợ giúp thiết thực tới những người đồng bào nghèo khó trong cơn hoạn nạn này.
– Ông có bình luận gì về chiến lược quyết dịnh chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công của Chính phủ trong chống đại dịch Covid-19?
Tôi nghĩ đây là một phương châm đặc sắc và nghĩ về ba hướng vận dụng sau trong chuyển từ phòng ngự sang tấn công.
Thứ nhất, đó là giành thế chủ động nhờ có chiến lược rõ ràng trong xét nghiệm, giãn cách, và nghiêm cứu rút kinh nghiệm. Tránh bị thụ động, hoảng loạn, ngăn sông cấm chợ, xét nghiệm đại trà. Chúng ta cần xác định là không thể phát hiện hết người nhiễm Covid-19 mà chỉ có thể kịp thời loại bỏ các ổ dịch có nguy cơ gây lây nhiễm lớn.
Chúng ta chấp nhận có 6-7.000 người chết và hàng chục nghìn người bị thương hàng năm do tai nạn giao thông để có cuộc sống đi lại bình thường thì cũng nên có cách ứng xử phù hợp trong thời kỳ mới, khi Covid-19 trở thành một loại dịch bệnh không thể loại bỏ.
Thứ hai, đối với những đối thủ quá mạnh, quá nguy hiểm như Covid-19 thì tấn công vào chính điểm yếu cố hữu của bản thân mỗi chúng ta là cách hiệu quả nhất để giành thắng lợi. Theo phương châm này, mỗi cá nhân và gia đình sẽ có nếp sống khoa học hơn, đặc biệt trong thể dục, ăn ngủ, và suy nghĩ tích cực. Khi đó, sức đề kháng của mỗi người sẽ tăng lên.
Thứ ba, mỗi cán bộ nhà nước và lãnh đạo doanh nghiệp biến khủng hoảng Covid-19 thành động lực để suy nghĩ đột phá hơn, làm việc tận tâm hơn, quan tâm hơn đến đội ngũ nhân viên và đồng bào của mình.
– Ngoài Covid-19, ông còn thấy thách thức lớn nào kế tiếp trong thời gian tới?
Theo tôi, có ba thách thức lớn chúng ta cần quán triệt rõ. Thứ nhất, đại dịch Covid-19 có thể không chỉ là cuộc khủng hoảng xảy ra trăm năm mới có một lần mà là một tín hiệu về sự biến động có tính kỷ nguyên của thế giới. Trong kỷ nguyên mới này, thế giới sẽ phải trải qua những biến cố bất thường mà khó ai có thể lường trước về qui mô, mức độ khắc nghiệt và tần suất.
Vì vậy, mỗi quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân cần có chuẩn bị tốt cả về tâm thế và nền tảng cho một thế giới đầy bất trắc. Chẳng hạn, không ai có thể khẳng định là Covid-19 không trở lại với biến thể mới khủng khiếp mà các vaccine hiện có không còn hiệu quả.
Thứ hai, từ khủng hoảng Coid-19, tư duy nhận thức của các quốc gia và doanh nghiệp sẽ có những thay đổi sâu sắc, có tính cấu trúc, đặc biệt về rủi ro hệ thống và tầm quan trọng đặc biệt của khả năng chống chịu.
Do vậy, động lực dẫn dắt xu hướng đầu tư và thương mại trong các năm tới sẽ chịu chi phối nhiều hơn về nỗ lực tránh rủi ro hệ thống và tăng khả năng chống chịu trong khủng hoảng. Vì thế, các cơ chế chính sách chỉ dựa vào giá lao động và nhân công rẻ để thu hút đầu tư và tăng xuất khẩu sẽ kém hiệu quả hơn nhiều trong thời gian tới.
Thứ ba, hội nhập vào thế giới số trở thành một yêu cầu cấp bách, là một đòi hỏi chiến lược có tính tiến hóa. Nó cho phép mỗi quốc gia có được khả năng và nguồn lực vô tận để chống chịu trước khủng hoảng, thúc đẩy tăng trưởng và kiến tạo phồn vinh ở quy mô và nhịp độ chưa từng có. Nắm bắt cuộc cách mạng số một cách mạnh mẽ và triệt để, do vậy, là một quá trình tiến hóa; nó vừa là nhu cầu sống còn, vừa là nhu cầu phát triển.
– Là người đang sống và làm việc ở Singapore, ông thấy có kinh nghiệm chống dịch hiệu quả nào của nước bạn mà Việt Nam có thể tham khảo để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường?
Tôi thấy có ba điều đáng tham khảo. Thứ nhất, đó là sự thông suốt về thông tin-truyền thông và phương cách chỉ đạo trong chống dịch. Dân biết rõ chính phủ đang chống dịch như thế nào và hiểu rõ tại sao phải làm việc đó.
Cuộc họp thường kỳ trực tuyến của nhóm đặc nhiệm về chống dịch đứng đầu bởi hai bộ trưởng được tổ chức công khai. Vì vậy, sự tin tưởng và ủng hộ của người dân với nỗ lực chống dịch của Chính phủ luôn ở mức rất cao.
Thứ hai, cách tổ chức xét nghiệm và tiêm chủng rất khoa học, hiệu quả. Người dân cảm thấy được phụng sự ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn RED (tôn trọng, hiệu quả, đáng tin cậy) như tôi nói ở trên. Đi tiêm mỗi lần chỉ mất khoảng một tiếng và rất chính xác theo lịch hẹn; chờ đợi thoải mái, an toàn, thân thiện. Người dân thấy tin và quý Chính quyền hơn qua những tương tác cụ thể này.
Thứ ba, Chính phủ Singapore thành lập Nhóm Đặc nhiệm gồm 23 thành viên là đại diện của các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp hàng đầu để hoạch định chiến lược giúp Singapore vượt ra khủng hoảng Covid-19 với sức mạnh mới, có tính đột phá.
Kể từ khi được thành lập vào tháng 5 năm 2020, Nhóm Đặc nhiệm đã tập hợp được ý kiến của hàng nghìn chuyên gia từ 900 tổ chức và doanh nghiệp. Nhóm cũng lập trang web để gắn kết với chuyên gia và người dân nhằm có thêm những góp ý thiết thực và cập nhật cho cho quá trình soạn thảo bản báo cáo chiến lược của Nhóm.
Bản báo cáo này gồm 118 trang được trình Chính phủ Singapore vào tháng 5 năm 2021. Bản báo cáo có đưa ra nhiều khuyến nghị giá trị, rất đáng để Việt Nam tham khảo.
– Theo quan sát của ông, những diễn biến phức tạp của đại dịch cũng như thách thức mới nổi lên sẽ có thể làm thay đổi gì trong chương trình nghị sự kinh tế của Chính phủ?
Tôi nghĩ nó sẽ có những tác động lớn tới chương trình nghị sự của Chính phủ ở 5 nội dung hàng đầu sau.
Thứ nhất, đó là xây dựng một hệ thống y tế và ngành công nghiệp dược phẩm tiên tiến, có vị thế quốc tế cao sẽ là một ưu tiên đặc biệt của Việt Nam trong thời gian tới. Lĩnh vực này có lẽ sẽ nhận được những chính sách ưu đãi đặc biệt trong thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế, và đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, đó là thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao năng lực số mạnh mẽ và rộng khắp trên mọi lĩnh vực. Việt Nam cần có bước tiến thần kỳ trong hội nhập vào không gian số trong các năm tới. Một thước đo đơn giản cho một tổ chức hay doanh nghiệp là có bao nhiêu cuộc gặp quốc tế trực tuyến hàng tháng và nội dung có tác dụng gì đến thực hiện chiến lược phát triển của mình.
Thứ ba, đó là làm cho các bộ ngành và địa phương thấy trân trọng từng giờ từng phút lúc yên bình để nghĩ đến dân và lo cho dân. Tôi tin là Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có những quyết sách đặc sắc về nội dung này.
Chẳng hạn, các bộ trưởng và lãnh đạo địa phương đều phải có kế hoạch hành động hằng quý nhằm giúp đất nước có bước tiến trên các nội dung: (i) đổi mới, cải cách; (ii) học hỏi kinh nghiệm hay của quốc tế; (iii) thúc đẩy chuyển đổi số; (iv) phát triển bền vững (đặc biệt là giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm điện-nước); (v) tăng cường lòng tin của dân; (vi) thu hút nhân tài; và (vii) nâng cao hiệu năng phối thuộc thực thi.
Báo cáo này cũng ghi rõ các sáng kiến cụ thể và điểm tự đánh giá về hiện trạng của từng nội dung (5=xuất sắc; 4=khá; 3=trung bình; 2=yếu; 1=rất yếu). Báo cáo này được trình lên Thủ tướng vào cuối mỗi quý và tiến tới nên được công khai để toàn dân theo dõi trên cổng thông tin của Chính phủ.
Thứ tư, đó là tầm quan trọng phải củng cố sức chống chịu của nền kinh tế để có thể trụ vững trước mọi khủng hoảng và có khả năng biến mỗi cuộc khủng hoảng lớn thành động lực tạo nên những bước tiến vượt bậc như kinh nghiệm của Singapore trong những năm cất cánh của họ.
Chúng ta phải có những sáng kiến đột phá có tầm chiến lược nhờ trải nghiệm và suy nghĩ sâu sắc từ mỗi cuộc khủng hoảng. Tôi rất mong Chính phủ sẽ có những đặt hàng để có những báo cáo chiến lược phân tích sâu sắc về những gì Việt Nam cần làm và đổi thay để có thể mạnh lên vượt bậc sau đại dịch.
Trong các báo cáo này, tôi thấy các chủ đề sau vô cùng quan trọng: (i) hội nhập vào thế giới số (từ chuyển đổi số trong doanh nghiệp đến học trực tuyến, từ giao dịch xã hội đến phục vụ của cơ quan công quyền); (ii) cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (khu vực này nắm giữ trên 70 tỷ đô la tài sản vật chất và hiệu quả có thể tăng lên vượt bậc nếu có cơ chế sở hữu và quản lý hiện đại; (iii) thu hút đầu tư FDI và thúc đẩy phát triển công nghiệp phù trợ; (iv) tăng hiệu quả hợp tác quốc tế, đặc biệt với ASEAN và các đối tác kinh tế lớn như Mỹ, Trung quốc, EU, Nhật bản, và Hàn quốc; và (v) thiết kế lại bộ máy công quyền các cấp để tăng hiệu quả và khả năng phối thuộc tổng lực. Các báo cáo này không nên là sản phẩm của một vài bộ ngành mà là đóng góp trí tuệ tổng hợp từ đại diện của chính phủ, doanh nghiệp, trí thức, và chuyên gia quốc tế.
Thứ năm, đó là thấy rõ sự cấp thiết chiến lược phải có bạn chí cốt để họ không chỉ hợp tác lúc thuận lợi mà còn sát cánh lúc khó khăn. Những người bạn này có thể là quốc gia như Singapore, Nhật Bản hay các tập đoàn lớn như Samsung, Intel, GE.
– Đại dịch tạo ra những thách thức chưa từng có với quãng thời gian đầu nhiệm kỳ của một Thủ tướng. Một thách thức lớn như vậy ngay khi nhậm chức sẽ có ý nghĩa và tác động như thế nào với người đứng đầu Chính phủ?
Để đánh giá một người lãnh đạo trong giai đoạn 100 ngày đầu trong điều kiện bình thường, người ta thường nhìn vào ba khía cạnh: nỗ lực tạo đà (momentum) bằng những bước đi nhỏ nhưng đem lại thắng lợi có ý nghĩa để tăng lòng tin; đưa ra tầm nhìn và chương trình hành động thôi thúc và thể hiện sự thành tâm lắng nghe học hỏi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính quả thực chưa có nhiều cơ hội thể hiện thế mạnh của mình ở hai khía cạnh đầu vì ông vừa nhậm chức thì đợt dịch Covid-19 thứ 4 ập đến với quy mô và độ lớn rất phức tạp mà trước đây khó ai có thể hình dung. Tuy nhiên, tôi cảm nhận rằng, chính cơn hiểm họa này sẽ cho thấy ông là người lãnh đạo bản lĩnh, quyết liệt và rất có lòng với dân.
Về khía cạnh thứ ba – học hỏi, tôi rất ấn tượng với việc ông thăm và tìm hiểu kinh nghiệm của Vinamilk khi kiểm tra chống dịch ở TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương. Từ theo dõi nhiều năm, tôi hiểu Vinamilk có nhiều kinh nghiệm rất quý về khả năng vươn lên đẳng cấp toàn cầu trong hai thập kỷ thông qua nỗ lực học hỏi phương thức quản lý hiện đại và nắm bắt CMCN 4.0.
– Với quan sát về sự khởi đầu đầy khó khăn, ông dự cảm thế nào về thành quả mà Chính phủ nhiệm kỳ này sẽ làm được?
Khởi đầu quá khó khăn là điều không ai muốn. Thế nhưng, nó cũng có thể là nguồn năng lượng hun đúc thêm những sức mạnh tiềm ẩn của người lãnh đạo. Gian nan làm sống dậy tài năng, hiểm nguy làm rõ lòng quả cảm.
Tôi còn nhớ rất rõ thời kỳ năm 2016, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới nhận nhiệm vụ. Sự cố môi trường Formosa xảy ra tháng 4 năm 2016 rất kinh khủng, làm lòng người bất bình, ly tán. Khi sự cố này còn đang ngổn ngang thì tai nạn kép hai máy bay tiêm kích SU-30 và máy bay CASA-212 cứu nạn bị rơi trên biển làm nhiều người chết.
Tình cảnh Việt Nam khi đó thảm khốc và hoang mang lắm. Thế nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện xuất sắc vai trò lãnh đạo của mình và để lại một nhiệm kỳ tạo nên nhiều chuyển biến vượt bậc với những thành công đặc sắc.
Tôi dự cảm là nhiệm kỳ 5 năm tới của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ trải qua những cung bậc kịch tính nhưng sẽ đem lại những kỳ tích mà hôm nay chúng ta có thể chưa hình dung hết được.
Linh Anh
Theo: Cánh cò