Ngày 1-7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trước đại dịch COVID -19 với trị giá 26 ngàn tỷ đồng. Nhiều câu hỏi lớn đã được đặt ra: Sự khác biệt của gói 26 ngàn tỷ năm 2021 và gói 62 ngàn tỷ năm 2020? Đối tượng thụ hưởng là ai, đột phá gì trong gói hỗ trợ này và bao giờ đối tượng thuộc danh sách thụ hưởng được sử dụng? Kể cả những hoài nghi cũng được gợi lên.
Việc nhiều hoài nghi được dấy lên trong dư luận khi gói hỗ trợ 26 ngàn tỷ đồng của Chính phủ ra đời là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, trước đây những quy định siết chặt trong khâu xét duyệt với gói 62 ngàn tỷ đồng vô hình trung trở thành “cửa hẹp”, khó khăn cho đối tượng tiếp cận. Báo cáo cuối tháng 5-2021 cho thấy, gói hỗ trợ 62 ngàn tỉ đồng của Chính phủ chỉ giải ngân được hơn 22%. Trong đó, gói vay không lãi suất hơn 16 ngàn tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương người lao động giải ngân chỉ đạt 0,26% – số người được thụ hưởng thật sự là rất thấp và chưa thể đạt được nhiều giá trị thật như mong đợi.
Những bất cập đó đã giải quyết dứt điểm trong gói 26 ngàn tỷ này, người dân thấy được sự khác biệt rõ nét ở đối tượng thụ hưởng và thời gian được giải ngân, cụ thể và chi tiết.
Theo sơ đồ giải ngân được miêu tả, người được thụ hưởng gói 26 ngàn tỷ được chia thành 12 nhóm đối tượng tách bạch rõ ràng giữa người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó, nguyên tắc cơ bản được điều chỉnh phù hợp: Đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai.
Nếu như thời gian tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ trước đây diễn ra trong 4 ngày thì nay được rút ngắn chỉ còn 2 ngày – quy trình 4.0 này sẽ đẩy nhanh tiến trình giải ngân, tiền của Chính phủ cũng dễ dàng đến tay nhóm đối tượng thuộc diện chính sách thụ hưởng.
Và nếu như ở gói 62 ngàn tỷ đồng, theo khảo sát của VCCI, có khoảng 80% doanh nghiệp cho biết, không nhận được gói hỗ trợ Covid-19 lần 1 của Chính phủ. Lý do chủ yếu do doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện, gặp phải những rào cản, thủ tục phức tạp. Các doanh nghiệp và công ty phá sản vì Covid-19, hộ kinh doanh cá thể khó, thậm chí là không tiếp cận chính sách hỗ trợ. Thì ở gói 26 ngàn tỷ này, không chỉ rộng cửa hơn với doanh nghiệp, công ty phá sản – bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, mà các hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục cũng tiếp cận được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3 triệu đồng/hộ.
Người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, người thất nghiệp, người lao động đang mang thai, người đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi đều được phân bổ trong gói 26 ngàn tỉ đồng. Trẻ em phải điều trị do nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế được ngân sách nhà nước đảm bảo các chi phí điều trị và tiền ăn theo quy định (80.000 đồng/người/ngày) và được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em trong thời gian điều trị.
Có thể nói, gói 26 ngàn tỷ của năm 2021 tuy nhỏ hơn gói 62 tỷ của năm 2020, nhưng đúng chất: Nhỏ nhưng có võ thật sự! Người yếu thế và những nhóm đối tượng cần được hỗ trợ luôn được “điểm danh”, gọi tên và họ không hề bị lãng quên, hay bị bỏ lại phía sau.
Rất nhiều người dân, người lao động nghèo, đặc biệt là doanh nghiệp, tiểu thương rất vui mừng khi Nhà nước có các gói hỗ trợ lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Việc ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp, với người lao động đang chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch Covid-19, đồng thời cũng thể hiện một thông điệp vô cùng tích cực về sự đồng hành từ Chính phủ.
Chợt nhớ lại, trước khi ban hành Nghị quyết 68 với trị giá 26 ngàn tỷ đồng này, Thủ tướng Chính phủ đã có chuỗi ngày thị sát các vùng kinh tế trọng điểm, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng – chính quyền địa phương đã và đang chống dịch khốc liệt.
Có thể, từ những góc tiếp cận trực tiếp – gần dân, nắm bắt nhu cầu thực tế của dân, người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra chính sách thiết thực và người dân được nhận lợi ích thực, chứ không phải theo quy trình ngược – ra chính sách từ trên xuống. Đây là tác phong làm việc chuyên nghiệp, hình ảnh quá quen thuộc, cái chất rất riêng ở người lãnh đạo.
Như vàng thử lửa, trong hoàn cảnh càng khó khăn thì người lãnh đạo giỏi càng tìm ra những hướng đi đúng mà không phải ném đá dò đường, hay bỏ phí thời gian quý báu nào của nhân dân để làm phép thử. Đó là phúc phần của người dân, của dân tộc.
Gói 26 ngàn tỷ đồng được “rót” trực tiếp vào túi của người dân, đúng đối tượng và tinh giản thủ tục, không sợ “phát nhầm”, càng cho thấy rõ hơn về sự cải cách, đột phá trong điều hành của Thủ tướng Chính phủ.
Thái Thanh
Theo: Hội Cờ đỏ