Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, xem xét tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em; khẩn trương có kế hoạch dạy, học và thi phù hợp cho từng cấp học tại từng địa phương.
Hôm nay (22/6), Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị tháng 6.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thỏa mãn với những kết quả bước đầu đạt được.
Tiếp tục chỉ đạo sát sao, chặt chẽ và triển khai các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, nhất là tại các địa phương có mật độ dân số cao, nhiều khu công nghiệp, đang xuất hiện các ổ dịch lớn để sớm ngăn chặn, đẩy lùi; không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt, những cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống dịch. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.
Cùng với đó, tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới; nhất là lợi ích của việc tiêm vắc-xin, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng, chống Covid-19 sau khi được phân bổ, không để quá hạn, lãng phí, tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, chăm lo đời sống và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Khẩn trương có kế hoạch dạy, học và thi phù hợp
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế xã hội, triệt để tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên để bảo đảm đầy đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch. Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; không để gián đoạn sản xuất.
Đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ nông sản đang vào mùa thu hoạch tại các địa phương, nhất là các địa phương có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Chỉ đạo kiểm soát tốt dịch bệnh trong chăn nuôi, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất thường.
Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương có kế hoạch dạy, học và thi phù hợp cho từng cấp học tại từng địa phương; tiếp tục phát huy các cơ chế, chính sách, các giải pháp, các việc làm tình nghĩa để hỗ trợ có hiệu quả, thiết thực hơn đối với công nhân, người lao động, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh, đưa người về nước, có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu kiểm soát các tuyến biên giới, ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép; rà soát, hoàn thiện các quy định, quy trình, hướng dẫn để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu qua phòng, chống dịch.
Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản gửi riêng Bộ trưởng Bộ Y tế; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị tháng 6.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu cho thí điểm sử dụng Hộ chiếu vắc-xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch như Phú Quốc, Kiên Giang. Nghiên cứu, xem xét về việc tiêm vắc xin phòng chống Covid-19 cho trẻ em. Sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vắc xin cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình thời gian cụ thể.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, báo cáo Thủ tướng trong tháng 7.
Tùng Lâm
Theo: Cánh cò