Cuba hiện có 5 loại vaccine phòng COVID-19 đang được thử nghiệm lâm sàng, trong đó có hai loại – Soberana 2 và Abdala – đang được thử nghiệm giai đoạn cuối. Trong đó, hai liều vaccine Covid-19 Soberana 2 do Cuba phát triển cho thấy hiệu quả 62%.
Vaccine Soberana 2 có liệu trình gồm ba liều, được đặt tên theo tiếng Tây Ban Nha, mang nghĩa “chủ quyền”. Kết quả cuộc thử nghiệm được công bố vào cuối tuần qua, cho thấy hiệu quả của vaccine vượt mức cần thiết để được phê duyệt bởi các cơ quan quản lý, cơ quan y tế trên thế giới, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo Vicente Vérez Bencomo, tổng giám đốc Viện Vaccine Finlay, đây là một thành quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh biến thể nCoV đang gây ra các đợt bùng phát.
Tháng 5, các quan chức Cuba cho biết biến thể Beta, được phát hiện lần đầu ở Nam Phi, đã trở thành chủng chiếm ưu thế ở nước này. Biến thể có khả năng lẩn tránh miễn dịch do các vaccine hiện hành mang lại. Soberana 2 dường như đem đến một tia hy vọng. Ông Vérez Bencomo mong rằng liều vaccine thứ ba sẽ cho kết quả vượt trội.
Cuba đang phát triển một số loại vaccine và triển khai thử nghiệm hai loại, bao gồm Abdala và Soberana 2. Tất cả đều sử dụng một phần của protein gai trên bề mặt nCoV để hướng dẫn hệ miễn dịch chống lại virus. Những loại vaccine này thường rẻ và dễ sản xuất hơn.
Các nhà chức trách dự kiến xin phê duyệt khẩn cấp từ cơ quan giám sát dược phẩm của Cuba trong những tuần tới. Các quan chức y tế cho biết dữ liệu về vaccine sẽ được phân tích bởi một nhóm chuyên gia độc lập.
WHO hoan nghênh thông tin mới về vaccine của Cuba. Soumya Swaminathan, nhà khoa học chính của tổ chức, cho biết bà rất mong được xem dữ liệu đầy đủ.
“WHO hoan nghênh các vaccine có hiệu quả tốt và đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn. Thế giới cần nhiều nguồn cung hơn. Các vaccine giá phải chăng, dễ bảo quản, dễ sản xuất và mở rộng quy mô xứng đáng được đón nhận. Chuyển giao công nghệ của các vaccine triển vọng cho các nhà sản xuất trên toàn cầu là cách tốt nhất để tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của thế giới”, bà nói.
Các quan chức Cuba cho biết họ sẵn sàng cấp quyền sở hữu trí tuệ của vaccine, với tỷ suất lợi nhuận nhỏ. Là nước xuất khẩu vaccine trong nhiều năm, Cuba vẫn bị Mỹ cấm vận, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế và hệ thống y tế của nước này.
Cuba đã phát triển các loại thuốc điều trị Covid-19 như Jusvinza cho bệnh nhân nặng.
Về phía Việt Nam, tối ngày 16/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc đàm phán với ông Jose Portal Miranda, Bộ trưởng Bộ Y tế nước Cộng hoà Cuba; lãnh đạo của Trung tâm Kỹ thuật Gene và Công nghệ sinh học Cuba (CIGB), Tập đoàn Dược – Sinh học Cuba (BIOCUBAFARMA) về vấn đề cung ứng vaccine phòng COVID-19 do Cuba sản xuất và chuyển giao công nghệ sản xuất, đóng ống vaccine này tại Việt Nam.
Phía Cuba bày tỏ sẵn sàng ký kết hợp tác với Việt Nam về cung ứng vaccine Abdala, đồng thời hợp tác với Việt Nam để chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine này. Nếu Việt Nam có nhu cầu về vaccine lớn hơn số vaccine hiện Cuba đang sản xuất, Cuba sẽ mở thêm 2 xưởng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ lời cảm ơn thiện chí của Cuba trong hợp tác với Việt Nam. Bộ Y tế Việt Nam hoàn toàn ủng hộ hợp tác này và giao cho Viện Vaccine và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) là đơn vị đầu mối trong tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine Abdala.
Tới nay, Cuba ghi nhận 166.368 ca nhiễm và 1.148 trường hợp tử vong do Covid-19, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins.
Theo: Cánh cò