Hình ảnh “12 anh em” nhà vải thiều căng mọng, tròn đầy nằm chễm chệ trong một chiếc hộp chỉn chu, phủ bên dưới là vải lót màu vàng, được bán với giá 1 triệu đồng tại Nhật bản mới thấy mừng cho người nông dân trồng vải ở nước ta. Nhưng ngay sau đó xuất hiện thông tin “kém duyên” rằng “nông sản làm lây lan dịch Covid-19”.
Thời gian qua, chúng ta đã thấy người dân trồng vải thiều ở Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang gặp khó khăn như thế nào trong việc thu hoạch và tiêu thụ. Đặc biệt là vải thiều đến mùa thu hoạch, có khi chín quá, nứt toác mà không tìm được nhân công do đa phần thuộc diện cách ly. Hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ công an, thanh niên tình nguyện phải đến tận nhà giúp bà con nông dân thu hoạch. Trong cái khó ló cái khôn, vải thiều được bán trên các trang thương mại điện tử để dễ dàng tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế nhanh, rộng hơn, phù hợp tình hình dịch bệnh hiện nay.
Khó khăn bao nhiêu cũng đang được chính quyền, người dân tỉnh Bắc Giang nỗ lực khắc phục, ấy vậy mà xuất hiện thông tin bẩn “nông sản làm lây lan dịch Covid-19”. Tất nhiên, thông tin này ít nhiều cũng khiến nhà vườn trồng vải lẫn người tiêu dùng lo lắng nhưng xin tất cả mọi người hãy bình tĩnh. Thứ nhất, chưa có căn cứ khoa học để cho rằng virus gây ra Covid-19 có trên vỏ bao bì hàng hóa, trên nông sản có thể lây sang người. Ngay cả, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng chưa hề có công bố chính thức nào về việc SARS-CoV-2 lây từ bao bì, mặt hàng nông sản sang người, đây là căn cứ để chúng ta yên tâm vận chuyển và tiêu thụ nông sản. Và thực tế cũng chưa hề có trường hợp nào mắc bệnh do tiếp xúc với nông sản từ vùng dịch.
Thứ hai, chính quyền địa phương các cấp đã phối hợp với bà con thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp phòng dịch trong khâu thu hoạch, vẩn chuyển, xuất nông sản. Nhiều quy định được đặt ra trong việc mua bán vải thiều như người mua – bán vải, lái xe phải là người không thuộc trường hợp cách ly y tế, âm tính với Covid-19 và được cấp giấy xác nhận có dấu đỏ. Nhiều chốt chặn kiểm tra phòng chống dịch tại thủ phủ vải Lục Ngạn, Tân Yên đã kiểm soát tốt người ra vào vùng vải thiều. Huyện tập trung cao bảo đảm cho các vùng vải thiều “Sạch – không bị tác động của dịch bệnh Covid-19”. Với quy trình từ chăm sóc, thu hoạch cho tới đóng gói nghiêm ngặt, tuân thủ phòng chống dịch, tỉnh Bắc Giang đã kiểm soát tốt vùng vải thiều an toàn, không có dịch Covid-19, được tiêu thụ đi mọi nơi và xuất khẩu nước ngoài.
Thứ ba, nếu như nông sản nói chung và vải thiều nói riêng làm lây lan dịch Covid-19 thì liệu những trái vải chín đỏ, căng mọng có thâm nhập vào được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU,…? Được biết, quy trình chế biến vải thiều xuất khẩu đối với thị trường khó tính trên cũng được các cơ sở đảm bảo một cách nghiêm túc từ thu mua, đóng gói cho tới vận chuyển. Ngoài những yêu cầu của đối tác như mọi năm, công tác khử khuẩn là điều không thể thiếu. Ngày 15/6 vừa qua, lô vải thiều Lục Ngạn đầu tiên đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch đi 27 quốc gia EU và còn hưởng những ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Cùng với đó vải thiều còn được bày bán tại hàng trăm siêu thị Nhật Bản, Thái Lan, Singapore với mức giá khoảng từ 120.000-500.000 đồng/kg.
Vải thiều của nước ta đang đến mùa thu hoạch, đặc biệt ở Bắc Giang có hơn 28.000 ha trồng vải với sản lượng 180.000 tấn đang ở giai đoạn chín rộ. Chất lượng vải thiều của Bắc Giang vượt trội, an toàn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, đẹp về màu sắc, ngon về hương vị và đang được người dân trong và ngoài nước háo hức tiêu thụ. Việc một số đối tượng tung thông tin sai sự thật sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý tiêu thụ, từ đó tác động trực tiếp đến túi tiền của bà con nông dân và theo sau đó là ảnh hưởng đến cả con đường hợp tác kinh tế, xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Thử hỏi lương tâm của những kẻ đang đá đi chén cơm của người dân, đánh đổ lợi ích của đất nước trong hoàn cảnh dịch bệnh đầy khó khăn thế này ở đâu? Đi ngược lại lợi ích của đất nước và người dân thì có khác gì tội đồ đâu? Suy cho cùng, họ chỉ trông chờ đời sống người dân nghèo khó, kinh tế chậm phát triển để đổ vấy trách nhiệm lên chính quyền và lãnh đạo mà thôi.
Đặng Trường
Theo: Hội Cờ đỏ