Trước việc Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đưa ra Báo cáo Nhân quyền năm 2020, dài hơn 40 trang lên án Việt Nam “là một nhà nước độc tài do một đảng duy nhất – Đảng Cộng sản Việt Nam – cầm quyền”, vu cáo Việt Nam “việc tước đoạt sinh mạng trái luật hoặc tùy tiện của chính quyền; tra tấn bởi các nhân viên chính phủ; bắt và giam giữ người tùy tiện của chính quyền; tù nhân chính trị; những vấn đề lớn về tính độc lập của tư pháp; sự can thiệp tùy tiện hoặc trái luật vào đời sống riêng tư; hạn chế nghiêm trọng tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do Internet, bao gồm bắt và truy tố tùy tiện những người chỉ trích chính quyền, kiểm duyệt, đóng các trang mạng, ra các luật về hành vi phỉ báng mang tính chất hình sự; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình và tự do lập hội; hạn chế đáng kể tự do đi lại, trong đó có việc cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động; công dân không có khả năng thay đổi chính quyền một cách hòa bình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng; hạn chế sự tham gia chính trị; các hành vi tham nhũng lớn; buôn bán người; hạn chế đáng kể quyền tự do lập hội của công nhân; sử dụng lao động trẻ em cưỡng bức”.
Đáp lại báo cáo nhân quyền này, báo Nhân dân đăng bài “Cần khách quan, công tâm khi đánh giá nhân quyền ở Việt Nam” của luật sư Hoàng Duy Hùng, người Mỹ gốc Việt, bình luận về báo cáo này của Bộ Ngoại giao Mỹ từ góc độ của một công dân Mỹ. Ông Hoàng Duy Hùng cho rằng bản báo cáo vẫn dựa trên một số mặc định sai lầm và thông tin thiếu chính xác,… nên thiếu khách quan, thiếu công tâm khi đánh giá tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Những lập luận của ông Hùng tập trung vào những vấn đề sau:
Thứ nhất, đọc phần về Việt Nam của Báo cáo 2020 ông thấy khá nhiều nội dung dựa trên tài liệu của Theo dõi nhân quyền (HRW) và được Ân xá quốc tế (AI), Nhà Tự do (FH) nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Điều đáng nói là hoạt động của HRW, AI, FH chủ yếu được tài trợ bởi Quốc hội Mỹ, nhận tài trợ rồi thì họ phải “ăn cơm chúa múa tối ngày”, nên thực sự khách quan, toàn diện sẽ không bao giờ có được.
Thứ hai, Báo cáo 2020 lặp lại mệnh đề của các năm trước rằng “CHXHCN Việt Nam một nhà nước độc tài do một đảng duy nhất – Đảng Cộng sản Việt Nam – cầm quyền”. Thiết nghĩ, với một báo cáo ngay từ đầu đã mặc định như vậy thì nhận định sau đó không thể khách quan. Bởi từ góc nhìn “độc tài”, tất yếu sẽ cho rằng “độc tài là đàn áp nhân quyền để giữ quyền cai trị độc tôn”, nhìn nhận, đánh giá sẽ lệch lạc, nhiều nhận định dựa theo tin tức bịa đặt.
Thứ ba, ông Hùng nói ông rất kinh ngạc vì thấy báo cáo nhấn mạnh nhiều điều không có trên thực tế, chẳng hạn như cho rằng Việt Nam “cấm truy cập trực tiếp vào internet thông qua các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài và yêu cầu họ hỗ trợ kỹ thuật, không gian làm việc để nhân viên an ninh có thể giám sát hoạt động của internet. Từ lâu Bộ Công an đã yêu cầu các đại lý internet, bao gồm cả các quán cà-phê internet, đăng ký thông tin cá nhân khách hàng, lưu trữ hồ sơ các trang web mà khách hàng truy cập và tham gia các cuộc điều tra của chính phủ về hoạt động trực tuyến. Các quán cà-phê internet tiếp tục cài đặt, sử dụng phần mềm được chính phủ phê duyệt nhằm theo dõi hoạt động trực tuyến của khách hàng”. Nếu nhìn nhận khách quan, toàn diện thì không thể nhận định như vậy. Chỉ cần đọc các bài báo của các chuyên gia về sự phát triển internet và mạng xã hội ở Việt Nam, tìm hiểu ý kiến dư luận, nhất là du khách, sẽ thấy tự do internet ở Việt Nam là hoàn toàn khác biệt với nhận định của Báo cáo 2020. Cá nhân ông Hùng, năm 2019 về Việt Nam, nhiều lần sử dụng internet tại nơi công cộng và thực tế nhận thấy rất thoải mái, không phải đăng ký thông tin cá nhân, không bị giám sát. Cũng không thể coi việc Việt Nam sử dụng internet để phục vụ công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 là vi phạm nhân quyền, mà đó chính là vì nhân quyền, vì tính mạng con người. Chính vì thế trên thực tế mọi người dân đều tự giác hợp tác chặt chẽ với chính phủ để tạo nên sự đoàn kết, thống nhất đánh bại “kẻ thù vô hình” hết sức nguy hiểm là Covid-19.
Thứ tư, ông đưa ra hàng loạt phản bác nội dung báo cáo, như
+ Báo cáo 2020 cho rằng việc Việt Nam yêu cầu Facebook, Google xóa tài khoản giả và thông tin độc hại, trong đó có thông tin bịa chuyện để đánh phá nhà nước Việt Nam là vi phạm nhân quyền. Rõ ràng nhận định này là nghịch lý trớ trêu nếu so với việc chính cựu Tổng thống Mỹ D.Trump (Đ.Trăm) đã từng nhiều lần lên án tin giả mà ông gọi là “fake news” và xác định phải tiêu diệt.
+ Báo cáo 2020 còn cho rằng Việt Nam đã ngược đãi tù nhân, nhất là tù nhân chính trị, gây khó dễ, không được thăm nuôi, hoặc họ bị thiếu ăn uống và điều trị y tế nên nhiều người đã chết hay lâm vào cảnh nguy kịch. Lạ thật, thiếu dinh dưỡng mà có người tù tuyên bố tuyệt thực hơn 70 ngày vẫn lên cân!
+ Báo cáo 2020 nói Việt Nam xét xử không công bằng, nêu ra các trường hợp như sự kiện ở Đồng Tâm (Hà Nội), vụ án ông Trương Duy Nhất. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là những người soạn thảo Báo cáo 2020 đã đánh tráo khái niệm nhằm đánh đồng vụ án “giết người”, “chống người thi hành công vụ” của ông Lê Đình Kình và “tổ Đồng thuận” với cái gọi “bất đồng chính kiến”. Đối với vụ án Trương Duy Nhất cũng tương tự. Đối tượng này bị xét xử vì có hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” chứ không phải vì “bất đồng chính kiến”. Với những người khoác lên mình “cái áo chính trị” mà vi phạm pháp luật để được coi là “nhà bất đồng chính kiến” thì tư pháp nước nào cũng cần phải xé toạc “cái áo chính trị” đó ra để trả lại công lý cho xã hội, cho nhân dân.
Bài viết của mình, ông Hùng dẫn ra rất nhiều ví dụ về các vụ vi phạm nhân quyền ở Mỹ. Từ đó, ông Hoàng Duy Hùng đặt vấn đề “không thể cho rằng Việt Nam cần phải áp dụng đa đảng theo kiểu Mỹ thì mới có nhân quyền. Thể chế đơn đảng, dân chủ tập trung ở Việt Nam là đúng đắn, phù hợp với Việt Nam và cần được tôn trọng. Vậy phải chăng Báo cáo 2020 muốn đi ngược lại điều các lãnh đạo nước Mỹ đã nhiều lần cam kết bảo đảm nguyên tắc “tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau” trong quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam?”
Xem link bài https://nhandan.vn/binh-luan-phe-phan/can-khach-quan-cong-tam-khi-danh-gia-nhan-quyen-o-viet-nam-641372/
Lâu nay, rất nhiều Việt kiều như Lisa Vũ ở Úc, Lợi Minh, nhóm Quê Hương của bà Phùng Tuệ Châu ở Mỹ, Hồ Ngọc Thắng ở Đức,…ngày ngày lên mạng xã hội đưa ra những lập luận tương tự như ông Hoàng Duy Hùng nói trên. Không ít người Mỹ, chuyên gia, chính trị gia cho đến người dân, cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam đều có cái nhìn tích cực về tình hình dân chủ, nhân quyền Việt Nam. Tuy nhiên, buồn cười thay, Bộ Ngoại giao Mỹ lại chỉ chọn “nguồn” từ những tổ chức thù địch, chống Nhà nước Việt Nam làm căn cứ cho báo cáo nhân quyền của mình như ông Hoàng Duy Hùng trích dẫn.
Từ góc nhìn nói trên, bảo sao dân Việt luôn cảnh giác với mọi hoạt động hợp tác đến từ một số tổ chức nhạy cảm ở Mỹ như USAIDS, bởi họ biết rõ, bên cạnh một số chính khách, nhà kinh doanh Mỹ thực tâm muốn tăng cường hợp tác chiến lược, thúc đẩy quan hệ giao thương vì lợi ích đôi bên thì bộ phận “diều hâu” vẫn đang thao túng chính trường Mỹ lại đang cản trở, phá hoại tiến trình đó.
VKL
Gửi một nhận xét của bạn về bài viết:
Nguồn: Diễn đàn Dân chủ
Theo: Hội Cờ đỏ