Một công ty của Pháp cho biết đã xảy ra tình trạng rò rỉ tại Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, và cảnh báo về ‘mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra’. Họ đã gửi thư cho Chính phủ Mỹ nhờ giúp đỡ.
Đài CNN (Mỹ) ngày 14-6 đưa tin độc quyền, trong tuần qua, Chính phủ Mỹ đánh giá một báo cáo cho biết đã xảy ra rò rỉ tại nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc, sau khi một công ty Pháp cảnh báo về “mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra” với nhà máy này và với công chúng.
Công ty này tên Framatome, vốn sở hữu một phần và giúp vận hành nhà máy trên. Nhà máy có tên “Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn (Taishan)” nằm ở thành phố Đài Sơn, tỉnh Quảng Đông.
Theo một bức thư được Framatome gửi tới Bộ Năng lượng Mỹ, họ cảnh báo các quan chức Mỹ rằng lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy trên đang rò rỉ khí phân hạch hạt nhân (fission gas). Công ty này cáo buộc cơ quan quản lý an toàn của Trung Quốc đang nâng giới hạn về lượng khí có thể xả ra bên ngoài nhà máy với mức chấp nhận được, để tránh phải đóng cửa nhà máy.
Một trong các nguồn tin cho biết bất chấp cảnh báo từ Công ty Framatome, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn tin rằng nhà máy trên chưa ở “mức khủng hoảng”.
CNN đánh giá dù giới chức Mỹ cho rằng tình hình tại nhà máy trên không đặt ra mối đe dọa an toàn nghiêm trọng cho người làm việc ở đó hoặc công chúng Trung Quốc, nhưng việc một công ty nước ngoài đơn phương tiếp cận Chính phủ Mỹ nhờ giúp đỡ là điều bất thường, trong bối cảnh đối tác (vốn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc) của công ty này vẫn chưa thừa nhận có vấn đề.
Nếu vụ rò rỉ trên vẫn tiếp tục xảy ra hoặc diễn biến nghiêm trọng hơn mà không được sửa chữa, kịch bản đó có thể đặt Mỹ vào một tình huống rắc rối, theo CNN.
Phía Framatome tiếp cận Chính phủ Mỹ nhằm có được sự hỗ trợ chuyên môn của Mỹ để giải quyết vấn đề tại nhà máy điện hạt nhân trên.
Tuần qua, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) đã tổ chức nhiều cuộc họp trong bối cảnh họ theo dõi tình hình liên quan nhà máy trên.
Các nguồn tin cho biết chính quyền ông Biden đã thảo luận tình hình liên quan nhà máy trên với Chính phủ Pháp cũng như với các chuyên gia tại Bộ Năng lượng Mỹ. Mỹ cũng liên lạc với Chính phủ Trung Quốc, nhưng không rõ liên lạc ở cấp nào.
Đài CNN đã tìm cách liên lạc với nhà chức trách Trung Quốc ở Bắc Kinh và tỉnh Quảng Đông, đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ, cũng như công ty năng lượng Trung Quốc đang cùng Framatome vận hành nhà máy trên. Tuy nhiên, chưa ai trả lời.
BÌNH AN
Theo: Cánh cò