Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin trong tuần này, quân đội Trung Quốc (PLA) đã thực hành bắn tên lửa trong bóng tối, một nhiệm vụ khó khăn hơn đối với PLA so với việc phóng vào ban ngày.
Lực lượng Tên lửa Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc đã thực hành các cuộc tấn công mô phỏng tên lửa đạn đạo đa sóng trong một loạt các cuộc tập trận lúc nửa đêm gần đây, Hoàn cầu thời báo dẫn một báo cáo của Đài phát thanh Quốc gia Trung Quốc cho hay.
Đại tá Jiang Feng, phó chỉ huy một lữ đoàn tên lửa, nói với truyền thông Trung Quốc rằng lực lượng của ông “gần đây thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận ban đêm, thường kéo dài quá nửa đêm. Họ có những thay đổi ngẫu nhiên về vị trí phóng và mục tiêu, khai hỏa liên tiếp và cơ động thay đổi vị trí”.
Các đoạn video ghi lại hình ảnh cuộc tập trận, được cho là yêu cầu PLA phải trải qua quá trình bắn, di chuyển, nạp đạn và sau đó bắn lại, cho thấy quân đội Trung Quốc đang huấn luyện với tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26.
Đây là một hệ thống tên lửa đạn đạo đa nhiệm đặt trên xe phóng, có tầm bắn ước tính 4.000km, giúp Trung Quốc có khả năng tấn công các địa điểm như đảo Guam ở Thái Bình Dương, nơi có các căn cứ quân sự Mỹ.
Loại vũ khí này lần đầu tiên được tiết lộ tại một cuộc duyệt binh vào năm 2015 và sau đó được đưa vào sử dụng vào năm sau.
Bởi vì nó có thể bắn đến đảo Guam, nó đã được gọi là “Guam Killer” (sát thủ đảo Guam) hoặc “Guam Express” (tàu tốc hành tới Guam), nhưng vũ khí này cũng được gọi là “sát thủ tàu sân bay” vì nó có vai trò chống hạm giống như loại DF-21D.
Như Bộ Quốc phòng Mỹ đã giải thích trong đánh giá gần đây nhất về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, DF-26 “có khả năng thực hiện cả các cuộc tấn công hạt nhân và thông thường nhằm vào các mục tiêu mặt đất cũng như các cuộc tấn công công ước nhằm vào các mục tiêu hải quân”.
Mùa hè năm ngoái, khi hai nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động chung ở Biển Đông, tờ Hoàn cầu thời báo đã viết rằng “Trung Quốc có nhiều lựa chọn vũ khí chống tàu sân bay như tên lửa đạn đạo DF-21D và DF-26”, đều được gọi là “sát thủ tàu sân bay”.
Tờ báo của Trung Quốc viết rằng “Biển Đông hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc và bất kỳ di biến động nào của tàu sân bay Mỹ trong khu vực đều nằm trong tầm xử lý của PLA.”
Hải quân Mỹ đã bác bỏ điều đó, nói rằng họ “không bị đe dọa” bởi khả năng của Trung Quốc.
Mặc dù kho vũ khí tên lửa ngày càng tăng của Trung Quốc không ngăn cản Mỹ hoạt động trong khu vực, nhưng đã khiến quân đội Mỹ phải suy nghĩ lại về cách họ có thể tiến hành chiến tranh ở Thái Bình Dương.
Thừa nhận rằng DF-26 và các loại vũ khí khác của Trung Quốc có khả năng đe dọa các căn cứ và tài sản quan trọng của Mỹ, cũng như có khả năng làm tê liệt các nền tảng triển khai sức mạnh quan trọng như tàu sân bay, Mỹ đã xem xét kỹ lưỡng khả năng phân tán lực lượng và khả năng ứng phó mới.
Vào tháng 8 năm ngoái, quân đội Trung Quốc đã bắn thử hai tên lửa đạn đạo DF-26 vào Biển Đông. Trung Quốc cũng bắn thử hai tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21D.
Hồi tháng 3, đô đốc Hải quân Mỹ Philip Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nói Trung Quốc đang cố gắng “gửi một thông điệp không thể nhầm lẫn” với nhữngc cuộc tập trận loại này.
Ông nói, Trung Quốc “không chỉ đơn thuần phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến mà đang ngày càng sử dụng chúng nhiều hơn trong các kịch bản huấn luyện và tập trận để trau dồi kỹ năng chiến đấu của PLA và gửi một thông điệp không thể nhầm lẫn đến khu vực và toàn cầu” về khả năng của Trung Quốc”.
Anh Minh
Theo: Cánh cò