Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng Mỹ và Trung Quốc phải tìm cách hợp tác ngay cả khi không có sự tin tưởng hoàn toàn vào nhau.
ÔNG LÝ HIỂN LONG: MỸ-TRUNG CẦN HỌC CÁCH HỢP TÁC
Mỹ và Trung Quốc phải tìm cách hợp tác ngay cả khi không có sự tin tưởng hoàn toàn vào nhau bởi nếu quan hệ hai bên tiếp tục giảm mạnh, khả năng xung đột quân sự sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho phần còn lại của thế giới, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho hay.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn tại khai mạc Diễn đàn Toàn cầu về Phục hồi Kinh tế do Phòng Thương mại Mỹ tổ chức hôm 19/5. Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, nếu hai nước xảy ra xung đột, “mọi thứ đều mất”.
“Toàn thế giới sẽ ở trong trạng thái căng thẳng – ít nhất là lo lắng và có thể xảy ra xung đột,” ông Lý cho biết, bổ sung thêm rằng “điều này thật tồi tệ, không chỉ đối với các quốc gia lớn và nhỏ khác mà còn đối với cả Mỹ và Trung Quốc.”
Thủ tướng Lý lưu ý rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có sức mạnh kinh tế, công nghệ và quân sự khổng lồ, sẽ không thể tránh được thương vong và thiệt hại trên quy mô lớn nếu xảy ra chiến tranh.
Vì vậy, cả hai bên không chỉ phải làm việc cùng nhau và chấp nhận nhau như hiện tại, mà còn phải tìm cách hợp tác trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, giải trừ vũ khí hạt nhân, sức khỏe cộng đồng và nguy cơ về các đại dịch trong tương lai.
Những hợp tác như vậy là cần thiết kể cả hai bên không “thực sự tin tưởng” lẫn nhau, ông Lý nói.
2 năm vừa qua, mối quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế của thế giới đã lao dốc trước những bất đồng về các vấn đề thuế quan và thương mại, sự thống trị về công nghệ, những tuyên bố đe dọa nhau và nguồn gốc của đại dịch Covid-19.
Hai quốc gia cũng bất đồng về các tuyên bố lãnh thổ ở biển Đông, mối quan hệ với Hồng Kông và gần đây nhất là những tuyên bố của Mỹ về Tân Cương.
Trong những tháng gần đây, cả Trung Quốc và Mỹ đều tăng cường hiện diện quân sự ở biển Đông và các khu vực xung quanh eo biển Đài Loan làm dấy lên lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự trong khu vực.
Ông Lý cho biết, Mỹ và Trung Quốc sẽ phải dung hòa lập trường quốc tế với quan điểm chính trị trong nước của họ.
“Và cả hai đều có các quan điểm chính trị riêng. Và cả hai quốc gia phải vượt qua những khác biệt để nói rằng ‘chúng tôi quan tâm tới những lợi ích của đất nước chúng tôi, nhưng chúng tôi làm thế bằng cách hợp tác với các quốc gia khác’.”
Ông nói cả hai quốc gia cần có tư tưởng rằng: “Dù có tin đối phương hay không, hay dù có phải là những người bạn thân thiết hay không, họ cũng phải là đối tác.”
Khi quan hệ cấp chính phủ giữa các quốc gia suy giảm, tình cảm của dân chúng với nước bạn cũng giảm theo.
Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew năm nay cho thấy, cứ 10 người Mỹ thì có 9 người coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh hoặc kẻ thù, đa số ủng hộ việc gây sức ép với Bắc Kinh về các vấn đề nhân quyền và kinh tế. Trong khi đó, số người Trung Quốc bày tỏ sự bất mãn với các nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc ngày càng tăng.
CHUYÊN GIA NÊU NỖI SỢ CỦA SINGAPORE
Nhà nghiên cứu về mối quan hệ Trung Quốc – Mỹ Lu Xiang cho biết, phát biểu của ông Lý là dấu hiệu cho thấy rất nhiều quốc gia, trong đó có Singapore đang lo lắng khi căng thẳng giữa hai cường quốc ngày càng tăng.
Chuyên gia Lu cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden chưa có động thái gì nhằm đảo ngược các chính sách kiềm chế Trung Quốc của người tiền nhiệm Donald Trump. Cách tiếp cận này càng làm sâu sắc hơn mối lo ngại của các quốc gia khác trong khu vực.
“Họ rõ ràng đang lo ngại rằng một khi xung đột Mỹ-Trung xảy ra, các nước sẽ không chỉ phải đối mặt với việc phải chọn phe, mà sẽ còn bị đặt vào tình thế khó kiểm soát và không thoát ra được,” ông Lu nói.
Người sáng lập đồng thời là chủ tịch Học viện Trung Quốc ông Bo Zhiyue cho biết, điều đáng ngại là hiện đang thiếu cơ chế quản lý khủng hoảng. Ông Bo cho rằng, mặc dù một cơ chế như vậy đã tồn tại trong Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, nhưng đường dây nóng giữa Mỹ và Trung Quốc dường như không được sử dụng.
Trong tháng này, Cố vấn Mỹ về vấn đề Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Kurt Campbell cho biết trong một bài báo trên tạp chí Foreign Policy rằng Trung Quốc không thích sử dụng đường dây nóng.
Chuyên gia, nhà bình luận quốc phòng Trung Quốc Song Zhongping phản biện lại trong bài báo trên Thời báo Hoàn Cầu rằng sự thiếu tin tưởng lẫn nhau đã khiến Trung Quốc không thể sử dụng đường dây nóng.
Ông Bo chỉ ra, bất đồng giữa các cường quốc là điều dễ hiểu, nhưng hiện tại chưa có hình thức hay kênh liên lạc nào giữa hai nước.
T. Thúy
Theo: Cánh cò