Saturday, November 23, 2024

Trung Quốc hứng chỉ trích vì ‘nhẫn tâm’ với Ấn Độ

Nêu thảm cảnh Covid-19 ở Ấn Độ để đề cao thành tựu chống dịch trong nước, truyền thông Trung Quốc hứng chịu làn sóng chỉ trích nặng nề.

Tài khoản của Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương Trung Quốc hôm 1/5 đăng trên mạng xã hội Weibo hình ảnh so sánh vụ phóng tên lửa đưa module trạm không gian Thiên Hòa của nước này lên vũ trụ với cảnh tượng hỏa thiêu người chết vì Covid-19 ở Ấn Độ.

Bức ảnh được chú thích “Đỏ lửa phiên bản Trung Quốc với Ấn Độ”, cùng dòng hashtag đề cập số ca Covid-19 theo ngày ở Ấn Độ đã vượt 400.000.

Trung Quốc hứng chỉ trích vì ‘nhẫn tâm’ với Ấn Độ
Hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được phát trên một màn hình lớn ở thủ đô Bắc Kinh hồi tháng trước. Ảnh: AFP.

Tài khoản chính thức của Bộ Công an Trung Quốc hôm 30/4 cũng đăng một ảnh khác, so sánh “Hỏa thần Sơn” của Trung Quốc, tên bệnh viện dã chiến được gấp rút xây dựng ở Vũ Hán để chống Covid-19, với “hỏa thần sơn” là các lò hỏa táng đỏ lửa ở Ấn Độ.

Giới quan sát cho rằng đây là những ví dụ về chiến lược tuyên truyền hiện nay của Trung Quốc, khi các kênh thông tin chính thức và trang tin trực tuyến thường ca ngợi thành công mà nước này đạt được trong cuộc chiến chống dịch, đồng thời xoáy sâu vào thất bại mà các nước khác gặp phải.

Những bài đăng so sánh thành công của Trung Quốc với thảm cảnh ở Ấn Độ đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích vì sự vô cảm và nhẫn tâm, khiến chúng nhanh chóng bị gỡ bỏ. Tuy nhiên, nó cũng làm dấy lên cuộc tranh luận về thái độ của Trung Quốc đối với Ấn Độ và sự bất nhất giữa luận điệu chủ nghĩa dân tộc bên trong nước này với nỗ lực quảng bá hình ảnh nhân văn hơn trên trường quốc tế.

Sự bất nhất này được thể hiện qua cuộc tranh luận nảy lửa giữa hai chuyên gia truyền thông theo chủ nghĩa dân tộc nổi tiếng nhất Trung Quốc. Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Global Times, tờ báo thuộc People’s Daily, lên án các bài đăng trên vì làm tổn hại đến vị thế của Trung Quốc ở Ấn Độ.

Trong khi đó, Thẩm Dật, phó giáo sư Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, lại bác bỏ những ý kiến chỉ trích. “Cái gọi là bày tỏ thương cảm với Ấn Độ có thể giúp đạt được kết quả như mong đợi không?”, ông Thẩm đặt câu hỏi trong một bài đăng trực tuyến phản pháo bình luận của Hồ Tích Tiến.

Theo phó giáo sư này, Trung Quốc không nên quá lo lắng về việc phô trương sức mạnh chính trị của mình. “Con khỉ đột lớn nhất có thể ngủ ở đâu”, ông viết. “Bất cứ chỗ nào nó muốn”.

Tuy nhiên, sau khi các bài đăng bị xóa, tranh cãi giữa Hồ Tích Tiến và Thẩm Dật nhiều khả năng sẽ sớm lắng dịu, khi các lãnh đạo Trung Quốc đã bày tỏ đồng cảm và đề nghị hỗ trợ y tế cho Ấn Độ.

Tuy nhiên, nó cho thấy cách tuyên truyền mang tính “khiêu khích” ở trong nước có thể lệch pha với nỗ lực “kết bạn” ở nước ngoài của Trung Quốc như thế nào, bình luận viên Chris Buckley từ New York Times đánh giá.

Trung Quốc hứng chỉ trích vì ‘nhẫn tâm’ với Ấn Độ
Bài đăng so sánh “hỏa thần sơn” Trung Quốc và Ấn Độ (trái) của Bộ Công an Trung Quốc, cùng bài đăng “Đỏ lửa phiên bản Trung Quốc với Ấn Độ” của Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương Trung Quốc (phải) trên mạng xã hội Weibo hôm 30/4 và 1/5. Ảnh: Weibo.

“Chúng ta có thể nhìn thấy xung đột ngày càng tăng giữa thông điệp nội bộ và bên ngoài” của Trung Quốc, Mareike Ohlberg, chuyên gia tại Chương trình châu Á thuộc Quỹ German Marshall ở Berlin, Đức, cho hay. “Họ ngày càng có nhiều mối quan tâm trên trường quốc tế, nhưng đối tượng hướng tới chính vẫn là người dân trong nước”.

Theo Ohlberg, về lý thuyết, hoạt động trực tuyến của truyền thông nhà nước Trung Quốc chủ yếu thực thi những mục tiêu mà ban lãnh đạo đưa ra. Trên thực tế, các kênh truyền thông này phải cạnh tranh lẫn nhau nhằm thể hiện mức độ ảnh hưởng của mình. Mong muốn thu hút công chúng khiến họ có xu hướng quan tâm đến “những thông điệp gây chú ý mạnh hơn là sự cẩn trọng về ngoại giao”.

Các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc thời gian qua liên tục đưa ra các dòng tweet, bài đăng trên mạng xã hội và phát biểu mạnh mẽ bảo vệ Bắc Kinh, đặc biệt là trước những lời chỉ trích từ phương Tây liên quan đến chính sách Hong Kong và Tân Cương.

Phong cách ngoại giao “chiến lang” này nhận được hưởng ứng ở trong nước, nhưng lại gây bất bình ở nước ngoài.

Bộ Ngoại giao Pháp hồi tháng 4 năm ngoái triệu hồi đại sứ Trung Quốc tại Paris sau khi trang web của đại sứ quán Trung Quốc viết rằng các y tá Pháp đã bỏ rơi những người sống trong các trại dưỡng lão, cáo buộc mà chính phủ Pháp bác bỏ.

Tại Australia, Thủ tướng Scott Morrison cuối năm ngoái đã tổ chức họp báo yêu cầu Bắc Kinh xin lỗi sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng một bức ảnh đã qua chỉnh sửa lên Twitter chụp lại cảnh một binh sĩ Australia cầm dao kề cổ một em bé Afhganistan.

Ấn Độ và Trung Quốc năm ngoái cũng nổ ra tranh cãi gay gắt sau khi hai nước xảy ra xung đột ở biên giới, dẫn tới thương vong cho binh sĩ ở cả đôi bên. Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhanh chóng xoa dịu căng thẳng. Tuần trước, Chủ tịch Tập còn gửi lời chia buồn trước cuộc khủng hoảng Covid-19 của Ấn Độ. Bắc Kinh mới đây còn đề nghị gửi hỗ trợ y tế cho New Delhi và đẩy nhanh tốc độ chuyển các đơn hàng thiết bị oxy đến Ấn Độ.

Bất chấp các cử chỉ ngoại giao thân thiện, tại Trung Quốc, Ấn Độ vẫn được nhìn nhận như một sai lầm của hệ thống dân chủ, theo Zhiqun Zhu, giáo sư tại Đại học Bucknell ở Pennsylvania, Mỹ, người nghiên cứu về chiến lược ngoại giao “chiến lang” của Bắc Kinh, bình luận.

“Nhiều người Trung Quốc tin rằng Ấn Độ đã gia nhập cùng phương Tây nhằm chống lại sự trỗi dậy của nước này trong những năm gần đây”, ông cho hay.

Trong hoàn cảnh bình thường, các hình ảnh so sánh trên mạng xã hội Trung Quốc sẽ kích động làn sóng giận dữ ở Ấn Độ. Nhưng hiện tại, người dân Ấn Độ không có thời gian để bận tâm đến chúng bởi họ còn phải đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19, theo Madhurima Nundy, chuyên gia về sức khỏe cộng đồng, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc ở New Delhi.

“Có quá nhiều điều gây đau buồn đang xảy ra ở Ấn Độ, vì vậy sự tức giận chủ yếu hướng tới chính quyền trung ương ở New Delhi”, Nundy nói. “Nỗi tức giận và ngờ vực với Trung Quốc bùng lên từ năm ngoái vì Covid-19 và căng thẳng biên giới đã tan biến vì cuộc khủng hoảng hiện tại”.

Vũ Hoàng (theo NYTimes)

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG