Người dân Singapore đang chờ xem ai sẽ được lựa chọn kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long sau khi kế hoạch chuyển đổi lãnh đạo của đất nước bị hoãn cách đây hai tuần.
Trong dư luận hiện có nhiều đồn đoán về người sẽ trở thành lãnh đạo chính phủ tiếp theo của Singapore sau khi Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Vương Thụy Kiệt, gương mặt sáng giá nhất cho vị trí này ngày 8/4 bất ngờ thông báo rút khỏi vị trí đứng đầu nhóm lãnh đạo thế hệ thứ tư của Đảng Hành động nhân dân (PAP) cầm quyền, đồng nghĩa ông từ chối vai trò kế nhiệm chức thủ tướng.
Với việc Thủ tướng Lý, 70 tuổi, sẽ tiếp tục cầm quyền cho đến sau khi Singapore thoát khỏi đại dịch Covid-19, Phó thủ tướng Vương, 60 tuổi cho biết, đến lúc đó ông đã quá lớn tuổi để có thể đáp ứng yêu cầu của một nhà lãnh đạo. Vì vậy, ông quyết định rút lui và nhường cơ hội cho những người trẻ hơn.
Tại cuộc họp báo chiều 23/4, Thủ tướng Lý đã công bố cải tổ nội các với việc điều chuyển 7 vị trí bộ trưởng và một số điều chỉnh về Quốc vụ khanh (tương đương Thứ trưởng) tại các Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông, Bộ Nhân lực và Bộ Thông tin Truyền thông.
Theo Reuters, một vài trong số các quan chức trên được các chuyên gia phân tích chính trị và thành viên kỳ cựu của PAP đánh giá là ứng viên tiềm năng kế nhiệm ông Lý.
Lawrence Wong, 48 tuổi
Ông Wong, người vừa được Thủ tướng bổ nhiệm vào chức Bộ tưởng Tài chính thay Phó thủ tướng Vương, được ca ngợi là một trong những gương mặt đại diện cho cuộc chiến chống Covid-19 của Singapore.
Ông đã rơi lệ trong lúc phát biểu tại Quốc hội hồi năm ngoái khi cảm ơn các nhân viên y tế và những người khác vì nỗ lực phòng chống dịch của họ. Hành động của ông nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng.
Reuters cho hay, chính trị gia này cũng được đánh giá cao về các kỹ năng truyền thông, khi với tư cách là đồng chủ tịch của nhóm đặc nhiệm chống virus corona chủng mới, ông đã kêu gọi mọi người tiếp tục đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội.
Ông Wong, người hiện giữ chức Bộ trưởng Giáo dục và Bộ trưởng thứ hai về Tài chính cho đến khi các quyết định cải tổ nội các chính thức có hiệu lực vào ngày 15/5, trước đây từng lãnh đạo Bộ Phát triển quốc gia, cơ quan chuyên trách giám sát thị trường bất động sản và quy hoạch.
Ông Wong từng học kinh tế tại Đại học Wisconsin – Madison. Ông cũng theo học tại Đại học Michigan-Ann Arbor và Trường Harvard Kennedy.
Ong Ye Kung, 51 tuổi
Ông Ong, tân Bộ trưởng Y tế, đã đóng vai trò quan trọng trong việc tái mở cửa Singapore và đàm phán các thỏa thuận đi lại tương hỗ với các quốc gia khác trong bối cảnh đại dịch trên cương vị Bộ trưởng Giao thông.
Ông Ong từng là Thư ký báo chí của Thủ tướng Lý từ năm 1997 2003 và thư ký riêng hàng đầu của lãnh đạo chính phủ trong giai đoạn 2003 2005. Năm 2005, ông đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển lực lượng lao động của chính phủ và 3 năm sau đó trở thành Phó tổng thư ký Liên đoàn Lao động quốc gia.
Ông Ong học kinh tế tại Trường Kinh tế London theo diện học bổng của chính phủ. Sau đó, ông theo học tại Học viện Phát triển quản lý ở Thụy Sĩ. Ông nằm trong nhóm các ứng cử viên của đảng cầm quyền bị phe đối lập đánh bại trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011.
Trong thời gian chờ cơ hội bật sáng trở lại, ông làm Giám đốc chiến lược cho tập đoàn Keppel Corp thuộc sở hữu của doanh nghiệp đầu tư nhà nước Temasek Holdings, với các lĩnh vực kinh doanh từ đóng giàn khoan dầu đến phát triển bất động sản.
Ông Ong đắc cử vào Quốc hội từ năm 2015 và mới được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục hồi tháng 7/2020.
Chan Chun Sing, 51 tuổi
Ông Chan, người vừa được chỉ định làm Bộ trưởng Giáo dục thay cho ông Ong, đang làm nhiệm vụ giữ cho các ngành công nghiệp hoạt động thông suốt, vượt qua các đợt hạn chế phòng chống Covid-19, với cương vị Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp.
Ông Chan lớn lên trong gia đình mẹ đơn thân và có xuất thân khiêm tốn hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa. Ông được biết đến với tính cách thực tế và thân thiện.
Ông Chan từng giành được học bổng chính phủ, theo học kinh tế tại Đại học Cambridge (Anh) và sau đó là tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ).
Học bổng chính phủ mà ông Chan nhận được đòi hỏi người thụ hưởng phải phục vụ công ích sau khi tốt nghiệp đại học và ông đã có 24 năm trong quân ngũ, thăng tiến tới chức Chỉ huy quân đội vào năm 2010.
Ông đắc cử vào quốc hội sau cuộc tổng tuyển cử năm 2011 và được bổ nhiệm làm Quyền Bộ trưởng Phát triển cộng đồng, thanh niên và thể thao, rồi đảm trách vai trò lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông. Chính khách này sau đó được giao làm Bộ trưởng Phát triển xã hội và gia đình. Năm 2018, ông được bầu làm cấp phó cho Phó thủ tướng Vương trong nhóm lãnh đạo thế hệ thứ 4 của đảng PAP.
Tuấn Anh/ VNN
Theo: Cánh cò