Saturday, November 23, 2024

Ấn Độ mới tiêm chủng 1% dân số, Mỹ dư hàng trăm triệu liều vaccine

Việc Ấn Độ, nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, “vỡ trận” vì làn sóng Covid-19 mới cho thấy sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine, và là chỉ dấu cho một hiểm họa lớn hơn.

Trong lúc Ấn Độ công bố con số kỷ lục chẳng ai muốn – số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào – người Mỹ đang trải qua một mùa xuân thừa mứa vaccine.

Đó là cách Washington Post mở đầu bài viết hôm 24/4. Trong cùng ngày, Ấn Độ ghi nhận ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc Covid-19 ở nước này lập kỷ lục mới. Các bệnh viện không thể nhận thêm bệnh nhân, oxy cạn kiệt, thậm chí một số lò hỏa thiêu hết củi vì có quá nhiều người tử vong. Chỉ 1,4% dân số Ấn Độ đã được tiêm đủ vaccine.

Trong khi đó, tại Mỹ, 1 trong 4 người Mỹ đã được tiêm đủ hai mũi vaccine, 40% dân số được tiêm ít nhất một mũi. Một bệnh viện lớn ở Miami thậm chí bắt đầu đóng cửa trung tâm tiêm vaccine.

Hai bức tranh trái ngược ở Ấn Độ và Mỹ khắc họa sự bất cân xứng trong tiếp cận vaccine trên thế giới, kéo theo lời kêu gọi Mỹ và các nước phương Tây chia sẻ nguồn vaccine còn dư của họ. Washington Post nhận định tinh thần dân tộc dây chuyền đã ngăn trở cơ chế của WTO nhằm phân phối vaccine công bằng hơn.

“Thật sự tàn bạo, cả về mặt đạo đức, luân lý và khoa học”, Washington Post dẫn lời Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học của WHO, nói về tình trạng bất công trong tiếp cận vaccine.

Ấn Độ mới tiêm chủng 1% dân số, Mỹ dư hàng trăm triệu liều vaccine
Đám tang của một người chết vì Covid-19 ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

“Không ai an toàn đến khi mọi người an toàn”

Trong bài viết trên Bloomberg ngày 24/4, nhà nghiên cứu Shruti Rajagopalan của Đại học New York kêu gọi đích danh Tổng thống Mỹ Joe Biden phải ngay lập tức giúp đỡ Ấn Độ. Theo bà, Mỹ có mọi lý do để làm vậy, không chỉ vì mục đích nhân đạo.

Thứ nhất, đại dịch càng càn quét Ấn Độ lâu bao nhiêu, thế giới càng hứng chịu nguy cơ các biến chủng mới hình thành cao bấy nhiêu. Biến chủng B.1.617, được cho là nguyên nhân gây nên làn sóng hiện tại ở Ấn Độ, mang “đột biến kép”. Một đột biến đã xuất hiện trong biến chủng lây lan mạnh tại California (Mỹ) hồi đầu năm nay. Đột biến thứ hai tương tự đột biến trong biến chủng được tìm thấy ở Nam Phi, với khả năng kháng vaccine tốt hơn virus SARS-CoV-2 chủng thường.

Với hơn 300.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, hệ thống y tế Ấn Độ gần như đã sụp đổ, và tại một đất nước với hơn 1,3 tỷ dân, sự lây lan quy mô lớn như vậy kéo theo nguy cơ tạo ra các đột biến mới nguy hiểm hơn của virus.

Ở mặt khác, Ấn Độ cũng đóng vai trò đặc biệt trong nỗ lực chấm dứt đại dịch trên thế giới. Các nhà sản xuất vaccine tại Ấn Độ như Serum Institute of India Pvt. Ltd. là nơi cung cấp vaccine hợp túi tiền AstraZeneca cho cả thế giới. Khi Ấn Độ choáng váng trước làn sóng thứ hai, nước này đã ngưng cho phép xuất khẩu vaccine, và sự gián đoạn chuỗi cung ứng vaccine từ Ấn Độ có thể khiến đại dịch chậm kết thúc hơn trên thế giới.

Trước lúc Ấn Độ tuyên bố ngưng xuất khẩu Vaccine Covid-19, 71% số vaccine được phân phối qua cơ chế COVAX của WHO đến từ Serum Institute. COVAX chỉ mới giao được 43 triệu liều trong mục tiêu 2 tỷ liều vào năm nay, theo Washington Post.

Sự gián đoạn có thể lan ra các loại vaccine khác, trong khi hơn một nửa trẻ em trên thế giới được tiêm chủng bằng các vaccine do Serum Institute sản xuất.

Ngày 23/4, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar lên tiếng trên mạng xã hội Twitter, kêu gọi sự giúp đỡ từ các quốc gia khác trong cuộc chiến chống lại Covid-19.

“(Chúng tôi) sẽ cố gắng đảm bảo chuỗi cung ứng của chúng tôi được thuận lợi nhất có thể trong tình thế khó khăn toàn cầu. Thế giới phải hỗ trợ Ấn Độ, vì Ấn Độ giúp thế giới”, ông Jaishankar nói.

Ấn Độ mới tiêm chủng 1% dân số, Mỹ dư hàng trăm triệu liều vaccine
Ấn Độ là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới nhưng nguồn cung đã sớm cạn kiệt. Ảnh: Reuters.

Trong bài viết đăng trên Bloomberg, bà Shruti Raragopalan đề xuất hai việc chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể làm. Thứ nhất, Mỹ có thể nới lỏng hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu thiết yếu để sản xuất vaccine. Cựu Tổng thống Donald Trump đã sử dụng Đạo luật Bảo vệ Quốc phòng để hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu này, và ông Biden tiếp tục viện dẫn các luật lệ trên.

“Tổng thống Mỹ đáng kính, nếu ông thật sự đồng lòng trong cuộc chiến chống virus, thay vì ngành công nghiệp vaccine bên ngoài nước Mỹ, tôi kêu gọi ông gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu để việc sản xuất vaccine (ngoài nước Mỹ) có thể tăng tốc”, Adar Poonawalla, người đứng đầu Serum Institute, cũng tweet đến ông Biden hôm 14/6. “Chính quyền ông hiểu rõ”.

Thứ hai, nước Mỹ có thể ngay lập tức chia sẻ những liều vaccine còn dư của họ. Mỹ chưa cấp phép sử dụng cho vaccine của Oxford/AstraZeneca nhưng đã trữ sẵn 20 triệu liều, và đã ký hợp đồng mua thêm 300 triệu liều.

Thống kê của Trung tâm Sáng kiến Y tế thuộc Đại học Duke cho rằng lượng vaccine dư thừa của nước Mỹ có thể lên đến 300 triệu vào mùa hè này.

Tại Ấn Độ, một trong những yếu tố gây ra tình trạng hiện tại được cho là chương trình tiêm chủng chậm của chính phủ Ấn Độ. Quốc gia này bắt đầu tiêm vaccine quy mô lớn vào giữa tháng 1, nhưng sau khi tiêm hơn 100 triệu liều vaccine cho người dân, chương trình chững lại do thiếu nguồn cung.

Shekar Narasimhan – người gây quỹ lớn cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Biden – cũng thúc giục vị tổng thống Mỹ nói chuyện với thủ tướng Ấn Độ về vấn đề cho mượn 10 triệu liều vaccine AstraZeneca.

“Chúng ta phải giúp đỡ ngay bây giờ”, ông Narasimhan nói.

“Phòng Thương mại Mỹ cực lực khuyến khích chính phủ lấy ra hàng triệu liều vaccine AstraZeneca trong kho, cùng một số thiết bị cấp cứu khác, để chuyển cho Ấn Độ, Brazil, và các nước đang hứng chịu hậu quả nặng nề từ đại dịch”, Myron Brilliant, Phó chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Mỹ, nói.

Động thái này sẽ khẳng định vị thế lãnh đạo của Mỹ. Hơn nữa, vì Mỹ làm việc với đối tác khắp thế giới, không ai được an toàn trước đại dịch cho tới khi tất cả an toàn, theo ông Brilliant.

Ấn Độ mới tiêm chủng 1% dân số, Mỹ dư hàng trăm triệu liều vaccine
Tổng thống Mỹ đứng trước những lời kêu gọi chia sẻ nguồn vaccine cho thế giới. Ảnh: Reuters.

Các nước giàu vẫn “giữ chặt” bằng sáng chế

Ngoài ra, nhiều nước đang phát triển lập luận rằng Mỹ và phương Tây có thể thúc đẩy sản xuất vaccine bằng cách tạm thời đình chỉ bản quyền vaccine của các hãng dược. Điều này sẽ giúp các nước nghèo hơn tự sản xuất được các vaccine như Pfizer hoặc Moderna.

Hồi tháng 3, Mỹ, Anh và các thành viên EU đã chặn một đề xuất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để tạm ngưng bảo hộ bản quyền đối với vaccine Covid-19. Đề xuất này được khoảng 80 quốc gia, bao gồm Ấn Độ và Nam Phi, đồng tình. Nhóm thượng nghị sĩ Mỹ Bernie Sanders, Elizabeth Warren và Tammy Baldwin đã kêu gọi ông Biden đồng ý với đề xuất trên. WTO sẽ tiếp tục bàn về vấn đề này vào tháng 5.

Nicholas Lusiani, cố vấn cao cấp của Oxfam America, nói rằng các chính quan chức quyền ông Biden tỏ ý rằng họ có thể thay đổi quyết định.

“Trong vài tuần qua, chúng ta đã thấy làn sóng ủng hộ điều mà không ai nghĩ mà nước Mỹ có thể làm – tạm thời đình chỉ giấy phép bản quyền”, ông nói.

Trong bài phát biểu tại cuộc họp của WTO tuần trước, đại diện thương mại Mỹ hàm ý rằng “tình trạng hiện tại không ổn”.

“Đó không chỉ là thách thức đối với chính quyền”, bà nói. “Thách thức cũng hiển hiện với ngành công nghiệp phát triển và sản xuất vaccine”.

Washington lập luận rằng họ đã cam kết hỗ trợ tài chính 4 tỷ USD cho COVAX, hợp tác cùng nhóm “Bộ Tứ” để thúc đẩy sản xuất vaccine cho Đông Nam Á.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter nói với phóng viên rằng Mỹ sẽ tiếp tục làm việc sát sao với Ấn Độ để tạo điều kiện cho sự lưu thông của các nguồn cung thiết yếu, cũng như để xử lý vấn đề tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng.

Trên Twitter, Hạ nghị sĩ Mỹ Rashida Tlaib cũng cho rằng khủng hoảng Covid-19 tại Ấn Độ là lời nhắc nhở nghiêm khắc rằng đại dịch sẽ chưa kết thúc chừng nào cả thế giới chưa an toàn.

Tổng thống Mỹ Biden “phải ủng hộ biện pháp dỡ bỏ bằng sáng chế vaccine để đẩy mạnh sản lượng toàn cầu”, theo bà Tlaib.

Trong bài xã luận ngày 24/4, ban biên tập Washington Post hy vọng rằng tất cả Ấn Độ có thể nắm bắt thời cơ này để đảo ngược thảm họa.

“Ấn Độ không phải vấn đề ở nơi nào rất xa. Trong đại dịch, mọi nơi chốn đều gần nhau”, bài xã luận viết.

An Nguyễn/Bloomberg, Washington Post

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG