Cơ quan dược phẩm châu Âu cho rằng đông máu nên được liệt kê là tác dụng phụ “rất hiếm gặp” của vaccine Johnson & Johnson, nhưng lợi ích của nó vẫn lớn hơn nhiều nguy cơ.
Thế giới đã ghi nhận 143.255.684 ca nhiễm nCoV và 3.047.521 ca tử vong, tăng lần lượt 790.731 và 12.707, trong khi 121.905.106 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Sau khi xem xét các trường hợp bị đông máu sau khi tiêm vaccine, ủy ban an toàn của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 20/4 kết luận rằng “cảnh báo về việc xuất hiện cục máu đông bất thường và lượng tiểu cầu trong máu thấp nên được thêm vào thông tin sản phẩm” của vaccine Johnson & Johnson.
“Đây là một tác dụng phụ rất hiếm”, giám đốc EMA nói. “Nhưng điều quan trọng là các bác sĩ và bệnh nhân phải nhận thức được các dấu hiệu để có thể phát hiện bất kỳ mối lo ngại nào”.
EMA cho rằng vẫn nên sử dụng vaccine Johnson & Johnson vì lợi ích nó đem lại lớn hơn nhiều nguy cơ. Thực tế, EU đã phê duyệt vaccine Johnson & Johnson vào hồi tháng ba và nhận hàng vào ngày 19/4 nhưng chưa bắt đầu triển khai tiêm loại này. Sau tuyên bố của EMA, cơ quan y tế Italy “bật đèn xanh” cho vaccine Johnson & Johnson nhưng khuyến cáo sử dụng nó với người trên 60 tuổi.
Chỉ hai quốc gia là Mỹ và Nam Phi đã tiêm vaccine Johnson & Johnson trước khi nó bị dừng sử dụng trong hai tuần qua, với tổng số liều là khoảng 7 triệu. Mỹ dự kiến công bố quyết định về vaccine Johnson & Johnson vào 23/4.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 32.532.990 ca nhiễm và 582.402 ca tử vong do nCoV, tăng 56.837 ca nhiễm và 829 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Khoảng 211,6 triệu mũi vaccine ngừa Covid-19 đã được tiêm chủng ở Mỹ, với trung bình ba triệu liều mỗi ngày, bất chấp việc tạm dừng sử dụng vaccine Johnson & Johnson, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) công bố ngày 19/4. Số liều đã sử dụng chiếm khoảng 80% trong tổng số hơn 264,5 triệu liều đã được phân phối trên khắp nước Mỹ.
Khoảng 40% dân số, tương đương hơn 132 triệu người, đã nhận ít nhất một liều vaccine và khoảng 26%, tương đương hơn 85 triệu người, đã hoàn thành chương trình tiêm chủng.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 19/4 tiếp tục kêu gọi người dân không ra nước ngoài giữa đại dịch và sẽ cập nhật hướng dẫn đi lại theo khuyến nghị của CDC. Bản cập nhật dự kiến “tăng đáng kể số quốc gia được liệt vào cấp độ 4, tức không nên đến, lên khoảng 80% số quốc gia toàn cầu”.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 15.609.004 ca nhiễm và 182.570 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 294.290 và 2.020 ca.
Thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã bắt đầu áp lệnh phong tỏa một tuần từ 22h ngày 19/4 tới 5h sáng 26/4, khi ca Covid-19 tăng nhanh, bệnh viện hết giường và thiếu nguồn cung cấp oxy. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ đóng cửa và việc di chuyển quanh thành phố 20 triệu dân chỉ giới hạn ở các dịch vụ thiết yếu.
Biện pháp hạn chế tương tự cũng được áp dụng ở các khu vực khác của Ấn Độ, gồm bang phía tây Maharashtra, nơi có thủ đô tài chính Mumbai, và bang phía nam Tamil Nadu.
Bắt đầu từ ngày 1/5, tất cả công dân Ấn Độ từ 18 tuổi trở lên đều được phép tiêm vaccine Covid-19, theo thông báo của Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình.
Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 14.043.076 ca nhiễm và 378.003 ca tử vong, tăng lần lượt 65.363 và 2.954. Họ là vùng dịch có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Nam bán cầu.
Chính phủ Brazil hôm 17/4 khuyến cáo phụ nữ nước này nên dừng kế hoạch mang thai cho đến khi đại dịch Covid-19 qua đi do lo ngại các biến chủng nCoV có thể ảnh hưởng tới các sản phụ nhiều hơn.
Sao Paulo, bang đông dân nhất ở Brazil, đang cảnh báo có thể xảy ra thảm họa sức khoẻ cộng đồng trong bối cảnh các bệnh viện công tại đây thiếu trầm trọng thuốc cần thiết để đặt nội khí quản cho bệnh nhân Covid-19. Hai bang lớn khác là Rio de Janeiro và Minas Gerais cũng ghi nhận tình trạng tương tự.
Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 5.339.920 ca nhiễm và 101.597 ca tử vong.
Phát ngôn viên chính phủ Pháp Gabriel Attal ngày 19/4 cho biết nước này tuần trước đã tiêm chủng vaccine AstraZeneca cho khoảng 65.000-70.000 người mỗi ngày.
Việc triển khai vaccine của Pháp đã được tăng tốc trong những tháng qua với hơn 12 triệu người đã được tiêm chủng ít nhất một liều. Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron đặt mục tiêu tiêm chủng cho 20 triệu dân vào ngày 15/5.
Anh, báo cáo 4.393.307 người nhiễm và 127.307 người chết, tăng lần lượt 2.524 và 33 trường hợp.
Bộ trưởng Y tế Matt Hancock ngày 19/4 thông báo hơn 10 triệu người Anh đã được tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 thứ hai. Anh đã tiêm chủng tổng cộng hơn 43 triệu liều vaccine kể từ 8/12 tới 18/4.
Ông Hancock thêm rằng Ấn Độ cũng được thêm vào “danh sách đỏ” hạn chế du lịch đối với người dân Anh, khi nước này ghi nhận 103 ca nhiễm biến chủng mới phát hiện ở Ấn Độ. Theo đó, người đến từ Ấn Độ cũng phải cách ly bắt buộc tại khách sạn được chính phủ Anh chỉ định. Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Boris Johnson dự kiến vào tuần tới cũng đã bị hủy khi số ca nhiễm mới ở quốc gia châu Á tăng mạnh.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.614.849 ca nhiễm, tăng 5.549, trong đó 43.777 người chết, tăng 210.
Indonesia đã tiêm chủng 16,69 triệu liều vaccine Covid-19 tính tới hết ngày 17/4, tương đương khoảng 3,95% dân số đã tiêm ít nhất một liều, theo Our World in Data.
Jakarta có kế hoạch đầy tham vọng là tiêm chủng 181 triệu trong tổng số gần 270 triệu dân trong vòng một năm, chủ yếu dựa vaccine Sinovac của Trung Quốc và vaccine AstraZeneca. Tuy nhiên, các nhà khoa học nước này cũng đang nỗ lực tìm cách phát triển vaccine trong nước để chống Covid-19.
Philippines vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 953.106 ca nhiễm và 16.141 ca tử vong, tăng lần lượt 7.379 và 93 ca.
Quốc gia Đông Nam Á đã tiêm chủng 1,46 triệu liều vaccine Covid-19 tính tới ngày 17/4, và khoảng 1,15% dân số đã được tiêm ít nhất một liều, theo Our World in Data.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 15/4 cho biết chính phủ có thể tiếp quản các khách sạn và biến chúng thành các cơ sở cách ly Covid-19 trong bối cảnh các cơ sở y tế đang quá tải. Ông nói thêm các khách sạn được trưng dụng sẽ được khử khuẩn sạch sẽ trước khi trao lại.
Campuchia ghi nhận thêm 431 ca nhiễm nCoV và 4 ca tử vong, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 7.444, trong đó 49 người đã tử vong.
Giới chức y tế địa phương lo ngại số ca nhiễm mới tăng mạnh sẽ đe dọa hệ thống y tế nước này. Thủ tướng Hun Sen tuần trước cảnh báo ca Covid-19 tăng khiến Campuchia “bên bờ vực sinh tử”, đồng thời áp lệnh phong tỏa với hơn hai triệu người ở Phnom Penh và Ta Khmau.
Giới chức Phnom Penh tối 18/4 cũng đã đưa ra một số quy định xử phạt nặng đối với người cố tình vi phạm các biện pháp kiểm soát Covid-19 của chính quyền. Người dân có thể 500 USD tới 1.250 USD nếu vi phạm, trong đó 625 USD nếu không tuân thủ lệnh cấm đi lại. Tụ tập đông người, bao gồm uống rượu cũng có thể bị phạt tới 500 USD.
Chính quyền thủ đô Phnom Penh hôm 19/4 mở kho lương để hỗ trợ người dân trong thời gian phong tỏa. Khoảng 140 tấn gạo được chuyển tới tất cả 14 quận.
(Theo AFP/Reuters)
Theo: Cánh cò