Thursday, September 19, 2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính: NHNN phải bảo đảm có sản phẩm trong vòng 3-6 tháng tới

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN cần rà soát công việc, xác định những việc trọng tâm, trọng điểm, cấp bách để xử lý, đảm bảo phải có sản phẩm trong vòng 3-6 tháng tới, làm việc gì dứt điểm việc đó. Về lâu dài cần có giải pháp căn cơ, phát triển thị trường tài chính đảm bảo ổn định, lành mạnh và cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn để giảm sức ép cung ứng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng.

Ngày 17/4/2021 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.

Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Ban lãnh đạo NHNN và một số Vụ, Cục liên quan của Văn phòng Chính phủ và NHNN.

Mở đầu buổi làm việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự việc ngày 16/4/2021, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” trong đó Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định trong giai đoạn năm 2020 không có đủ bằng chứng, dấu hiệu cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: NHNN phải bảo đảm có sản phẩm trong vòng 3-6 tháng tới
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. 

Đây là sự nỗ lực lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong tiếp xúc ngoại giao và sự làm việc tích cực, trách nhiệm của một số bộ ngành, nhất là NHNN để Hoa kỳ có đánh giá phù hợp liên quan đến vấn đề tiền tệ của Việt Nam. Trong thời gian tới, NHNN cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ trong tổng thể Kế hoạch hành động để hướng đến cán cân thương mại hài hoà bền vững giữa hai nước.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng khẳng định trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã đạt được nhiều thành công, ngành cần phát huy những việc đang làm tốt và hiệu quả để thời gian tới có kết quả cao hơn. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu NHNN báo cáo tình hình hoạt động ngân hàng, những vấn đề nổi lên trong thời gian qua, những khó khăn vướng mắc và hướng xử lý trong thời gian tới trên nguyên tắc việc gì dễ, khả thi, đồng thuận và cấp bách làm trước, việc khó có ý kiến khác nhau cần tăng cường trao đổi, thảo luận để có hướng xử lý, làm việc gì dứt điểm việc đó.

Giải quyết một số vấn đề còn tồn đọng, cấp bách

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã báo cáo Thủ tướng tình hình hoạt động ngân hàng theo những trụ cột quan trọng mà ngành đang tập trung, giải quyết.

Thứ nhất, về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, là trụ cột thực hiện chức năng vai trò của Ngân hàng Trung ương. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng báo cáo, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ xuyên suốt là kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, quan tâm thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát và phải đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Thời gian qua, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ trong nước và quốc tế, NHNN đã sử dụng đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ để cơ bản ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng và tạo lập niềm tin thị trường.

Vấn đề tín dụng là vấn đề NHNN luôn đặt trọng tâm và điều hành với phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả, tập trung vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Đối với tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, thời gian qua, NHNN đã sử dụng các công cụ để kiểm soát rủi ro như giảm dần tỷ trọng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (hiện nay là 40%), áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro cao, giới hạn dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán so với vốn điều lệ… Kết quả cho thấy, tốc độ tăng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản có xu hướng chậm lại, dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng chung. Tỷ trọng đầu tư của các tổ chức tín dụng vào trái phiếu doanh nghiệp cũng chiếm tỷ trọng nhỏ và trên thực tế được kiểm soát như đối với khoản cấp tín dụng.

Tuy nhiên để phòng ngừa rủi ro phát sinh đối với hệ thống, tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành Ngân hàng về công tác tín dụng ngày 14/4/2021 vừa qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tập trung quản trị, kiểm soát rủi ro trong mọi mặt hoạt động, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay để đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích…

Về những khó khăn trong hoạt động cấp tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng báo cáo thực tế tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã trên 140%, trong nhóm nước có tỷ lệ cao nhất theo đánh giá của quốc tế, nếu để tỷ lệ này tiếp tục tăng cao và vốn vay trung dài hạn cũng dựa nhiều vào ngân hàng thì sẽ tạo áp lực lớn đối với việc cân đối vốn của hệ thống ngân hàng và cân đối vĩ mô.

Thực tiễn hoạt động ngân hàng thời gian qua cho thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 90% số lượng doanh nghiệp của Việt Nam nhưng khả năng tiếp cận vốn hạn chế do năng lực tài chính, quản trị, phương án kinh doanh khả thi, quản trị dòng tiền còn hạn chế, có những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn. Về phía NHNN sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các tổ chức tín dụng cắt giảm thủ tục để tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp và người dân.

Ở trụ cột là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng,Thống đốc cho biết, trong thời gian qua, công tác tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu đã đạt được những kết quả nhất định, đảm bảo an toàn hệ thống. Tuy nhiên, vấn đề quan tâm lớn hiện nay là tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước bởi nếu không được bổ sung thì hạn chế khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thu hẹp thị phần của khối ngân hàng thương mại nhà nước, khó hiện thực hoá chỉ tiêu có ít nhất 1 đến 2 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản khu vực Châu Á theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (thời gian qua Agribank mới được tăng 3.500 tỷ đồng).

Đối với việc xử lý các ngân hàng mua 0 đồng, đây là việc khó, chưa có tiền lệ, đòi hỏi sự đồng thuận, thống nhất và sự quyết tâm cao mới có thể thực hiện được. Bởi vậy mong Thủ tướng, Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo.

Đối với vấn đề xử lý nợ xấu, trong thời gian qua với sự ra đời của Nghị quyết số 42 của Quốc hội, việc xử lý nợ xấu có tiến triển và kết quả tốt, nếu như không có đại dịch COVID-19 xuất hiện thì kết quả sẽ theo đúng lộ trình tại Nghị quyết, tuy nhiên do tác động của đại dịch nên nợ xấu có xu hướng tăng lên.

Đối với trụ cột hệ thống ngân hàng cung ứng dịch vụ, chủ yếu là dịch vụ thanh toán cho nền kinh tế, Thống đốc báo cáo trong thời gian qua ngành Ngân hàng đã không ngừng đổi mới, sáng tạo và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng lần thứ tư để cung ứng nhiều dịch vụ ngân hàng số, tiện ích, đảm bảo an ninh, an toàn, tiện ích cho người sử dụng dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là thiếu hành lang pháp lý đồng bộ cho vấn đề mới phát sinh như vấn đề cho vay ngang hàng, quản lý tiền điện tử, tiền kỹ thuật số…Đồng thời, việc triển khai các dịch vụ trên cơ sở đổi mới, sáng tạo có thể phát sinh rủi ro mà thời điểm hiện tại chưa nhận diện được, cần có cơ chế chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng xử với rủi ro phù hợp để giảm áp lực cho cơ quan và nhân lực thực hiện.

Bảo đảm phải có sản phẩm trong vòng 3-6 tháng tới

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN cần rà soát công việc, xác định những việc trọng tâm, trọng điểm, cấp bách để xử lý, đảm bảo phải có sản phẩm trong vòng 3-6 tháng tới.

Về nguyên tắc chung, Thủ tướng chỉ đạo, ngành Ngân hàng rà soát lại toàn bộ các công việc trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quy định pháp luật liên quan đến ngành và căn cứ vào thực tiễn triển khai, chức năng nhiệm vụ của ngành, đảm bảo nguyên tắc hoạt động của Đảng, dự báo và có giải pháp những vấn đề phát sinh. Những việc đang làm tốt tiếp tục kế thừa và phát huy. Những vấn đề vướng mắc cần có giải pháp tháo gỡ trên tinh thần vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả các phương thức lãnh đạo của Đảng đối với ngành ngân hàng.

Lựa chọn một số việc ưu tiên làm trước, việc khó phức tạp cân nhắc kỹ lưỡng tìm giải pháp phù hợp, xử lý có hiệu quả, những việc chưa có quy định hoặc đã có quy định vượt quá thực tiễn thì mạnh dạn đề xuất làm thí điểm vừa làm vừa rút kinh nghiệm mở rộng dần thực hiện từng bước chắc chắn, không cầu toàn, không nóng vội, tinh thần có hiệu quả, có sản phẩm cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, rà soát lại hành lang pháp lý, hoàn thiện thể chế để đảm bảo hệ thống phát triển an toàn, lành mạnh, tăng cường phân cấp và sử dụng công cụ giám sát, kiểm tra, kiểm soát đo lường hiệu quả.

Sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, tạo lập niềm tin nhân dân, niềm tin với nhà đầu tư trong nước và niềm tin quốc tế.

Xây dựng kịch bản ứng phó dịch COVID-19 của ngành ngân hàng, cắt giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn phục hồi sản xuất nhưng không được hạ chuẩn cho vay tránh gây rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.

Về điều hành tín dụng, Thủ tướng cho rằng, tổng hợp, phân tích dữ liệu để có đánh giá nhằm kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như tín dụng bất động sản và chứng khoán. Đối với tín dụng vào bất động sản cần quản lý đảm bảo dòng vốn vào tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng bất động sản thực sự của người dân, tránh đầu cơ. Về lâu dài cần có giải pháp căn cơ, phát triển thị trường tài chính đảm bảo ổn định, lành mạnh và cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn để giảm sức ép cung ứng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế.

Còn đối với lĩnh vực tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, làm quyết liệt nhưng chắc chắn trên nguyên tắc đảm bảo an toàn hệ thống, an toàn tiền gửi của người dân, phối hợp các bộ ngành tạo cơ chế phù hợp thu hút nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia tái cơ cấu đảm bảo hiệu quả. Có giải pháp trước mắt và lâu dài trong việc xử lý nợ xấu đảm bảo tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ.

Đối với lĩnh vực cung ứng dịch vụ cần đảm bảo ứng dụng công nghệ hiện đại thích ứng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0 trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng mang lại tiện ích, an toàn cho người dân, quan tâm bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính, phát huy cải cách hành chính, phối hợp chặt chẽ có hiệu quả với các bộ ngành hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện, môi trường cho các sản phẩm mới, sản phẩm sáng tạo công nghệ được áp dụng để góp phần phát triển nền kinh tế số.

Làm việc với các bộ ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ tăng vốn đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, tạo môi trường, điều kiện để các ngân hàng tăng tính cạnh tranh và hội nhập quốc tế để người dân được hưởng tiện ích và dịch vụ tương đương các nước trong khu vực.

Đối với công tác tổ chức cán bộ, cần đảm bảo xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ để cán bộ công chức, viên chức, phát huy cao nhất dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, chống tham nhũng, tiêu cực…; tăng cường kỷ luật kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới, sáng tạo, phát huy tính tự lực tự cường vươn lên từ “ bàn tay khối óc” của ngành.

Công tác tuyên truyền là một trong các phương thức lãnh đạo của Đảng liên quan đến công tác chính trị tư tưởng tạo sự đồng thuận của nhân dân và xã hội. Công tác tuyên truyền, truyền thông của ngành Ngân hàng cần phát huy làm tốt, linh hoạt, sáng tạo tránh xảy ra khủng hoảng gây hậu quả và ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành chính sách và niềm tin của người dân với ngành Ngân hàng.

Tùng Lâm

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG