Tổng thống Mỹ cho rằng trong khi Trung Quốc và các nước khác đầu tư mạnh cho hạ tầng tương lai, Mỹ lại bỏ bê suốt hàng chục năm qua.
Hàng thập kỷ qua, Mỹ ít đầu tư vào đường sá, chăm sóc trẻ em và các chương trình khác. Biden cho rằng nước này cần mở rộng tiếp cận Internet cho người dân, thay thế các đường ống nước và lắp thêm trạm sạc cho xe điện. Kế hoạch cơ sở hạ tầng không nên chỉ giới hạn ở cầu đường.
“Trung Quốc và phần còn lại của thế giới đang cố sở hữu tương lai – gồm công nghệ, điện toán lượng tử, đầu tư ngân sách mạnh tay để giải quyết ung thư và Alzheimer. Đó là cơ sở hạ tầng của một quốc gia”, ông nói, “Bạn cho rằng Trung Quốc sẽ chờ đợi rồi mới đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hay R&D (nghiên cứu và phát triển) à? Tôi đảm bảo với các bạn là họ không đợi đâu. Họ còn đang mong nước Mỹ chậm chạp, hạn chế và chia rẽ để không bắt kịp ấy chứ”.
Biden cho biết đại dịch đã phơi bày bất bình đẳng kinh tế, khiến hàng triệu người chật vật, đặc biệt là người da màu. Ông chỉ trích chính sách giảm thuế của người tiền nhiệm Donald Trump khiến khối nợ của Mỹ tăng cao, tài sản của các tỷ phú tăng vọt trong đại dịch và các doanh nghiệp Mỹ có lợi nhuận nhưng không phải nộp thuế.
Trước đó, quan chức Mỹ cho biết kế hoạch của Biden nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Mỹ. Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố “bằng chứng từ các cuộc khảo sát sơ bộ rất thống nhất, cho thấy người Mỹ ủng hộ tầm nhìn của Tổng thống với nền kinh tế”.
Tuy vậy, gói cơ sở hạ tầng của Biden hiện gặp phải một số thách thức. Nhiều nghị sĩ Cộng hòa chỉ trích vì lấy ngân sách từ tăng thuế doanh nghiệp. Còn trong nội bộ đảng Dân chủ, một số thành viên đảng muốn kế hoạch có quy mô lớn hơn, trong khi số khác phản đối tăng thuế từ 21% lên 28%, đề xuất chỉ dừng ở 25%.
Biden khẳng định ông sẵn sàng đàm phán với các nghị sĩ về chi tiết kế hoạch. Dù vậy, ông sẽ không đồng ý dừng gói này lại và không muốn tăng thuế với những người thu nhập dưới 400.000 USD một năm.
Hà Thu (Reuters)
Theo: Cánh cò