Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định mới sửa đổi các quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân. Nhưng Chưa phân tích cụ thể sự việc, một số trang mạng lại nhanh chóng lấy thông tin này để rêu rao một cách lệch lạc
Trang RFA ngày 30/3/2021 đăng tải bài viết “Thanh tra trong ngành Công an hay mọi ngành: ‘vừa đá bóng, vừa thổi còi’”, đưa ra nhiều dẫn chứng sai sự thật, phiến diện với chủ đích phủ nhận sạch trơn vị trí, tầm quan trọng của lực lượng thanh tra trong các bộ, ngành tại Việt Nam. Sự đánh giá, nhìn nhận thiếu thiện chí này có thể gây ra những hiểu sai trong dư luận về công tác thanh tra, cũng như tác động tâm lý không nhỏ đến dư luận về hoạt động của các cơ quan Chính phủ.
Trước hết, để hiểu rõ cầu chuyện, cần có cái nhìn, nhận định thẳng thắn và khách quan về Nghị định số 25/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 41/2014/NĐ-CP, quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân quy định việc xóa bỏ Thanh tra Tổng cục; Thanh tra Bộ Tư lệnh; Thanh tra Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thanh tra Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Quy định này hoàn toàn hợp lý với việc sắp xếp, tổ chức bộ máy Bộ Công an theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực như hiện nay. Cụ thể hơn, Bộ Công an đã xóa bỏ cấp Tổng cục, sát nhập 20 đơn vị Cảnh sát PCCC vào Công an các tỉnh thành… Như vậy, lý do xóa bỏ một số cơ quan thanh tra thuộc Bộ Công an hoàn toàn không phải vì lực lượng này “hoạt động không có hiệu quả” hay “tiêu cực”, như bài viết mà RFA đang tìm cách dẫn dắt dư luận.
Thứ hai, về luận điệu đặt vị trí của người dân đối với cơ quan thanh tra và thế “đối phó”, đây một lần nữa hoàn toàn là sự suy diễn thiếu khách quan. Khiếu nại, tố cáo là quyền của công dân nhưng thực hiện quyền này sao cho đúng, và khách quan nhất thì phải dựa trên các quy định của pháp luật. Bởi lẽ, quyền khiếu nại, tố cáo một mặt bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của mỗi công dân, nhưng nếu bị lạm dụng không đúng cách, thì lại chính là đang xâm phạm đến quyền, lợi ích của người khác. Trên thực tế, không ít những vụ việc khiếu nại, tố cáo vô căn cứ mà chủ đích nhằm hạ uy tín, bôi nhọ hình ảnh cá nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc cũng như cuộc sống của không ít người. Chính vì thế, pháp luật đặt ra những quy định chặt chẽ về khiếu nại, tố cáo, quy trình làm việc với cơ quan thanh tra không phải để gây khó dễ cho người khiếu nại, tố cáo, cũng không đặt người khiếu nại, tố cáo vào thế đối lập với cơ quan thanh tra, mà chỉ nhằm mục đích bảo đảm hiệu quả thực chất của công tác này.
Người khiếu nại, tố cáo mong muốn pháp luật, trật tự được thực thi đúng, thì việc họ phải thực hiện đúng thủ tục, trình tự theo pháp luật là lẽ đương nhiên. Chuyện xuyên tạc về vấn đề khiếu nại, tố cáo của công dân có thể thấy chỉ là cái nhìn tiêu cực, phiến diện, không đúng bản chất sự việc.
Cuối cùng, quan trọng nhất, đó là về vai trò của các cơ quan thanh tra. Qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, ngành Thanh tra đã phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật xảy ra trong nhiều lĩnh vực, thu hồi một số lượng lớn tiền, tài sản cho Nhà nước, giữ gìn kỷ cương pháp luật, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Năm 2020, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 6.199 cuộc thanh tra hành chính và 181.227 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng, 6.366 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 23.843 tỷ đồng và 830 ha đất; ban hành 90.193 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7.164 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 97 vụ, 99 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
Với những con số cụ thể nêu trên hoàn toàn có thể khẳng định vai trò to lớn của ngành Thanh tra đối với công tác quản lý Nhà nước. Điều đó cũng là căn cứ đanh thép để phủ định những lời vu cáo rằng ngành Thanh tra “không có tác dụng” hay “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Rõ ràng, vai trò của thanh tra trong hoạt động quản lý Nhà nước hiện nay có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển, nhất là trong điều kiện thực hiện Chương trình cải cách bộ máy Nhà nước, trong đó có các cơ quan thanh tra. Tuy nhiên, dù có điều chỉnh thì vị trí, vai trò của cơ quan thanh tra hoàn toàn không bị phai nhạt.
Nhìn nhận đúng về công tác thanh tra cũng như các cơ quan thanh tra giúp mỗi người ý thức được trách nhiệm của mình trong việc phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan thanh tra đối với hoạt động quản lý Nhà nước. Chúng ta hãy là những công dân biết giám sát bằng sự tỉnh táo cao độ nhất!
Komi
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Theo: Hội Cờ đỏ