Nhà chức trách Myanmar được cho rằng đã khai quật mộ của cô gái Ma Kyal Sin bị bắn chết trong cuộc biểu tình và đưa ra kết luận pháp y là cô ấy đã bị bắn từ phía sau với vết đạn không phải loại mà cảnh sát Myanmar dùng. Chưa rõ thực hư của sự việc như thế nào nhưng nếu đó là sự thực thì cũng là một chuyện đã có nhiều tiền lệ, như ở Ukraine, Ả Rập,.. những nơi có “Mùa xuân dân chủ” ghé thăm.
Nhưng như bần đạo đã phân tích trong bài viết trước, mâu thuẫn nội tại của đất nước Myanmar sẽ còn lâu nữa, hoặc không bao giờ, có thể chấm dứt mà một trong những tác nhân chính là “viên đạn bắn từ đằng sau” của thực dân Anh vào đất nước này. Đó chính là chính sách “chia để trị” của thực dân Anh nói riêng và các chế độ thực dân nói chung với các nước thuộc địa, để lại hậu quả lâu dài cho các nước thuộc địa.
Cụ thể cách “chia để trị” của Anh tại Miến Điện như sau:
Chia rẽ về dân tộc:
Các quốc gia Karen ở miền Tây Miến Điện được thực dân Anh cho hưởng quyền độc lập theo Hiệp ước 1875 dưới sự bảo hộ của Anh. Thực dân Anh đặc biệt nâng đỡ người Karen, kích động mâu thuẩn giữa người Karen với người Miến. Tỷ lệ người Karen được học hành, tuyển dụng làm việc trong cơ quan hành chính, bệnh viện,.. cao hơn hơn hẳn người Miến. Người Miến cũng không được tham gia quân đội hoàng gia.
Thủ lĩnh các quốc gia Shan ở miền Bắc được toàn quyền Anh tấn phong tước hiệu và ban cho nhiều đặc quyền riêng dưới sự giám sát của người Anh. Ở khu vực người Kachin, các thủ lĩnh địa phương được giao nhiều quyền lực hơn so với quốc gia Shan.
Chính sách “chia để trị” của thực dân Anh nhìn bề ngoài là nhằm bảo vệ các dân tộc nghèo, kém phát triển, nhưng thực chất là nhấn mạnh sự khác biệt, duy trì và kéo dài sự trì trệ ở các vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là nằm ngăn cản quá trình hòa trộn tự nhiên về văn hóa giữa các sắc tộc. Hơn nữa, bộ máy tuyên truyền của thực dân Anh không ngừng thổi phồng, xuyên tạc “tội ác” của các triều đại phong kiến Miến Điện trước kia, vẽ ra hình ảnh sai lệch, xấu xa về người Miến trong con mắt của các sắc tộc khác.
Chia rẽ về tôn giáo: tương tự như vấn đề dân tộc, thực dân Anh cũng tìm cách nhấn mạnh sự khác biệt tôn giáo, xúc phạm nền truyền thống của văn hóa Miến Điện, ngang nhiên chà đạp lên những quy định, nguyên tắc truyền thống thiêng liêng của đạo Phật cũng như vơ vét các bảo vật quý giá của chùa chiền. Điều này cũng nhằm hạ thấp uy tín đạo Phật (tôn giáo chính ở Miến Điện) trong mắt các tôn giáo khác, đồng thời chống lưng cho sự phát triển Thiên chúa giáo tại đất nước này. Cùng với đó, họ cổ vũ những người Miến cực đoan theo Phật giáo, đưa ra Đạo luật về kết hôn đặc biệt cho phụ nữ với mục đích ngăn cản phụ nữ Miến Điện cưới đàn ông Hồi giáo.
Và chúng ta thấy, chính sách “chia để trị” thâm độc của chế độ thực dân không chỉ có tác dụng tức thời cho họ trong thời kỳ cai trị mà nó như một mảnh đạn cắm trong lòng các dân tộc thuộc địa, để mãi mai sau nay, mỗi khi “trái gió trở trời” lại trỗi dậy, tạo nên những nỗi đau đớn khôn nguôi. Ngay chính như ở xứ ta cũng thế thôi, luôn có những mảnh đạn găm trong đầu về vấn đề VN – Lào – Cam, giữa Nam – Trung – Bắc…
K3
Nguồn: Diễn đàn Dân chủ
Theo: Hội Cờ đỏ