Vào ngày 11-3-2011, một trận động đất có cường độ 9-9,1 làm rung chuyển ngoài khơi bờ biển phía Đông Bắc của Nhật Bản, tạo ra một cơn sóng thần cướp đi mạng sống của hơn 27.000 người.
Đó là một chiều thứ 6 định mệnh, khi người dân trên khắp Nhật Bản đang mong chờ đến ngày nghỉ cuối tuần. Vào lúc 14 giờ 46 phút, khi những tiết học cuối chuẩn bị kết thúc, mặt đất bắt đầu rung chuyển. Sau đó, sóng thần ập vào đất liền, con người, nhà cửa, ôtô đều bị sóng cuốn đi. Nhà máy hạt nhân Fukushima thì phát nổ.
Trận động đất có cường độ 9-9,1 mạnh đến mức làm nghiêng trục Trái đất và dịch chuyển đảo Honshu của Nhật Bản về phía Đông tới 4 m. Cơn sóng thần do nó tạo ra quét vào đất liền 10 km, hơn 27.000 người thiệt mạng, 6.152 người bị thương, 2.572 người mất tích tại 18 tỉnh của Nhật Bản và hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn. Nhìn những con số mới thấy được sự khủng khiếp của động đất và sóng thần gây ra.
Chưa dừng lại ở đó, thảm họa kép này đã xóa sổ nhiều ngôi làng, thị trấn và khiến người dân vùng này phải rời bỏ quê hương mang theo nỗi đau mất người nhà vĩnh viễn.
Cơn sóng thần còn gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ thứ 2 trong lịch sử, sau thảm họa Chernobyl năm 1986, tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Những bức tường chắn sóng của nhà máy không thể chống đỡ những đợt sóng lớn.
Khu vực tầng hầm, nơi đặt máy phát điện khẩn cấp của nhà máy, nhanh chóng ngập trong nước, làm hỏng các hệ thống làm mát quan trọng. Điều này dẫn đến các thanh nhiên liệu của lò phản ứng bắt đầu nóng chảy và rò rỉ bức xạ chết người ra khu vực xung quanh.
Nhiều ngôi nhà, xe cộ, tàu bè đều ngập trong nước tạo thành đống đổ nát, bi thương. Người may may mắn sống sót tuyệt vọng tìm kiếm người thân dưới đống đổ nát. Ít ai ngờ họ và người thân yêu đã vĩnh viễn cách xa.
Những tưởng mọi thứ đã kết thúc sau cơn động đất và sóng thần dữ tợn. Tuy nhiên, người dân Fukushima lại một lần nữa lâm vào đường cùng khi chính quyền Nhật ban bố “tình trạng khẩn cấp điện hạt nhân” ngay trong đêm 11-3-2011 kinh hoàng ấy.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, II bị rò rỉ vật chất có phóng xạ. Mấy ngày sau, nhà máy điện hạt nhân bị nổ khiến môi trường ảnh hưởng nặng nề, ô nhiễm đến nguồn nước và thức ăn.
Bên trong nhà máy, dù đã 10 năm sau vẫn không thể có sự tồn tại của con người. Những khu phố gần nhà máy điện Fukushima I dường như bị bỏ hoang hoàn toàn. Những chiếc ôtô, xe máy, nhà cửa giờ bị phủ lấp bởi cây cỏ. Cùng với đó là sự di cư của hơn 73.000 người tại vùng này do ảnh hưởng rò rỉ hạt nhân.
Bảo Trâm
Theo: Cánh cò