Với khoảng 3.300 máy bay tiêm kích, máy bay ném bom và các loại máy bay khác, lực lượng không quân Trung Quốc có số lượng máy bay nhiều gấp đôi so với lực lượng không quân Nhật Bản.
Bắc Kinh đã nắm bắt được lợi thế đó và triển khai máy bay tiêm kích và các máy bay quân sự khác để thăm dò khu vực không gian Nhật Bản với tốc độ cao đến mức Trung Quốc đã làm “kiệt sức” các máy bay tiêm kích của Nhật Bản theo đúng nghĩa đen.
Sau nhiều năm Trung Quốc không ngừng gây sức ép, Nhật Bản cuối cùng cũng đã làm điều gì đó để giải quyết vấn đề. Giờ đây, chính sách chính thức của các lực lượng Nhật Bản, theo Forbes, chỉ đơn giản là … phớt lờ máy bay Trung Quốc. Tất nhiên là phớt lờ một số loại, chứ không phải tất cả, số máy bay quân sự Trung Quốc được phái đến gần không phận Nhật Bản.
Cụ thể là: trước đây các máy bay tiêm kích Nhật Bản đánh chặn tất cả các máy bay quân sự Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản – phần lớn là chồng lấn với không phận quốc tế – thì giờ đây các máy bay của Tokyo sẽ chỉ đánh chặn những đội hình chiến đấu cơ khiêu khích nhất của Trung Quốc.
Các quan chức quốc phòng đã thông báo ngắn gọn với truyền thông Nhật Bản về chính sách mới trong tuần này, nhưng rõ ràng là Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã bắt đầu hạn chế các hoạt động đánh chặn ít nhất từ một năm trước.
Các vụ đánh chặn máy bay Trung Quốc của Không quân Nhật Bản đạt đỉnh 851 lần vào năm 2016, sau đó giảm xuống 675 vào năm 2019 và giảm thêm chỉ còn 331 vào năm 2020 — và điều này không nhất thiết là do máy bay quân sự Trung Quốc hoạt động ít thường xuyên hơn.
Hãy so sánh: toàn bộ liên minh NATO chỉ thực hiện 430 vụ đánh chặn máy bay Nga trong năm 2019.
Tỷ lệ xuất kích cao đã là một vấn đề đối với các phi đội F-15J của không quân Nhật Bản, phi đội đầu tiên có nhiệm vụ thực thi bảo đảm các khu vực phòng không của nước này. Không quân Nhật Bản (JASDF) đang vận hành 200 chiếc F-15.
Nhiều chiếc F-15 được giao nhiệm vụ bay huấn luyện hoặc bị mắc kẹt trong quá trình bảo dưỡng sâu. Trên thực tế, chỉ 100 chiếc F-15 từng xử lý tới cả ngàn vụ đánh chặn mỗi năm.
Và hãy nhớ rằng – máy bay tiêm kích hiếm khi bay một mình.
Và JASDF chỉ có thể mỗi năm cho xuất kích 25 chuyến bay với mỗi tốp F-15J gồm bốn máy bay để chặn máy bay Trung Quốc từ xa, trước khi chúng vào khu phòng không rộng hàng trăm ngàn dặm vuông.
Tất cả những chuyến bay, được quyết định chỉ trong thời gian ngắn đó, đã gây ra hao tổn cho JASDF. “Tôi nghĩ Trung Quốc muốn khiến JASDF mất cân bằng và liên tục phải phản ứng, làm hao mòn máy bay và khiến phi hành đoàn Nhật Bản mệt mỏi, luôn chịu áp lực hàng ngày”, Peter Layton, một nhà phân tích của Viện Griffith Châu Á ở Australia, nói với CNN.
Ông Layton nói thêm: “Tuổi thọ của phi đội F-15J của Nhật Bản gần như là do Trung Quốc quyết định”.
Sức khỏe vật chất của phi đội F-15 không phải là yếu tố duy nhất trong chính sách đánh chặn mới của Tokyo. JASDF đang trong quá trình thay thế nhiều máy bay tiêm kích cũ hơn – bao gồm một nửa số F-15 – bằng 157 máy bay tiêm kích tàng hình F-35 mới mà quân đội Nhật Bản phải thừa nhận là không hoàn toàn lý tưởng cho các cuộc tuần tra vùng nhận dạng phòng không.
Một máy bay tiêm kích loại này cần phải đáng tin cậy, dễ dàng xuất kích và nhanh để có thể bắt kịp máy bay Trung Quốc đang hành động. F-35 không nằm trong số đó. Do F-35 chiếm tỷ lệ lớn hơn trong phi đội máy bay tiêm kích của JASDF, số lượng máy bay mà Tokyo có thể sử dụng cho các cuộc tuần tra vùng nhận dạng phòng không có thể giảm một nửa.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói với Kyodo News: “F-35 không thích hợp để cất cánh khẩn cấp, và việc duy trì hệ thống như trước đây sẽ trở nên khó khăn”.
Chính sách mới không đánh chặn tất cả các máy bay của Trung Quốc không có nghĩa là Bắc Kinh đột nhiên được tự do làm theo ý mình trong không gian xung quanh Nhật Bản.
Theo chính sách mới, các hệ thống phòng không trên mặt đất và 21 máy bay radar E-767 và E-2 của JASDF sẽ giám sát các đội hình của Trung Quốc mà lực lượng tiêm kích chiến đấu không đánh chặn.
Anh Minh
Theo: Cánh cò