Đúng 100 năm trước, vào năm 1921, hội đồng trao giải thưởng Nobel quyết định hoãn trao giải Nobel Vật lý. Phải một năm sau, sau bao lần né tránh vì phong trào bài Do Thái đang nổi lên, cuối cùng người ta cũng miễn cưỡng trao “muộn” cho Albert Einstein giải Nobel Vật lý 1921, dù rằng không phải cho thuyết tương đối mà trước đó mấy năm, những dự đoán của nó về độ lệch vị trí những ngôi sao gần Mặt trời đã được các phép đo đạc của Arthur Eddington khẳng định là đúng.
Giải thưởng vinh danh cho một công trình ít được biết hơn của nhà bác học lỗi lạc: sự giải thích về hiệu ứng quang điện. Và, qua đó, lần đầu tiên gợi ý về bản chất lưỡng tính của các hạt electron, một phát hiện đáng kinh ngạc nằm ngoài mọi tưởng tượng về vũ trụ nơi ta đang sống.
Nếu tra xét từng năm, ta biết rằng không có năm nào là không có những sự kiện đặc biệt. Nhưng 1921 đơn giản là một năm vô cùng đặc biệt, một năm đã xoay chuyển thế giới của chúng ta mãi mãi. Và, những dư ba của nó, vẫn còn hiển hiện rõ đến hôm nay, năm 2021, một thời điểm mà trong quá khứ, tiểu thuyết gia Philip K. Dick từng chọn làm bối cảnh viễn tưởng khi Trái đất chìm sâu trong bụi phóng xạ và robot bắt chước y hệt con người trong cuốn sách vĩ đại “Người máy có mơ về cừu điện”, cũng là thời điểm mà nhà văn P.D James dự đoán nhân loại đã mắc chứng vô sinh hàng loạt, còn theo đạo diễn John Krasinski trong bộ phim kinh dị nổi tiếng “A quiet place”, thì đó là năm loài người bị xóa sổ gần hết bởi một loài sinh vật mù khát máu thống trị trên mặt đất.
Albert Einstein (Ảnh chụp năm 1921).
Từ sự vinh danh hiệu ứng quang điện mà Einstein đã lý giải vào năm 1921, suốt một thế kỷ qua, nghiên cứu ấy về ánh sáng đã tạo tiền đề cho vô vàn những phát kiến công nghệ không thể thiếu với đời sống của chúng ta ngày nay: đó là cáp quang, là đèn LED, là tia laser, là camera kỹ thuật số, là pin mặt trời, là đèn giao thông tự động. Chính nhờ phát hiện thần kỳ về ánh sáng ấy mà hàng triệu người dùng trên thế giới có thể quay video và gửi tới cho nhau. Có thể nói, 100 năm qua là một thời kỳ Khai sáng thứ hai trong lịch sử, khi ánh sáng – lần này là ánh sáng theo nghĩa đen – chiếu xa khắp mọi hang cùng ngõ tận của cuộc sống.
Cũng vào năm 1921, Bill Boeing thắng một hợp đồng trị giá 1.448.000 USD với quân đội Mỹ, nhờ đó, hãng Boeing có thể bỏ việc sản xuất đồ nội thất, tủ tường, thuyền buồm tốc độ mà họ buộc phải làm để duy trì cầm cự. Có một tấm ảnh chụp toàn bộ nhân viên Boeing tại nhà máy vào thời điểm đó, chỉ vỏn vẻn hơn 200 người, đủ đứng vừa ống kính và đến thời điểm hiện tại, Boeing là một đế chế gần như bất khả xâm phạm với hơn 150.000 nhân viên trên toàn cầu.
Nói về sự dịch chuyển, thế giới năm 2021 chắc chắn đã đơn giản hơn nhiều so với một thế kỷ trước. Dù có đi đến đầu bên kia đại dương cũng không quá 24 giờ bay, mọi thứ gần hơn bao giờ hết, bạn có thể đặt mua một cuốn sách ở Los Angeles và chuyển về đây trong vòng mười mấy ngày, bạn có thể bay đi Hawaii vào dịp cuối tuần rồi trở lại làm việc như bình thường vào sáng Thứ hai.
Nếu chỉ xét về mặt công nghệ, ta có quyền tin rằng, ta đang sống trong một kỷ nguyên tốt đẹp chưa từng có trong quá khứ và sống tiện nghi sung sướng hơn bất kể ông hoàng bà chúa hay siêu tỷ phú giàu có nào trong lịch sử. Nên nhớ rằng Rockefeller còn không có nổi một chiếc điều hòa nhiệt độ và di chuyển bằng tàu lửa hay tàu hơi nước.
Vua Louis XIV có thể có hàng ngàn người hầu kẻ hạ nhưng ngài thậm chí còn không có buồng tắm và muốn đi đâu thì ngài chỉ có thể lên xe ngựa. Tin tôi đi, nhân vật Gil Pender hoài cố mà Woody Allen đã xây dựng trong bộ phim “Midnight in Paris” có thể mê cái thời xa cũ của những Fitzgerald, Hemingway, Salvador Dalí, Pablo Picasso, Man Ray… song hẳn anh sẽ chán họ ngay nếu anh phải sinh hoạt, ăn ở trong điều kiện như họ! Quá khứ chẳng thể tốt hơn hiện tại, ít ra là về điều kiện sống.
Nhưng, liệu tốt hơn về điều kiện sống có khiến chúng ta trở thành những người tốt hơn từ sâu thẳm trong mình?
Hitler trong vòng vây của các “tín đồ”.
Năm 1921 cũng là năm chứng kiến Adolf Hitler vươn tới quyền lực tối cao. Y bắt đầu diễn thuyết cho hàng ngàn người ở Đức với miệng lưỡi hùng hồn và loạn trí chống lại Hoa ước Versailles đã kết thúc Thế chiến I, chống lại những chính trị gia đối địch, chống lại những người Marxist và đương nhiên rồi, chống lại người Do Thái.
Đến mùa hè năm 1921, để tỏ ý không hài lòng vì những âm mưu hạ bệ mình trong nội bộ đảng Quốc xã, Hitler xin rút lui. Đảng Quốc xã biết rằng, nếu để mất Hitler sẽ là một tổn thất quá lớn và Hitler cũng biết họ biết việc đó nên tuyên bố sẽ chỉ trở lại nếu được nắm chức chủ tịch, được trao toàn bộ quyền hành. Một cuộc bầu bán diễn ra, Hitler nhận 543 phiếu trong tổng số 544 người bầu cử. Và ngày 29-7 cùng năm, Hitler chính thức được giới thiệu là Führer (Lãnh tụ/Quốc trưởng), danh hiệu sẽ gắn với Hitler và chỉ riêng mình Hitler.
Giờ đây, khi nhìn lại toàn bộ tiến trình đó, ta buộc phải tự hỏi làm cách nào mà một kẻ điên cuồng với những tư duy bệnh hoạn như vậy có thể trở thành người nắm quyền, có thể gieo rắc những suy nghĩ độc hại cho hàng triệu người xung quanh? Vẫn biết đám đông dễ mắc lừa nhưng chẳng nhẽ đám đông có thể dễ bị che mắt đến thế?
Đáng buồn rằng đúng là như vậy. Con người có thể thực sự mông muội hơn cả thế, kể cả con người của năm 2021, những con người được sống trong chủ nghĩa tự do công nghệ, những con người được đến gần hơn với kho tri thức tối thượng của loài người trên internet. Nhưng thế vẫn là chưa đủ để họ trở nên khôn ngoan và sáng suốt hơn.
Cuộc tấn công vào tòa Quốc hội Mỹ ngay những ngày đầu năm mới bởi một nhóm người về phe đương kim Tổng thống Trump, bị kích động bởi những lý luận lệch lạc, những thông tin vô căn cứ và những lời cáo buộc không cơ sở về kết quả bầu cử trên mạng xã hội, đó chẳng khác gì thời khắc những nhà tuyên truyền Quốc xã hô vang câu hỏi “Ai sẽ khiến chúng ta tự do và cường thịnh?” và hàng ngàn người trong các hội trường đồng thanh hô vang “Đảng Quốc xã” vào thế kỷ trước. Hitler đã biến nền dân chủ trở thành nền độc tài chỉ trong vòng 100 ngày từ khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước. Còn Tổng thống Trump, đến tận những ngày cuối cùng cũng không thôi đục khoét nền dân chủ mà người Mỹ từng kiêu hãnh.
Ở Mỹ, vào năm 1921, một sự kiện ô nhục diễn ra vào ngày cuối tháng 5 khi một nhóm công dân da trắng được chính quyền cung cấp vũ khí để tàn sát những người da màu sống tại Tulsa, bang Oklahoma, phá hủy khu vực thịnh vượng nhất của cộng đồng người Mỹ gốc Phi thời ấy, nơi được mệnh danh là “Phố Wall đen”. Tất cả bắt nguồn từ việc một cậu bé đánh giày da đen bị đồn sẽ phải chịu hình phạt lynch (tử hình) man rợ. Vụ bạo loạn Tulsa vẫn là một trong những sự kiện bạo lực kinh hoàng nhất trong lịch sử Mỹ.
Và ta cứ ngỡ những ký ức đầm đìa máu ấy đã dạy cho chúng ta một điều gì giá trị. Nhưng, không. Cái hình ảnh một người đàn ông cầm lá cờ Liên minh miền Nam đã sụp đổ diễu quanh tòa Quốc hội, trước tấm chân dung của Charles Sumner, vị thượng nghị sĩ với tư tưởng cấp tiến đã bị một kẻ ủng hộ chế độ nô lệ tấn công bằng gậy khiến ông chịu đựng những di chứng chấn thương trong suốt phần đời còn lại, đã nói lên tất cả. Từ trái tim, vẫn có rất nhiều kẻ mơ về thế giới ác độc năm xưa và ấp ủ ý muốn lật đổ, trả thù.
Quay lại câu hỏi, phải chăng con người đã khá hơn con người của 100 năm trước? Nếu nói rằng không thì thật không công bằng. Chúng ta của 2021 được dẫn đường bởi tiến bộ khoa học. Những tri thức mà con người tìm ra chỉ trong vài chục năm qua đồ sộ bằng cả vài ngàn năm trước cộng lại. Tỷ lệ biết chữ cao hơn, tỷ lệ trẻ sơ sinh chết thấp hơn, tuổi thọ nâng cao hơn, điều kiện vệ sinh được cải thiện. Nhưng, cũng thật khinh suất nếu trả lời là có. Đâu đó trong tâm trí, đám mây mù đã từng che lấp tuệ nhãn của con người vẫn lơ lửng ở đó, chưa bao giờ biến mất. Nó đã biến thành một vũng nước đọng và rình rập một ngày sẽ ngưng tụ lại thành mây bùng nhùng trong tâm trí ta lần nữa.
Một trong những bản hit nổi tiếng nhất của năm 1921 là “I found a rose in the devil’s garden”, trong đó kể câu chuyện một người tìm thấy bông hoa hồng trong khu vườn quỷ dữ và lời ca khép lại bằng câu: “Khi nỗi đau chồng lên, tôi bắt gặp một bông hồng”. Đó có lẽ là lời nhắn nhủ đẹp nhất mà 1921 gửi tới tương lai: thế giới 1921 trên bờ vực suy tàn. Nhưng, trong bối cảnh ấy, con người của 1921 vẫn tìm thấy chân lý ở một bông hoa. Thế giới 2021 đã bắt đầu đầy buồn bã, mép vực suy tàn vẫn ở sát bên. Nhưng, ngay trong khu vườn quỷ dữ vẫn có những bông hồng cho người tìm chúng.
Hiền Trang
Nguồn: Công an nhân dân
Theo: Hội Cờ đỏ