Nhiều quốc gia châu Âu đang bắt đầu “tách rời” Trung Quốc khỏi nền kinh tế của họ, khi lo ngại Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng địa chính trị.
Nhiều chính phủ từ Baltic tới biển Adriatic gần đây đã hủy các cuộc gọi thầu công khai mà những công ty Trung Quốc định sẵn phần thắng hoặc thúc đẩy lệnh cấm công ty Trung Quốc đầu tư hay ký hợp đồng làm ăn trên lãnh thổ của họ.
Sự thay đổi được thúc đẩy bởi lo ngại về an ninh quốc gia và thất vọng về chất lượng công việc của nhà thầu Trung Quốc, theo các quan chức liên quan tới quyết định. Một số dự án bị hủy nằm trong sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, dự án khiến một số quốc gia tham gia thất vọng.
Sự thay đổi chủ yếu nằm ở các nước châu Âu nhỏ, làm gia tăng căng thẳng trong Liên minh châu Âu (EU), khi các nước lớn vẫn ủng hộ duy trì quan hệ làm ăn với Trung Quốc.
Romania và Lithuania đang thực hiện nhiều biện pháp để loại các công ty Trung Quốc khỏi một số chi tiêu công. Họ cũng có nhiều động thái nhắm tới mục tiêu cụ thể hơn. Giới chức Slovenia, Croatia, Cộng hòa Czech và Romania đã đình chỉ các cuộc gọi thầu công khai liên quan tới công ty Trung Quốc với các dự án nhà máy điện hạt nhân, đường cao tốc, đường sắt, máy quét an ninh và cảng container. Hy Lạp đang tranh luận liệu có cho phép công ty tàu Trung Quốc tăng cổ phần tại cảng lớn nhất của quốc gia này hay không.
Trung Quốc đã đánh giá thấp “yếu tố Nga”, theo Andreea Brinza, phó chủ tịch Viện nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương ở Bucharest, Romania. Các quốc gia châu Âu bị chi phối bởi Moskva suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh từ lâu đã có nhiều lo ngại chiến lược. Khi hầu hết họ phải dựa vào đảm bảo an ninh của Mỹ, họ cũng muốn cho thấy họ đứng về phía nào trong các tranh chấp thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.
“Chúng tôi chỉ đơn giản tôn trọng các lựa chọn chiến lược của mình, gồm mối quan hệ đối tác với Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và mối quan hệ thành viên của EU”, Phó thủ tướng Romania Dan Barna nói về ” thái độ lạnh nhạt” gần đây với Trung Quốc.
Chính phủ Romania hồi đầu tháng này nói rằng sẽ siết chặt quy định mua sắm công và cấm công ty Trung Quốc, sau khi ngăn Bắc Kinh tham gia vào kế hoạch triển khai 5G của nước này và tu sửa một nhà máy điện hạt nhân vào năm ngoái.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Bucharest và Văn phòng Thương mại Trung Quốc ở Romania chưa trả lời bình luận về thông tin này.
Chính phủ Lithuania hôm 17/2 cấm nhà sản xuất máy quét an ninh Trung Quốc Nuctech Co. cung cấp thiết bị cho hai sân bay của quốc gia này, khi cho rằng một thỏa thuận được đề xuất “không phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia”. Nuctech, công ty bị Washington liệt vào danh sách thực thể Trung Quốc bị cấm giao dịch với công ty Mỹ hồi tháng 12 năm ngoái, đã thắng cuộc gọi thầu một năm trước do Lithuanian Airports thực hiện.
Nuctech cho biết đang cân nhắc phản ứng và có thể bao gồm hành động pháp lý. “Quyết định này không chỉ mang động cơ chính trị mà còn bóp méo sự cạnh tranh trên thị trường thiết bị an ninh, gây thiệt hại cho những người nộp thuế của Lithuania”, một người phát ngôn của Nuctech nói.
Canada năm ngoái cũng từ bỏ kế hoạch mua máy quét an ninh của Nuctech cho các đại sứ quán, sau những tranh cãi về thỏa thuận được thông báo. Na Uy, Croatia và một cơ quan của EU vài tháng gần đây cũng bắt đầu ngừng gọi thầu máy quét an ninh liên quan tới Nuctech, dù không bên nào công khai tuyên bố hủy thỏa thuận do lo ngại về an ninh như Lithuania.
“Chúng tôi đang lựa chọn các thị trường công nghệ phương Tây, thay vì Trung Quốc”, Laurynas Kasciunas, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về an ninh quốc gia và quốc phòng thuộc nghị viện Lithuanian, cơ quan giám sát đánh giá an ninh quốc gia và khuyến nghị cấm sản phẩm của Nutech, nói.
Tuy nhiên, những thay đổi chính sách này vẫn chiếm thiểu số và hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc vẫn diễn ra khắp EU. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào khối đã giảm sau khi đạt đỉnh năm 2016, do những hạn chế mới của châu Âu và những biện pháp kiểm soát của Bắc Kinh về dòng chảy tài chính. Tuy nhiên, số lượng công ty Trung Quốc, chủ yếu do nhà nước sở hữu, giành được hợp đồng mua bán với đối tác châu Âu, vẫn tăng mạnh gần đây.
EU năm ngoái đã ban hành hướng dẫn loại trừ nhà thầu bên ngoài khối đưa ra mức giá thấp bất thường và tiến hành nghiên cứu về tác động của trợ cấp nước ngoài ở châu Âu, bao gồm mua sắm công và thua mua công ty. Quy định mới của EU, trong đó các thành viên phải đánh giá đầu tư nước ngoài với rủi ro an ninh quốc gia, chính thức có hiệu lực vào tháng 10 năm ngoái. Nhiều quốc gia EU cũng đưa ra các quy định dựa trên thực tế quốc gia.
Thái độ cảnh giác với công ty Trung Quốc đã gia tăng ở phần lớn các khu vực tại Đông và Nam Âu, ngay cả khi Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất khối, thúc đẩy quan hệ kinh tế với Bắc Kinh. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 12 năm ngoái đã thúc giục EU đạt thỏa thuận đầu tư sơ bộ với Trung Quốc mà đã được đàm phán từ năm 2013.
Thỏa thuận đã vấp phản đối từ Ba Lan và khiến Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan kêu gọi tham vấn xuyên Đại Tây Dương về Trung Quốc từ trước khi nhậm chức. Thỏa thuận đầu tư vẫn được yêu cầu phê duyệt chính thức, dù có thể chỉ có hiệu lực vào năm tới và vấp phải sự phản đối ngày càng tăng của các nhà lập pháp EU.
Trung và Đông Âu đã trở thành mục tiêu chính của nhà thầu Trung Quốc mong muốn kiếm lợi từ nhu cầu cơ sở hạ tầng lớn của khu vực. Họ thường đưa ra giá thấp hơn rất nhiều đối thủ châu Âu để thắng thầu. Tuy nhiên, nhiều dự án sau đó đã không được hoàn thành.
“Chúng tôi đang rút ra những bài học cho chính mình”, Barna nói về quyết định cấm phần lớn nhà thầu Trung Quốc. “Chúng tôi đã tìm hiểu lý do một số dự án không thể hoàn thành và phát hiện các nhà thầu này không đáp ứng tiêu chuẩn hoặc không có khả năng hoàn thành dự án”.
Nỗ lực vận động hành lang được gọi là sáng kiến Mạng lưới Sạch của chính quyền Donald Trump năm ngoái đã khiến một số nước EU tăng cường các tiêu chí về an ninh và soạn thảo luật cấm hoặc hạn chế công ty Trung Quốc, gồm Huawei, tham gia vào công nghệ 5G của họ. Huawei tháng 9 năm ngoái khiếu nại với giới chức EU rằng luật 5G của Romania và Ba Lan, bị chi phối vởi Mỹ, có thể vi phạm luật cạnh tranh của EU.
Trong một động thái khác cho thấy Trung Âu ngày càng tăng cảnh giác với Trung Quốc, 6 lãnh đạo châu Âu đã tỏ ra lạnh nhạt với Chủ tịch Tập Cận Bình khi ông tổ chức hội nghị trực tuyến đầu tháng này. Bắc Kinh đã tổ chức sự kiện trực tuyến này với nhóm gọi là 17+1, trong đó gồm các nước châu Âu và Trung Quốc. Estonia, Latvia, Lithuania, Romania, Bulgaria và Slovenia đã cử các bộ trưởng tham dự, bất chấp Bắc Kinh gia tăng áp lực về việc phải có lãnh đạo cấp cao hơn tham gia. Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng cuộc họp đã “được tổ chức thành công với lãnh đạo các nước”.
Nỗ lực quảng bá về nhóm này của Bắc Kinh đã khiến nhiều quan chức EU phẫn nộ, khi họ xem Trung Quốc cố tình chia rẽ khối và lôi kéo các nước Balkan vào “quỹ đạo” của họ.
Thanh Tâm (Theo WSJ)
Theo: Cánh cò