Sau hơn 2 tháng im lặng, CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa mới có thể đặt toàn bộ nước Mỹ vào tầm ngắm.
Hình ảnh cuộc phóng thử ngày 29.11, Ảnh AFP
Rạng sáng 29.11, Triều Tiên bất ngờ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới mang tên Hwasong-15. Hãng thông tấn KCNA tuyên bố ICBM này mạnh hơn nhiều so với các loại vũ khí tầm xa đã thử nghiệm trước đó, có khả năng “gắn đầu đạn hạt nhân siêu lớn và đủ sức tấn công toàn bộ lục địa Mỹ”.
Cũng theo KCNA, sau khi quan sát cuộc phóng tên lửa, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tự hào tuyên bố nước này “cuối cùng đã hiện thực hóa sứ mệnh lịch sử vĩ đại là hoàn thành lực lượng hạt nhân quốc gia”. Triều Tiên cũng tự gọi mình là cường quốc hạt nhân có trách nhiệm, nhấn mạnh vũ khí chiến lược được phát triển chỉ nhằm “tự vệ trước chính sách của Mỹ”.
Trung Quốc nhắc lại đề xuất đóng băng các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, đổi lại Mỹ phải dừng các cuộc tập trận tại khu vực
Tên lửa mới nhất của Triều Tiên được phóng từ khu vực Pyongsong, đông bắc thủ đô Bình Nhưỡng. Theo KCNA, tên lửa đạt độ cao 4.475 km, bay xa 950 km trong vòng 53 phút trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Thông tin này tương đối trùng khớp với phân tích của quân đội Mỹ và Hàn Quốc đưa ra trước đó.
Đây là lần thứ ba Triều Tiên thử ICBM và cũng là tên lửa mạnh nhất từ trước đến nay. Theo các chuyên gia, nếu phóng theo quỹ đạo và độ cao chuẩn, Hwasong-15 có thể đạt tầm bắn đến 13.000 km và đặt toàn bộ lãnh thổ Mỹ, Úc lẫn một số nước châu Âu vào tầm ngắm.
Bên cạnh đó, chính quyền Bình Nhưỡng khẳng định cuộc thử nghiệm được khai hỏa bằng bệ phóng di động cho thấy đầu đạn tên lửa đã chịu được áp suất khi quay lại bầu khí quyển. Lâu nay, đây là một trong những thách thức về công nghệ khiến giới chuyên gia nước ngoài luôn nghi ngờ về chương trình tên lửa Triều Tiên.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ “xử lý vấn đề” đồng thời kêu gọi Trung Quốc “dùng mọi lợi thế để thuyết phục Triều Tiên chấm dứt khiêu khích và quay lại con đường phi hạt nhân hóa”. Ông cũng điện đàm khẩn với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nhật và Mỹ nhanh chóng yêu cầu HĐBA LHQ họp khẩn còn Hàn Quốc triển khai diễn tập khai hỏa hàng loạt tên lửa để phản ứng.
Chiều qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố quan ngại sâu sắc sau vụ phóng. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhấn mạnh các bên cần hành động thận trọng để đảm bảo hòa bình, ổn định, đồng thời kêu gọi Washington dừng tập trận trong khu vực. Phía Nga thì cho rằng hành động của Triều Tiên sẽ làm gia tăng căng thẳng, đồng thời khiến các bên ngày càng xa rời khả năng giải quyết khủng hoảng.