Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có kết luận thanh tra về việc xác định chỉ tiêu, tổ chức tuyển sinh, quản lý đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam. Theo đó, nhiều sai phạm của Học viện Khoa học xã hội khiến dư luận không khỏi choáng váng, giật mình trước khả năng “sản xuất” tiến sĩ, thạc sĩ của Học viện này.
Theo Thanh tra Bộ GD&ĐT, Học viện Khoa học xã hội hiện nay thống nhất đào tạo sau đại học 17 cơ sở thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với 36 chuyên ngành trình độ thạc sĩ và 36 chuyên ngành trình độ tiến sĩ. Tới thời điểm tháng 12/2016, quy mô đào tạo của Học viện là 3.595 người, gồm 1.131 nghiên cứu sinh và 2.464 học viên cao học.
Về xác định chỉ tiêu tuyển sinh của Học viện Khoa học xã hội, kết luận thanh tra của Bộ GD&DDT cho biết, năm 2015, Học viện có đội ngũ giảng viên cơ hữu theo báo cáo tự kê khai của Học viện gồm: 21 Giáo sư (GS), 152 Phó Giáo sư (PGS), 3 tiến sĩ khoa học và 160 tiến sĩ. Học viện tự xác định và đăng ký chỉ tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ là 350 chỉ tiêu, trình độ thạc sĩ là 1.600 chỉ tiêu.
Năm 2016, đội ngũ giảng viên cơ hữu theo tự kê khai của Học viện gồm: 19 GS, 197 PGS, 196 tiến sĩ (khối ngành I: 2 GS, 14 PGS, 1 tiến sĩ; khối ngành III: 12 GS, 148 PGS, 127 tiến sĩ; khối ngành VII: 5 GS, 35 PGS, 67 tiến sĩ). Học viện thông báo chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ 400 chỉ tiêu, trình độ thạc sĩ 1.600 chỉ tiêu.
Năm 2017, đội ngũ giảng viên cơ hữu theo tự kê khai của Học viện để xác định chỉ tiêu gồm: 21 GS, 184 PGS, 249 tiến sĩ (khối ngành I: 2 GS, 4 PGS, 2 tiến sĩ; khối ngành III: 14 GS, 140 PGS, 160 tiến sĩ; khối ngành VII: 5 GS, 40 PGS, 87 tiến sĩ). Học viện đăng ký chỉ tiêu trình độ tiến sĩ là 450 chỉ tiêu, trình độ thạc sĩ là 1.740 chỉ tiêu.
Kiểm tra số chỉ tiêu tự xác định của Học viện cho thấy, Khối ngành I: Trình độ tiến sĩ 20 chỉ tiêu (vượt năng lực 17 chỉ tiêu), trình độ thạc sĩ 40 chỉ tiêu; khối ngành III: Trình độ tiến sĩ là 200 chỉ tiêu, trình độ thạc sĩ là 1.300 chỉ tiêu (vượt năng lực 22 chỉ tiêu); khối ngành VII: Trình độ tiến sĩ là 230 chỉ tiêu (vượt năng lực 205 chỉ tiêu), trình độ thạc sĩ là 400 chỉ tiêu.
Qua kiểm tra của đoàn Thanh tra cho thấy số lượng thực tế có chênh lệch giảm 10 Phó giáo sư so với số lượng Học viện đã báo cáo: Tại thời điểm tháng 01/2017 có 21 GS, 174 PGS và 258 TS; trong đó có 1 GS, 12 PGS và 21 tiến sĩ chuyên ngành Luật. Đội ngũ giảng viên của Học viện Khoa học xã hội tại thời điểm tháng 01/2017 có 7 PGS và 17 TS (khối ngành III có 3 PGS, 6 TS; khối ngành VII có 4 PGS, 11 TS).
Thanh tra Bộ GD&ĐT kết luận, căn cứ theo quy định của Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT ngày 16/12/2015 của Bộ GD&ĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học, chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ năm 2017 của Học viện Khoa học xã hội còn 86 chỉ tiêu (33 chỉ tiêu khối ngành III và 53 chỉ tiêu khối ngành VII), không còn chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ của khối ngành I và trình độ tiến sĩ của tất cả các khối ngành.
Cũng theo kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT, năm 2015, Học viện Khoa học xã hội có 1.114 học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ; năm 2016 là 1.697.
Đối với công tác tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ, sai phạm cũng không kém như Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ không đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu theo đúng quy định; Phân công người hướng dẫn luận văn thạc sĩ vượt quá số lượng quy định; phân công thành viên hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ vi phạm quy định; chưa lưu giữ đầy đủ hồ sơ của những nhà khoa học ở ngoài cơ sở đào tạo tham gia hướng dẫn, tham gia hội đồng đánh giá luận văn, luận án. Tổng số nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Học viện năm 2015 là 281 luận án, năm 2016 là 265 luận án, năm 2017 tính đến 4/2017 là 46 luận án.
Đặc biệt, kiểm tra danh sách phân công hướng dẫn thạc sĩ ngành Luật, ngành Chính sách công đợt 1 năm 2015 và ngành Công tác xã hội năm 2015 cho thấy có nhiều người được phân công hướng dẫn số lượng học viện tại cùng thời điểm vượt quá quy định. Tại một thời điểm có người được giao hướng dẫn tới 44 học viên gồm 29 học viên ngành Luật, 10 học viên ngành Chính sách công, 5 học viên ngành Công tác xã hội. Có người được giao 18, 11, 10 hoặc 9 người…
Có thể nói, với những con số mà Thanh tra Bộ GD&ĐT công bố, Học viện Khoa học xã hội xứng đáng với tên gọi là “lò ấp” tiến sĩ, thạc sĩ. Trung bình mỗi năm họ “sản xuất” hàng trăm tiến sĩ và hàng trăm thạc sĩ. Đây là con số quá khủng khiếp của một cơ sở giáo dục như Học viện Khoa học xã hội. Chứng kiến những con số này, nhiều người không khỏi choáng váng và giật mình. Chẳng nhẽ, giờ đây đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ lại có thể dễ dàng vậy sao.
Một lần nữa, câu hỏi về sự quản lý của các cơ quan chức năng đối với cơ sở giáo dục này trong những năm qua như thế nào lại được nhiều người đặt ra. Chẳng nhẽ, làm quản lý cứ để đến khi dư luận, báo chí phanh phui thì khi đó mới ra sai phạm, vậy trách nhiệm của những người làm quản lý ở đâu?
TUỆ MINH