Thực tiễn sáng tác tiểu thuyết cho thấy nhận định trên đây của chúng tôi là có căn cứ. Sự xuất hiện các tiểu thuyết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” (2014) của Trần Mai Hạnh; “Mình và họ” (2014) của Nguyễn Bình Phương; “Gió Thượng Phùng” (2018) của Võ Bá Cường; “Đường về Thăng Long” (2019) của Nguyễn Thế Quang; “Gió bụi đầy trời” (2020) của Thiên Sơn; “Hừng Đông” (2020) của Nguyễn Thế Kỷ; “Người công giáo cộng sản” (2020) của Trần Việt Trung… là một thực tế đáng kỳ vọng.
Đó là những tác phẩm phản ánh, ca ngợi chủ nghĩa yêu nước cao cả của các thế hệ người Việt Nam trải qua lửa đỏ và nước lạnh của thời đại bão tố cách mạng ở thế kỷ trước.
Trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, Hồ Chủ tịch đã đặc biệt quan tâm đến mặt trận đoàn kết dân tộc, Người kêu gọi: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công!”. Đoàn kết là sức mạnh hàng đầu dẫn đến thắng lợi cuối cùng của dân tộc đánh bại những kẻ thù hùng mạnh, tàn bạo và nham hiểm nhất thế kỷ XX.
Các nhân vật lịch sử thời đại cách mạng: Lãnh tụ Hồ Chí Minh, các học trò xuất sắc của Người như Võ Nguyên Giáp, các bậc tiền bối như Phan Đăng Lưu đã bước vào tiểu thuyết lịch sử. Nay một trong những con người thuộc “thế hệ kim cương” trở thành nhân vật văn học – Đồng chí Trần Tử Bình (1907-1967) trong tiểu thuyết “Người công giáo cộng sản”.
Ở đây cần nói rõ, tác giả chính là con trai của đồng chí Trần Tử Bình, vậy điều ấy có đảm bảo tính khách quan của sự viết? Thiết nghĩ, chúng ta đang tiếp nhận một tác phẩm văn học (về lịch sử) cho nên tác giả nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng sự thật, ngoài ra là trí tưởng tượng, tự do hư cấu (khi miêu tả nội tâm nhân vật). Đọc tác phẩm, chúng tôi nhận thấy tác giả đã giải quyết tốt mối quan hệ mật thiết này của nhiệm vụ nghệ thuật kép khi viết.
Bìa tiểu thuyết “Người công giáo cộng sản” của Trần Việt Trung.
Đồng chí Trần Tử Bình là nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết. Người đọc như được sống lại một thời kỳ bão táp cách mạng, như được kề vai sát cánh cùng chiến hào với những người chiến sỹ cộng sản của một thế hệ tràn đầy tinh thần “dĩ công vi thượng”. Tiểu thuyết được viết theo thuật chương hồi (gồm 16 phần đánh số từ I đến XVI).
Nhân vật Trần Tử Bình được miêu tả từ lúc sinh ra, lớn lên, tham gia hoạt động cách mạng, trưởng thành theo trình tự thời gian. Khi viết, tác giả chú trọng đặt nhân vật chính trong một không gian – thời gian có tính chất địa – chính trị và địa – văn hóa.
Quê hương nơi đồng chí Trần Tử Bình sinh ra, lớn lên là vùng công giáo thuộc phủ Lý Nhân xưa (sau đổi tên thành tỉnh Hà Nam, dưới thời vua Thành Thái). Đây là vùng nông thôn chiêm trũng, nghèo khó. Nhưng kỳ lạ thay, như một nghịch lý, chính những nơi nghèo khó nhất thường sản sinh ra nhiều bậc hào kiệt.
Gia đình đồng chí Trần Tử Bình theo đạo trong một làng (có tên Đồng Chuối) công giáo toàn tòng. Chúng ta biết, nơi sinh ra một con người có ảnh hưởng lớn đến quá trình trưởng thành sau này (về nhãn quan, về nhân cách, về lối sống, cao hơn là văn hóa ứng xử). Người công giáo có đức tin mạnh mẽ về lẽ phải, sự công bằng và sống thanh sạch theo giáo lý.
Tất cả các nhân tố tốt đẹp của một không gian văn hóa như thế hun đúc nên những phẩm chất cần thiết để cho cậu bé Phạm Văn Phu (sau này khi tham gia hoạt động cách mạng có bí danh là Trần Tử Bình) hình thành và phát triển một nhân cách toàn vẹn.
Tác giả đã chú ý đến những “bước ngoặt” trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Tử Bình. Bắt đầu từ phần III (bước ngoặt), phần IV (chuyển mình), phần V (vượt ngục), phần VI (cánh chim vượt giông tố), phần VII (cuộc đại vượt ngục lịch sử), phần IX (khởi nghĩa Hưng Yên), phần X (trước và sau ngày Lễ Độc Lập), phần XIV (vị đại sứ và lễ Trình quốc thư trong đêm), phần XVI (quyết tâm của người cộng sản)…
Tiểu thuyết thường viết về cả quá trình của một đời người, với những “điểm nhấn của số phận”, nơi khúc xạ lịch sử trong những thăng trầm của nó. Nhưng nhà văn cần dừng lại ở những điểm độc sáng. Có thể nói, đây là một tiểu thuyết về “lịch và nhân chứng” của một thời kỳ đáng nhớ trong tiến trình đấu tranh cách mạng Việt Nam thời hiện đại.
Nương theo tinh thần này, tác giả không chỉ chú trọng tái hiện các sự kiện lịch sử quan trọng mà còn quan tâm đến các nhân chứng lịch sử, vì chỉ có thông qua những con người cụ thể thì lịch sử mới được phục dựng một cách sinh động, đầy đủ, soi sáng đến từng chi tiết.
Nếu Trần Tử Bình là nhân vật trung tâm thì có một “từ trường” lớn do nhân vật tạo nên, trong đó xuất hiện một cách trung thực các nhân vật khác như Ngô Gia Tự, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Bùi Công Trừng, Trần Huy Liệu, Trần Quang Huy, Nguyễn Bình, Lê Thiết Hùng…
Trần Tử Bình là một nhân vật – người anh hùng trong ý nghĩa đích thực của từ này là vì được đặt trong (và giữa) một tập thể anh hùng, vì không ai có thể một mình làm nên sự nghiệp.
Tư tưởng về vai trò của Nhân dân trong tiểu thuyết lịch sử của Trần Việt Trung rất sáng rõ. Đề cao vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại nên tư tưởng “lòng yêu nước không độc quyền” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm.
Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến cách viết tiểu thuyết lịch sử “Người công giáo cộng sản”. Sinh thời, Bác Hồ thường quan tâm đến ba phương diện viết (viết cho ai, viết cái gì, viết như thế nào). Người ta thường nói “đằng sau một người đàn ông thành công có bóng hình một người phụ nữ”. Điều ấy giản dị như chân lý.
Quê hương, gia đình, người thân và các mối quan hệ dòng tộc, đồng bào, đồng chí… đã tạo nên chất keo kết dính nhân vật điển hình với hoàn cảnh điển hình. Trong sợi dây bền chặt của nhân vật chính Trần Tử Bình với hoàn cảnh, thiết nghĩ, người vợ là một điểm sáng rỡ.
Bà Nguyễn Thị Hưng là người vợ, người đồng chí gắn bó keo sơn với Trần Tử Bình, như một cặp “song kiếm hợp bích”. Ai bảo phụ nữ chỉ có biết tề gia nội trợ, chỉ cần công dung ngôn hạnh như một lẽ thường tình tạo hóa ban phước?
Bà Nguyễn Thị Hưng đã tham gia hoạt động cách mạng từ sớm ở Hưng Yên. Sau năm 1957, bà công tác tại Bộ Ngoại thương trong vị trí Chánh Thanh tra bộ. Bà đã sinh hạ và nuôi nấng chu toàn tám người con (sáu trai, hai gái, Trần Việt Trung là con út trong gia đình).
Bà Nguyễn Thị Hưng “một tay chèo lái” (như tiêu đề mục đầu của phần XVI), sau ngày đồng chí Trần Tử Bình ra đi vĩnh viễn. Bà đã mất ngủ sáu tháng liền với bao nỗi tiếc thương không nguôi ngoai người bạn đời, vừa lo toan gánh vác gia đình trong thời buổi khó khăn khi chiến tranh đang vào thời kỳ ác liệt, kinh tế eo hẹp ngặt nghèo.
Cái khó, cái khổ về kế sinh nhai đã đành, nhưng đáng nói hơn là sự trống trải của ngôi nhà thiếu vắng đàn ông như trụ cột chính: “Ngôi nhà càng trở nên vắng vẻ u tịch. Mỗi đêm mất ngủ, thời gian cứ dài lê thê”.
Từ năm 1969, bà bị trọng bệnh, được chữa trị ở nước ngoài. Số phận đã mỉm cười với người quả phụ kiên cường này. Khi Trần Thành Công (một trong số sáu con trai của vợ chồng bà) nhập ngũ, bà đã động viên con trai mình vì: “Bà hiểu từng đứa con mình đứt ruột đẻ ra, chúng có lòng tự trọng, không muốn ai động đến mình”.
Sau hòa bình (1975), đời sống của đất nước khó khăn trong bối cảnh cấm vận và hậu quả chiến tranh nặng nề, bà Nguyễn Thị Hưng đã phải làm kinh tế (nuôi lợn), con cái thì mỗi người một cách bươn chải (bán giải khát, cà phê)…
Bà Nguyễn Thị Hưng là một tấm gương kiên cường vượt khó, vừa xây tổ ấm vừa phụng sự công việc chung. Năm 1991, bà được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Hai. Bà mất ngày 25-8-1993. Thiết nghĩ, nếu thiếu đi những trang viết sinh động, xúc động về bà Nguyễn Thị Hưng, tiểu tuyết sẽ bị khuyết đi một mảng lớn.
Ý tưởng về nhan đề bài viết của chúng tôi – Lòng yêu nước không độc quyền – vụt sáng khi viết dòng cuối bài phê bình tác phẩm Người công giáo cộng sản của Trần Việt Trung.
Hà Nội, tháng 1-2021
Bùi Việt Thắng