Thursday, November 21, 2024

Dấu ấn Việt Nam trong kỷ nguyên số

Không phải chờ đến ASEAN 37 mà ngay từ những ngày đầu của năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã tận dụng thành công công nghệ số để phát huy tốt nhất vai trò của mình, thông qua việc kịp thời chuyển sang hình thức họp trực tuyến để duy trì kênh chia sẻ thông tin và phối hợp giữa các quốc gia ASEAN.

“Trong khi các nước láng giềng vẫn đang phải vật lộn với đại dịch, Hà Nội đã sáng tạo một cách đáng ngạc nhiên trong các hoạt động ngoại giao và tận dụng tình hình một cách tốt nhất, không chỉ cho mình mà cho cả cộng đồng ASEAN”, tờ Diplomat nhận định.

Đường xa không làm cách trở…

“Trước tình hình đại dịch COVID-19 ở nhiều nước vẫn còn phức tạp, tuy đã đạt được những kết quả ban đầu trong kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam, dù rất mong muốn và cố gắng hết sức để có thể đón tiếp lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác đến dự các hội nghị này, sau khi tham vấn với các nước, đã quyết định tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 (ASEAN 37) và các cấp cao liên quan theo hình thức trực tuyến”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng mở đầu buổi họp báo về ASEAN 37 với một tuyên bố như thế.

Dấu ấn Việt Nam trong kỷ nguyên số

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Nghi thức chụp ảnh chung đặc biệt được thực hiện ngay sau lễ ký kết Hiệp định RCEP. Ảnh: ASEAN Vietnam.

Thật đáng tiếc, đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn cách thức vận hành của các diễn đàn và hội nghị quốc tế. Và, ASEAN 37 cũng không ngoại lệ. Đó là kỳ hội nghị cấp cao đầu tiên được diễn ra theo hình thức trực tuyến, kể từ khi ASEAN được thành lập năm 1967. Thể thức tổ chức chưa từng có đặt Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 vào bài toán khó, khi phải thiết lập một chương trình nghị sự phù hợp với sự chênh lệnh múi giờ mà vẫn đảm bảo tiến độ cho các đàm phán quan trọng.

Một học giả Thái Lan chuyên về Đông Nam Á hồi đầu năm nay từng chia sẻ trên tờ The Diplomat: “Ngoại giao ASEAN được dàn xếp một cách riêng tư; nổi tiếng với việc đạt được các thỏa thuận lớn trên sân golf và trong các cuộc họp bên lề. Các sự kiện trực tuyến sẽ làm loãng “cách thức ASEAN” trong việc thực hiện điều đó”.

Thật vậy, ai cũng hiểu, một trong những “đặc sản” của các kỳ hội nghị chính là những cuộc gặp bên lề, nơi mọi tương tác hay thậm chí là biểu cảm, sắc mặt của lãnh đạo các quốc gia sẽ dễ lọt vào khung ảnh và trở thành “tín hiệu” phỏng đoán tiến trình hội nghị đang diễn ra lạnh-nóng ra sao. Nhưng, việc dò xét động thái, thậm chí là săn ảnh, giờ đây trở nên bất khả, khi mọi người đều không trực tiếp nhìn nhau, cũng chẳng nhìn vào máy ảnh, mà nhìn vào một chiếc camera. Tôi nghe anh phóng viên người Nhật ngồi cạnh thở dài: “Another online” (lại một kỳ họp trực tuyến nữa).

Dấu ấn Việt Nam trong kỷ nguyên số

Công nghệ giúp rút ngắn khoảng cách giữa các quốc gia, biến điều không thể thành có thể. Ảnh: ASEAN Vietnam.

Chỉ đến khi ban tổ chức thông báo hội nghị sẽ bao gồm 20 hoạt động cấp cao, với sự tham gia của các đối tác lớn như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, không khí buổi họp báo mới “sống” trở lại. Con số 80 văn kiện dự kiến được thông qua khiến cánh phóng viên háo hức, bởi đây là số văn kiện nhiều nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), sau hơn 8 năm đàm phán, hứa hẹn sẽ được ký kết.

Đón nhận những tin nóng từ phía Bộ Ngoại giao, chúng tôi, với đầy háo hức xen lẫn lo âu, đã tự phác thảo một kế hoạch tuyên truyền hội nghị mới, về một kỳ hội nghị “không thể gặp nhau”. Mãi sau này, khi hội nghị đã kết thúc, Thứ trưởng Dũng mới chia sẻ, nói một cách khách quan, dịch COVID-19 chia rẽ các nước, trước hết là về mặt vật lý khi các nước đành phải áp dụng các biện pháp để bảo vệ biên giới của mình và ngăn cản việc đi lại.

“Về mặt tư tưởng, có thể thấy thường những lúc khó khăn thì mỗi thành viên đều rất dễ suy nghĩ đến những lợi ích riêng và đặt nó lên trên hết. ASEAN cũng nhận thức được điều đó. Và những ngăn cách về mặt vật lý có thể không thể khắc phục được ngay nhưng phải luôn có ý thức rằng bất cứ khi nào có thể khắc phục thì sẽ đều nỗ lực thực hiện”, ông nói. Thì ra, việc tổ chức một kỳ hội nghị trực tuyến, tưởng chừng đơn giản khi lược bỏ nhiều công đoạn hậu cần, thực tế lại khiến nảy sinh thêm nhiều bài toán mới khác. Còn cánh phóng viên chúng tôi khi ấy, vẫn đang bận tưởng tưởng “cái gật đầu” qua màn hình trực tuyến sẽ được hiện thực hóa ra sao.

Và những kết quả vượt mong đợi

Có lẽ, năm 2020 là lần đầu tiên ASEAN họp trực tuyến thường xuyên và nhiều đến như vậy. Hơn cả một kênh thông tin, phương pháp mới đã giúp ASEAN duy trì phối hợp, đưa ra nhiều quyết sách quan trọng với khu vực, cả về hợp tác nói chung và về phòng chống dịch nói riêng. Việc ký kết Hiệp định RCEP là minh chứng cho điều đó. Một lễ ký kết chưa từng có tiền lệ nhưng khiến bất cứ ai chứng kiến đều phải thán phục, bởi Việt Nam đã khéo léo lựa chọn phương án công nghệ tinh tế nhất để kéo sự xa cách địa lý về con số 0.

Dấu ấn Việt Nam trong kỷ nguyên số

Hình ảnh “tay trao tay” bản ký kết có một không hai mà cho đến nay mới chỉ diễn ra tại ASEAN 37. Ảnh: ASEAN Vietnam.

“Ngay sau đây, lễ ký kết Hiệp định RCEP trong khuôn khổ ASEAN 37 chính thức bắt đầu!”, lời dẫn của MC vang lên trong khán phòng rộn tiếng vỗ tay, khi kim đồng hồ vừa điểm đúng 12h trưa ngày 15-11. Phía sau hàng ghế ký kết, lãnh đạo 15 quốc gia đứng trang trọng, chứng kiến các Bộ trưởng Kinh tế đặt bút ký vào hiệp định. Lễ ký kết mang tính cột mốc được thực hiện trang trọng với đầy đủ nghi thức, bao gồm cả nghi thức chụp ảnh chung. Chỉ khác một điều, tất cả đều diễn ra trực tuyến.

“Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến lãnh đạo các nước ASEAN và các nước đối tác, ngài Tổng Thư ký ASEAN cùng quý vị đồng nghiệp về sự ủng hộ, nỗ lực trong nhiều năm qua”, lời cảm ơn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không chỉ đánh dấu thành công của một hiệp định lịch sử, mà còn đánh dấu nỗ lực hợp tác xuyên không gian, vượt thời gian mà ASEAN 37 đã làm được.

Trên màn hình lớn, chúng tôi nhìn thấy nụ cười của nhà lãnh đạo các nước, tiếng vỗ tay chúc mừng vang dội từ mỗi điểm cầu và hình ảnh các vị bộ trưởng giơ cao bản hiệp định với nét mực tươi vừa ký. Mọi thứ chân thực tới mức họ như đang ở ngay đây cùng nước chủ nhà Việt Nam chúc mừng giây phút lịch sử.

Kết thúc phần ký kết, từ điểm cầu Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trịnh trọng trao bản hiệp định đã ký cho Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jack Hoi – người đang ở điểm cầu Jakarta. Trên màn hình, lúc này đã được chia làm hai nửa, xuất hiện hình ảnh trực tiếp của Bộ trưởng Việt Nam và Tổng Thư ký ASEAN tay trao tay hiệp định đã ký, dẫu thực tế cả hai đều đang trao cho một lễ tân tại điểm cầu của mình.

Công nghệ, chứ không phải bất cứ điều gì khác, đã tài tình “lắp ghép” các không gian thành một, khiến buổi lễ trở nên ý nghĩa hơn. Giây phút ấy, thay vì tập trung viết nốt dòng tin, hàng chục phóng viên có mặt tại phòng báo chí đều “buông máy”, vỗ tay và ồ lên thán phục. Khoảng cách vào khoảnh khắc ấy bỗng như nhập làm một. “Tôi không nghĩ lễ ký sẽ diễn ra theo cách đó. Tuyệt vời!”, phóng viên của tờ Nikkei hào hứng nói với đồng nghiệp, khi chiếc máy ghi âm vẫn chưa kịp tắt. Chưa đầy một tiếng sau, hình ảnh “cái bắt tay” trong kỷ nguyên số xuất hiện dày đặc trên các mặt báo quốc tế, với dòng tít ấn tượng: “Thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới đã được ký kết!”.

Khi nhắc đến năm Chủ tịch ASEAN 2020, công chúng sẽ nhớ nhiều đến “Gắn kết và chủ động thích ứng”, chủ đề năm ASEAN mà Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã trịnh trọng tuyên bố trong lễ bàn giao tại Thái Lan. Một năm đã trôi qua, ASEAN 37 xứng đáng là cái kết đẹp cho hành trình của Việt Nam, với sứ mệnh chèo lái con tàu ASEAN vững vàng đi đúng hướng, vượt qua vùng biển “COVID-19” sóng dậy không ngừng.

Chúng tôi, những phóng viên có vinh dự được đồng hành với năm Chủ tịch đầy khác lạ này, cũng mong muốn nhiều hơn ngoài những thành công mà ASEAN 37 nói riêng và năm Chủ tịch ASEAN 2020 đem lại. Hơn cả một kỳ hội nghị, ASEAN 37 để lại những câu chuyện, kỷ niệm và dấu ấn về một Việt Nam linh hoạt và đề cao câu chuyện xóa nhòa những khoảng cách để đi tới đoàn kết, thống nhất và cùng phát triển.

An Nhiên

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG