Tôi lớn lên bên hông chợ Đồng Xuân những năm 1990, khi ấy giá trị của sự côn đồ lại là một thước đo cho sự tồn tại của đám đông sống trên khu vực chợ đầu mối lớn nhất phía Bắc này. Rất nhiều tên tuổi những cộm cán giang hồ bắt đầu thành danh từ nơi đây, và thật đáng tiếc họ đã không có cơ hội được chứng kiến những đổi thay của xã hội ngày hôm nay bởi phải trả giá bằng tính mạng hoặc những bản án dài như vô cực.
Những đứa trẻ chập chững lớn trong phố tiếp nhận bài học sinh tồn đơn giản đầu tiên là ra đường biết lận lưng một con dao nhọn, phần còn lại tuỳ thái độ của đối thủ.
Những người bạn tuổi thơ trong phố của tôi nếu còn có cơ hội được sống đều đang thụ án rải rác tại nhiều trại giam từ miền Trung đổ ra. Mãi cho đến sau này khi trưởng thành, đủ cứng cáp tôi mới bắt đầu tìm lại họ. Thành thông lệ, cứ đến gần cuối năm là đi một vòng tiếp tế, thăm hỏi bạn cũ bởi ngày cận Tết ai cũng vướng bận. Lý do cũng không có gì phức tạp bởi tôi tin rằng sự thăm gặp bằng tình cảm bạn hữu chân thành có thể phần nào giúp được họ có niềm tin cho ngày trở về.
Tôi rất thích một câu châm ngôn của phương Tây rằng “Mỗi Thánh nhân đều có một quá khứ, mỗi tội đồ đều có một tương lai”. Những gương mặt búng ra sữa của ký ức đã kịp phủ nếp nhăn trong nụ cười với bằng hữu, nhắc đến tuổi mới nhớ ra đã kịp U50, thế đấy. Cuộc đời không giống như việc gõ sai chính tả trên máy tính để có tổ hợp phím UNDO (làm lại) và trả giá bằng tuổi trẻ sau song sắt là cái giá chỉ có người trong cuộc mới biết đau đớn, cô đơn, cùng cực ra làm sao.
Vài đêm hôm trước, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một tin giả về bạn trẻ Khá “Bảnh” (tức Ngô Bá Khá) tử vong trong trại giam. Khá nổi tiếng bởi có danh giang hồ trên mạng, có gần cả triệu thiếu niên theo dõi. Từ một thông tin vu vơ, thế là cả đêm ấy, thế giới mạng tuổi lỡ cỡ đã không ngủ. Kết quả tìm kiếm về Khá “Bảnh” là hơn 100 ngàn lượt, gấp đôi chàng ca sĩ nổi Sơn Tùng trong ngày ra mắt clip âm nhạc.
Theo tra cứu số liệu, đa số truy vấn thông tin đều xuất phát từ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Khi pháp luật xử lý Khá và hàng chục giang hồ mạng nhưng vẫn còn một thực tại, đó là người ta vẫn quan tâm về anh ta cũng như hình ảnh anh ta để lại rải rác khắp các trang mạng.
Và căn bản, cả nền giải trí, phim trên giờ vàng truyền hình đều nói về thành thị, hoặc nông thôn bảng lảng trong góc nhìn thị dân. Và thật đáng tiếc, những “hình tượng” kiểu như Khá vẫn là một giá trị để giới trẻ tò mò.
Hai câu chuyện có một khe hẹp liên kết với nhau, nhưng nếu những hình tượng giang hồ tiếp tục “giữ giá” là một “giá trị” cao thì thật đáng buồn thay. Người lớn lại có cái để suy nghĩ rồi.
Cu Trí