Các nhà ngoại giao Trung Quốc đang đẩy mạnh sử dụng mạng xã hội Twitter, vốn bị cấm tại Trung Quốc, để phát đi các thông điệp cứng rắn bảo vệ quyền lợi cho Bắc Kinh trên trường quốc tế.
Vào mùa hè năm 2019, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc (MFA) Hoa Xuân Oánh chuẩn bị kết thúc khóa học 4 tháng tại Trường Đảng Trung ương Trung Quốc – cơ sở đào tạo cho các đảng viên Cộng sản cao cấp của Trung Quốc.
Bà Hoa, khi đó 49 tuổi, viết một bài báo cho tờ báo của trường, Study Times, về sự cần thiết của việc Bắc Kinh có thể truyền bá các thông điệp của họ trực tuyến trên toàn cầu. Bà đã đề xuất phương án sử dụng tài khoản truyền thông xã hội để đăng tải các nội dung về chính sách của Bắc Kinh.
Vài ngày trước đó, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đăng bài viết đầu tiên trên Twitter, nền tảng mạng xã hội bị cấm ở Trung Quốc.
Hơn 1 tuần sau khi bài báo được đăng tải, bà Hoa được thăng chức làm người đứng đầu bộ phận thông tin của MFA, đánh dấu sự khởi đầu cho một thời kỳ nhà ngoại giao Trung Quốc hoạt động tích cực trên Twitter.
Trong nhiều bài đăng, các tài khoản Twitter trên thường quảng bá thông điệp về chủ nghĩa đa phương. Tuy nhiên, họ đôi khi cũng sử dụng cách tiếp cận quyết liệt, được đặt với cái tên “ngoại giao chiến lang” nhằm bảo vệ quyền lợi cho Trung Quốc trước mọi chỉ trích nhằm vào Bắc Kinh.
Chiến thuật trên đã thu hút những người ủng hộ trong nước và các nhà phê bình ở nước ngoài, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.
Sau thời điểm bà Hoa nhậm chức mới ở MFA, ông Triệu Lập Kiên, một tham tán tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Pakistan, đã được chọn làm cấp phó của bà Hoa.
Ông Triệu, người hiện sở hữu tài khoản Twitter với 876.000 người theo dõi, khi đó khác biệt so với các đồng nghiệp còn lại vì ông thường đăng hàng chục dòng tweet mỗi ngày.
Sau vài tháng, MFA xuất hiện thêm nhiều tài khoản Twitter chính thức và từ đó tới nay, những tài khoản trên bắt đầu tích cực truyền bá thông điệp của Trung Quốc tới toàn cầu.
Ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – một nhân vật tiêu biểu theo chiến lược “ngoại giao chiến lang” (Ảnh: Kyodo)
“Ngoại giao chiến lang” trên Twitter
Vào khoảng tháng 2, khi dịch Covid-19 hoành hành ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, bà Hoa đăng tải những dòng tweet thể hiện sự lạc quan rằng dịch bệnh rồi sẽ biến mất. Các dòng tweet sau đó là thông điệp cảm ơn các nước đã giúp đỡ Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh càng tồi tệ hơn và Covid-19 đã lây lan tới nhiều quốc gia trên toàn cầu, thông điệp đã bắt đầu có sự thay đổi.
Trung Quốc trở thành tâm điểm của cáo buộc đã che giấu tình hình dịch bệnh vào thời điểm ban đầu và nhiều ý kiến kêu gọi Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm. Mạng xã hội xuất hiện những bài đăng với thông điệp chống Trung Quốc. Người chỉ trích mạnh mẽ nhất chính là Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông gọi vi rút SARS-CoV-2 là “vi rút Trung Quốc”.
Theo chuyên gia Zhao Alexandre Huang từ đại học Gustave Eiffel, Pháp, Covid-19 đã thực sự làm thay đổi tình hình địa chính trị. Một thống kê của ông Huang cho thấy năm 2017, Trung Quốc có chưa đầy 10 tài khoản mạng xã hội của các nhà ngoại giao và truyền thông nhà nước. Tuy nhiên, con số đó đã vượt qua 200 vào thời điểm này và hầu hết các tài khoản được đăng ký năm nay.
Phần lớn các tài khoản đều phản ứng quyết liệt với các thông điệp chống Trung Quốc hoặc phát đi thông điệp ủng hộ chủ nghĩa đa phương. Mặt khác, tài khoản của các phát ngôn viên MFA thỉnh thoảng lại đăng tải các thông điệp “đấu khẩu” trước những tin tức tiêu cực cho Trung Quốc. Những dòng tweet đó đã thu hút sự chú ý và được cho là nằm trong chiến thuật “ngoại giao chiến lang”.
Ngày 12/3, ông Triệu đăng tải lên Twitter thuyết âm mưu rằng quân đội Mỹ bị nghi đưa vi rút corona mới tới Vũ Hán vào tháng 10/2019. Ngay lập tức, động thái này đã bị Mỹ phản ứng dữ dội và ông Triệu bị cáo buộc phát tán thông tin sai lệch.
Hai tháng sau, bà Hoa trở thành một thành viên trong đội quân “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc. Ngày 30/5, hai ngày sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia với Hong Kong, bà Hoa viết trên Twitter: “Tôi không thở được”.
Đây là câu nói gợi nhắc tới vụ việc người đàn ông da màu Mỹ George Floyd bị cảnh sát ghì cổ tới chết, và nó là lời đáp trả khi Washington chỉ trích Bắc Kinh về vấn đề Hong Kong.
Bài đăng của bà Hoa nhận được trên 8.700 lượt tweet lại và 45.200 lượt yêu thích.
Ông Triệu tiếp tục gây bão dư luận một lần nữa vào tháng 12 khi ông đăng tải một tấm ảnh giả mạo có cảnh quân nhân Australia kề dao vào cổ một em bé ở Afghanistan.
Sau khi Canberra phản đối tấm ảnh, yêu cầu gỡ nó xuống, ông Triệu đã bác đề nghị này và thậm chí còn gắn bức ảnh lên đầu trang cá nhân của ông.
Mục tiêu của Trung Quốc
Mục tiêu của các nhà ngoại giao Trung Quốc khi áp dụng “ngoại giao chiến lang” vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Hiện nhiều câu hỏi được đặt ra là đây có phải là các phát ngôn có tính tự phát, không được chuẩn bị trước hay nằm trong một phần chiến lược bài bản của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Hồi tháng 3, trong bài trả lời phỏng vấn Axios và HBO, Đại sứ Thôi đã nói rằng việc ông Triệu phát tán thuyết âm mưu về Covid-19 không phải là quan điểm chính thức từ Trung Quốc.
Trong khi đó, chuyên gia Huang cho rằng các dòng tweet dường như là một phần trong chiến dịch của MFA, trong đó các nhà ngoại giao đều đưa ra thông điệp giống nhau, cùng mục đích nhưng phong cách khác nhau.
Các thông điệp quảng bá rằng Trung Quốc dường như bị phương Tây “bắt nạt”đã thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ từ người dân và thúc đẩy tinh thần đồng cảm dân tộc.
Fang Kecheng, chuyên gia tại Đại học Trung văn Hương Cảng (Hong Kong), nhận định rằng chiến thuật “chiến lang” dường như để phục vụ cho công chúng trong nước nhiều hơn. “Tôi không nghĩ nó có hiệu quả trong việc xây dựng hình ảnh của Trung Quốc, vì nó mang tính đối đầu không cần thiết”, ông Fang nói.
Mặt khác, giới quan sát chỉ ra một điểm thú vị rằng tông giọng của các tài khoản theo phong cách “ngoại giao chiến lang” dường như có phong cách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi nhiều bài đăng được viết hầu hết bằng chữ in hoa và sử dụng dấu chấm than.
Đức Hoàng (dantri.com.vn Theo SCMP)