Mất cả trăm triệu vì mua phải hoa giả
Ngày 24-11-2020, Công an huyện Tân Sơn, Phú Thọ nhận đơn tố giác của anh Nguyễn Quang Diễn, HKTT tại xã Tân Phú, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ về việc anh bị lừa đảo. Anh Diễn cho biết ngày 9-11, anh thỏa thuận qua facebook mua của một người tự xưng tên là Dũng ở Mỹ Đức – Hà Nội sử dụng tài khoản facebook “Anh Lanh Vườn Lan” 1 giò lan loại đột biến HO với giá 303.000.000 đồng. Dũng yêu cầu anh Diễn chuyển tiền đặt cọc 2.000.000 đồng vào tài khoản ngân hàng Viettinbank. Khoảng 19h cùng ngày có một người lái xe taxi không rõ tên tuổi mang giò lan nói trên đến nhà anh Diễn ở Tân Phú – Tân Sơn.
Sau khi trao đổi lại về giá bán lan, Dũng giảm cho anh Diễn 13.000.000 đồng, còn lại 290.000.000 đồng. Dũng yêu cầu anh Diễn đưa 274.000.000 đồng cho người lái xe taxi, còn lại 14.000.000 đồng Dũng yêu cầu anh Diễn chuyển riêng vào tài khoản của mình nhưng anh Diễn chưa chuyển. Đến ngày 24-11, anh Diễn phát hiện gốc giò lan bị dùng keo dính dán lại, trong giò lan chỉ có 1 thân lan loại HO, còn lại là phi điệp tím thường giá trị thấp. Anh Diễn tìm cách liên lạc với Dũng thông qua số điện thoại và nick facebook “Anh Lanh Vườn Lan”, “Điệp Láo” nhưng không không liên lạc được.
Thượng tá Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ trực tiếp chỉ đạo công tác điều tra chuyên án.
Biết mình bị lừa, anh Diễn đã đến Công an huyện Tân Sơn trình báo. Trên cơ sở tiếp nhận thông tin do anh Diễn cung cấp, Công an huyện Tân Sơn đã nhanh chóng tổ chức xác minh.
Thiếu tá Đinh Trọng Tấn, Phó trưởng Công an huyện Tân Sơn, cho biết: Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Sơn xác định đây là vụ việc có dấu hiệu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn phạm tội tinh vi, tài sản bị chiếm đoạt có giá trị lớn, đối tượng nghi vấn hoạt động trên phạm vi rộng, ngay trong ngày 24-11, Công an huyện Tân Sơn đã triển khai nhiều tổ công tác lên địa bàn các huyện thuộc tỉnh Hòa Bình, Hà Nam và quận Hà Đông, TP. Hà Nội để rà soát các nhóm bán lan qua mạng tại địa bàn.
Qua công tác trinh sát, nắm tình hình tại các địa bàn, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Sơn đã dựng lên một nhóm đối tượng có nhiều đặc điểm nghi vấn giống các đối tượng lừa đảo anh Diễn. Các đối tượng thuê nhà dân ở các địa bàn khác nhau như ở Hà Nam hoặc tại khu vực An Phú – Mỹ Đức -Hà Nội rồi hàn khung sắt, mua một số giò lan loại phi điệp thường về làm vườn hoa phong lan tại đây để tạo niềm tin cho người mua tin tưởng các đối tượng này có vườn lan thật.
Sau đó thường xuyên chụp ảnh, livetream đăng tải các hình ảnh, video về lan đột biến quý hiếm để dụ dỗ người có nhu cầu chơi lan. Sau khi lừa bán được lan cho các bị hại, các đối tượng này nhanh chóng tháo dỡ khung sắt, hoa lan và di chuyển đến một địa điểm khác để bị hại không lần tìm được tung tích. Tiến hành xác minh nhân thân, các đối tượng nghi vấn đều không có nghề nghiệp ổn định nhưng thường xuyên tiêu sài, ăn chơi.
Ban chuyên án họp triển khai các biện pháp nghiệp vụ điều tra, đấu tranh làm rõ ổ nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Căn cứ các tài liệu chứng cứ thu thập được, ngày 26-11, Cơ quan CSĐT – Công an huyện Tân Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngay trong ngày 26-11, Công an huyện Tân Sơn đã tiến hành xác lập chuyên án truy xét tập trung lực lượng, phương tiện kỹ thuật và các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh làm rõ các đối tượng lừa đảo. Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Sơn đã bắt giữ các đối tượng Đinh Văn Đô, SN: 1999, Đinh Văn Sự, SN: 1989 cùng ở xóm Liên Hợp, xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình và Bùi Văn Điệp, SN: 1996, ở xóm Hợp Nhất, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình là các đối tượng đã lừa bán giò lan đột biến HO giả cho anh Diễn.
Kiếm tiền tỷ bằng “công nghệ dán kéo 502”
Tại cơ quan Công an, Đinh Văn Đô khai để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng đã mua cây hoa lan HO về sau đó dùng thuốc kích thích để thân cây nở hoa, sau đó tách một nhánh thân lan HO thật đang có hoa dùng keo 502 gắn vào gốc lan phi điệp tím thường, “hô biến” giò lan phi điệp tím thường thành giò lan đột biến HO để đánh lừa người mua.
Đối tượng Đô.
Để tìm khách, Đinh Văn Sự được giao nhiệm vụ lập các nick Facebook ảo như “Anh Lanh Vườn Lan”; “Lan Anh Thắng”… thường xuyên đăng tải ảnh, video, livetream để giới thiệu cây lan. Qua Face book, Sự tìm trên mạng xã hội những người mua bán và chăm sóc cây lan để gửi hình ảnh trực tiếp qua tin nhắn để giới thiệu cây lan, giá cả kích thước. Ban đầu các đối tượng rao bán bằng giá thật trên thị trường, khi khách đồng ý mua và hai bên trả giá, Sự sẽ giảm giá thấp hơn giá thị trường để câu khách.
Đối tượng Sự.
Người mua tin tưởng đó là cả giò cây phong lan “HO” thật và thấy rẻ hơn giá thị trường nên đã tin tưởng quyết định mua cả giò cây hoa phong lan đó. Do cây có hoa nên việc mua bán không cần phải có mặt trực tiếp giao dịch, nên các đối tượng đã thuê xe taxi chở cây lan lên cho khách. Lái xe taxi nhận tiền mang về đưa cho các đối tượng. Ngay sau khi giao dịch bán được lan các đối tượng sẽ dỡ giàn lan và di chuyển đến nơi khác để tiếp tục lừa bán lan với thủ đoạn như trên.
Các đối tượng khai nhận với thủ đoạn trên, từ đầu năm 2020 đến nay, bọn chúng đã thực hiện trót lọt một số vụ lừa khác chiếm đoạt tài sản của nhiều người tại địa bàn các tỉnh Bắc Giang, Điện Biên, Quảng Ninh, Thanh Hóa… với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Hiện cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Sơn đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Đối tượng Đinh Văn Đô thực hiện lại hành vi dùng keo 502 gắn thân lan HO thật vào giò lan phi điệp tím thường.
Trước nhu cầu của người chơi lan và giá trị kinh tế mà lan đột biến mang lại khiến không ít đối tượng đã lợi dụng để thực hiện các chiêu trò lừa đảo. Vụ việc là bài học cho những người chơi lan đột biến. Trước khi giao dịch, người mua nên tìm hiểu thật kỹ về đối tượng sắp giao dịch, các kiến thức về lan đột biến và hơn thế nữa là phải có những hợp đồng pháp lý ràng buộc rõ ràng để tránh mất tiền mua đồ giả.
Bằng cách dán keo 502 một giò lan thường đã biến thành lan đột biến.
Quang Hưng