Nhớ lại thời điểm năm 1997, khi Internet chính thức vào Việt Nam, không thể không nhắc đến cuộc tranh luận nảy lửa giữa những lo ngại về an ninh quốc gia và lợi ích của xa lộ thông tin, quyền tiếp cận thông tin trên mạng Internet.
Cột mốc 23 năm có thể không phải là khoảng thời gian dài đối với sự phát triển của đất nước nhưng đối với một lĩnh vực có tốc độ phát triển thần kỳ như CNTT và Internet nói riêng, đó là khoảng thời gian đủ để diễn ra bao đổi thay khó tưởng tượng.
Ông Trần Bá Thái, nguyên Giám đốc NetNam – người được đánh giá có đóng góp ở vị trí thứ hai để đưa Internet vào Việt Nam cho rằng: “Việt Nam đưa Internet vào khá muộn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, Internet đã đem lại cho Việt Nam kết quả lớn nhất là mặt bằng dân chủ lẫn kinh tế ngay từ những giai đoạn đầu tiên”.
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực cho rằng đằng sau việc cho mở Internet là cả một chặng đường dài ‘vật lộn’ về tư duy đổi mới. Thời kỳ đó, đất nước đang ở trong công cuộc đổi mới đầy khó khăn phức tạp. Vì vậy, tư duy đổi mới được khởi động mạnh, các nhà lãnh đạo cũng quyết tâm đổi mới. Việc cho mở hay không mở Internet lúc bấy giờ là thử thách rất lớn trong quá trình đổi mới bởi đây là vấn đề rất nhạy cảm.
Năm 1991, ông Mai Liêm Trực đi họp và được tiếp xúc với Internet lần đầu tiên tại Washington DC, Mỹ. Sau đó, tại một số cuộc họp ở châu Á, nhiều nhà lãnh đạo các nước đã chào ông là “See you on Internet”.
Khi chưa có Internet, lãnh đạo Đảng và Nhà nước yêu cầu Tổng cục Bưu điện phát hành các báo của Việt Nam sang Đông Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ để bạn bè hiểu Việt Nam hơn nhưng ngay cả phát hành sang bên kia rồi thì ai bán báo, đấy là chưa kể vận chuyển qua đường hàng không rất khó khăn và đắt đỏ. Nhưng với Internet, đó là chuyện đơn giản và không tốn kém nhiều. Lúc đó, các nhà chuyên môn, khoa học và cả giới truyền thông thì ủng hộ việc mở Internet. Còn các nhà lãnh đạo thấy Internet quá mới nên phải thận trọng và yêu cầu phải hạn chế được mặt trái của Internet.
“Vào những giờ chót thuyết phục cho mở Internet ở cấp cao nhất là Thường trực Bộ Chính trị, Thủ tướng Phan Văn Khải đặt câu hỏi: Nếu mở thì có chặn được hết những thông tin độc hại trên Internet hay không? Chúng tôi gồm tôi làm Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, anh Khánh Toàn – Thứ trưởng Bộ Công an, anh Chu Hảo – Thứ trưởng Bộ KHCN đã báo cáo trong cuộc họp với Thường trực Bộ Chính trị. Anh Khánh Toàn lúc đó có nói về văn bản rất chặt chẽ.
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu hỏi tiếp: Nhưng trên thực tế thì sao? Tôi đứng lên báo cáo đã có văn bản và thông tư liên tịch giữa Tổng cục Bưu điện, Bộ Công an và Bộ Văn hoá Thông tin rất chặt chẽ, nhưng trong triển khai do điều kiện kỹ thuật nghiệp vụ không thể nào chặn được hết. Tuy nhiên, chúng ta sẽ hạn chế được đến mức thấp nhất các thông tin độc hại của Internet.
Sau đó, Thường trực Bộ Chính trị đã đồng ý cho mở Internet và chúng tôi sang thuyết phục Chính phủ. Cả 4 anh em chúng tôi đến nhà riêng Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng đã đồng ý cho mở Internet. Tuy nhiên, khi chúng tôi ra về, Thủ tướng vỗ vai tôi nói: “Các cậu làm thế nào thì làm nhưng đừng để đến khi phải đóng lại thì không biết phải nói ra sao với thế giới”, ông Mai Liêm Trực kể lại.
Nhớ lại những ngày đầu thuyết phục cho mở Internet, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh – một trong 10 người được giới truyền thông đánh giá có công lớn nhất để đưa Internet vào Việt Nam – chia sẻ, chuyện thuyết phục trong nội bộ trước khi quyết định mở Internet cũng đầy khó khăn bởi có nhiều luồng thông tin khác nhau. Thời đó, mở Internet ở nước ta có khó khăn về trình độ công nghệ, nhưng điều khó nhất là làm sao giải trình rõ và thuyết phục được các cơ quan có trách nhiệm về những lợi ích to lớn của Internet cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và khả năng quản lý được hoạt động của Internet.
Ngay cả khi Chính phủ đã quyết định cho mở Internet rồi thì việc mở cũng rất thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thậm chí Quy chế tạm thời về quản lý, thiết lập, sử dụng mạng Internet ở Việt Nam kèm theo Nghị định ban hành ngày 21/3/1997 còn quy định “Các mạng thông tin máy tính và các cơ sở dữ liệu của các cơ quan Đảng, Chính phủ, An ninh Quốc phòng không được đấu nối với mạng Internet”.
Rất mừng, các nhà khoa học của Việt Nam, nhiều cơ quan thông tin đại chúng đã nhận thấy sức mạnh của Internet nên tích cực ủng hộ và thúc đẩy để mở Internet. “Tôi đánh giá việc Nhà nước ta cho mở Internet lúc đó là thể hiện tư duy đổi mới của lãnh đạo Đảng, Chính phủ lúc bấy giờ và cũng là kết quả rõ rệt của công cuộc đổi mới”, ông Nguyễn Khánh nói.
“Tôi không bao giờ quên hôm đó là ngày 19/11/1997, Internet chính thức được mở tại Việt Nam, tâm trạng tôi lúc đó rất mừng vì cả một thời cơ lớn đã không bị mất đi và đất nước từ nay đã có phương tiện để thay đổi. Khi tổ chức họp báo với các hãng thông tấn nước ngoài, tôi hứng khởi nói bằng tiếng Anh để khi các hãng này phát ra trên thế giới không bị “tam sao thất bản” do phải dịch từ tiếng Việt”, ông Mai Liêm Trực kể.
Thế nhưng ngay khi chúng ta mở thì Nghị định 21 vẫn bó buộc Internet phát triển để rồi 3 năm sau đó chúng ta ra Nghị định 55 để “cởi trói” cho Internet. Khi mở Internet năm 1997, không chỉ có Nghị định 21 mà đã có văn bản của cấp cao chỉ đạo “quản đến đâu mở đến đấy”.
Lúc đó chúng tôi biết rằng, Nghị định 21 có nhiều điểm không ổn để cho Internet phát triển. Ngay từ đầu, Tổng cục Bưu điện đã thấy rằng, cần phải thay đổi Nghị định này, bởi nếu giữ tư duy “quản” theo kịp với “mở” là phi biện chứng và hạn chế sự phát triển. Việc quản lý phải theo kịp với phát triển là đúng với các ngành chứ không riêng gì Internet. Thế nhưng, việc thuyết phục để chuyển sang tư duy “quản” phải theo kịp với “mở” rất khó khăn nên việc thuyết phục chuyển từ Nghị định 21 sang Nghị định 55 là chuyện không dễ dàng. Ngay cả khi chúng ta mở Internet rồi thì trong nhận thức vẫn còn quá nhiều lo ngại. Lúc đó vấn đề mở đại lý Internet cũng bị hạn chế. Ngay cả VNPT muốn mở đại lý Internet cũng không được”, ông Mai Liêm Trực nói.
Nguyên Tổng cục trưởng Mai Liêm Trực cho rằng, bài học đầu tiên là luôn đổi mới tư duy đối với các lĩnh vực, đặc biệt là Internet, bởi đây là lĩnh vực phát triển rất nhanh. Nếu chúng ta cứ hài lòng với sự thành công mà không đổi mới tư duy thì sẽ không phát triển được Internet. Xu hướng xã hội ngày càng dân chủ, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa mạnh mẽ hơn. Internet là sự gắn kết giữa công nghệ dịch vụ và nội dung nên không đổi mới tư duy sẽ không thúc đẩy Internet phát triển.