Chiếc ví da đặc biệt của nhà báo Văn Hào
Năm đầu tiên tác nghiệp ở Paris, tôi được cảnh báo về tài ăn cắp của giới móc túi xứ trời Âu. Chưa tin, tôi quyết định vi hành một chuyến để kiểm nghiệm. Tôi mặc chiếc áo có túi ngực cài fermetur chắc chắn để bảo vệ chiếc phong bì bên trong là những đồng đô la vẽ bằng giấy học trò.
Thế rồi tôi xuống phố đi lên đồi Mông Mác nơi nổi danh nhất về tài móc túi của dân “rệp”, (người định cư da đen ở Pháp). Tôi hồ hởi vừa đi vừa hoà vào dòng người như nêm leo lên khu vực chân tháp nhưng không quên nhiệm vụ bảo vệ chiếc phong bì trong túi áo ngực.
Vừa tới nơi, tôi thò tay lên ngực, chiếc phong bì đựng tiền đô vẽ không cánh mà bay. Tôi ngỡ ngàng vì không hiểu, kẻ móc túi đã kéo Fermetur từ lúc nào và kéo như thế nào mà giỏi thế. Tôi mỉm cười vì biết khi tên ăn cắp mở phong bì sẽ chỉ thấy những đồng đô la vẽ với tờ giấy có ghi dòng chữ “Đả đảo những tên móc túi ở Pari”.
Tội phạm hoạt động hết sức tinh vi.
Hôm nhận được giấy mời của Tổng thống Giắc Chi Rắc đến vườn thượng uyển dự tiệc chiêu đãi nhân ngày Quốc khánh nước Cộng hoà Pháp, nhà báo Văn Hào (TTXVN) rủ tôi đi tìm đường trước để chuẩn bị chu đáo cho ngày dự lễ. Tôi kể chuyện mất cắp của tôi cho Văn Hào nghe và nhắc Văn Hào nhớ để giấy tờ cẩn thận. Nghe lời tôi, Văn Hào mặc thêm chiếc áo khoác kéo fermetur đến tận cổ che lấp chiếc áo trong đựng ví thường ngày.
Lên tàu điện ngầm đi về hướng dinh Tổng thống, chúng tôi bị xô đẩy trong biển người chật cứng. Đứng trước Văn Hào là cô gái đẫy đà, mặc chiếc áo hở gần như toàn phần, phơi bộ ngực trắng hồng rất hấp dẫn. Mỗi lần tàu phanh gấp, bộ ngực ấy gần như dính vào Văn Hào.
Đến lần phanh gấp thứ ba, cô gái mất thăng bằng vội đưa hai tay ôm lấy Văn Hào. Theo quán tính, Văn Hào đưa tay giữ cô gái lại nhưng bộ ngực cô gái cứ như dính vào Văn Hào khiến cho Văn Hào không dám nhìn xuống. Đúng lúc ấy, tàu dừng. Cô gái mỉm cười đưa ngón tay trỏ lên môi mỉm cười nhìn Văn Hào từ biệt rồi nhanh chóng xuống tàu.
Đúng lúc đó, người đàn ông đứng cạnh Văn Hào ghé tai nói nhỏ: “Anh xem có mất gì không?”. Văn Hào đưa tay lên ngực áo. Anh hốt hoảng vì không biết ai đã kéo Fermetur áo của anh xuống để lấy đi chiếc ví bên trong có ít tiền, thẻ nhà báo và giấy mời của Tổng thống Giắc Chi Rắc. Nhưng anh và tôi không kịp xuống ga vì tàu đã chạy. Chúng tôi phải xuống bến sau và nhanh chóng đến báo với bộ phận cảnh sát trực gần đó.
Sáng hôm sau ngủ dậy, theo thông lệ tôi ra mé cổng tập thể dục. Tôi gặp ngay chiếc ví ở lối đi. Tôi lớn tiếng gọi: “Văn Hào ơi ra đây nhanh lên”. Văn Hào xuất hiện vẻ hốt hoảng: “Có gì vậy An”. Tôi chỉ xuống lối đi. Văn Hào ào tới, nhặt chiếc ví lên và reo to: “Ôi chiếc ví của tôi”.
Rồi Văn Hào mở ví. Có tờ thiếp mời, có thẻ nhà báo nhưng không có tiền. Văn Hào tự bạch: “Bọn ăn cắp này thế mà có tâm”. Tôi dựng cả tóc gáy: “Ông khen bọn ăn cắp có tâm à?”. Văn Hào cười: “Với mình, tờ giấy mời của Tổng thống Chi Rắc và tấm thẻ nhà báo quí hơn tiền nhiều lắm”. Tôi thoáng nghĩ “có lẽ nhờ tấm thiếp mời ấy mà bọn chôm chỉa đã chạnh lòng nên đem trả lại cho nhà báo đó thôi”.
Nhà báo, đại tá công an Nguyễn Như Phong bị xô ngã với ví tiền
Nhà báo nổi tiếng của tờ Báo An ninh thế giới Nguyễn Như Phong sang Paris viết tin về giải bóng đá France 98. Anh đến gặp tôi trao thư và quà của Tổng biên tập Hữu Ước với lời gửi gắm giúp anh Phong hoàn thành nhiệm vụ.
Anh Như Phong nói qua về dự định hoạt động của mình trong đó có kế hoạch gặp phỏng vấn bộ phận cảnh sát bảo vệ giải đấu. Với những công việc do anh Như Phong đề xuất, tôi biết bản thân không thể trực tiếp giúp anh được nên nhờ cháu Phương,- thực tập sinh vừa rất giỏi tiếng Pháp, vừa tháo vát – đứng ra thay tôi giúp anh Như Phong thực hiện nhiệm vụ.
Công việc hoàn thành một cách mỹ mãn, anh gọi điện để đến thăm tôi. Lúc đó tôi đang ngồi uống bia cùng nhà báo Văn Hào, Đỗ Hưng và một số bạn ở quán đối diện với cổng vào vườn hoa Luých Xăm Bua, tôi nói địa chỉ để anh đến.
Đây là quán bia có một không hai ở Pari. Ngồi ở quán này, khách hàng cứ việc thoả sức ngắm nhìn dòng du khách trong đó có một rừng cô gái xinh đẹp, ăn diện theo mốt khoả thân (chỉ trừ ba điểm nhỏ xíu bằng đồng tiền ở những nơi tế nhị) tấp nập ra vào như trẩy hội. Nhà báo Như Phong đến. Anh trố mắt ngạc nhiên và giương máy ảnh bấm lia lịa. Hình như đã chụp được những tấm ảnh ưng ý, anh vui vẻ tuyên bố: “Hôm nay trúng quả đậm, tôi xin phép được chiêu đãi các anh”.
Nạn móc túi, giật túi xách, đồ giá trị tại nhiều điểm du lịch gia tăng khiến khách du lịch bức xúc, hoang mang. Ảnh minh họa.
Tan cuộc vui, anh Như Phong mở chiếc ví dày cộp rút ra một tập tiền loại 100 frant để thanh toán. Tôi vội đứng lên che chắn và nói nhỏ: “Anh cất ngay ví đi kẻo bọn chôm chỉa nó thấy thì nguy đấy”. Chờ cho nhà báo Như Phong cất xong ví, tôi dặn thêm: “Anh nhớ phải rất cẩn thận vì nạn ăn cắp ở Pari diễn ra mọi nơi, mọi lúc và vô cùng tinh xảo”.
Rồi chúng tôi chia tay. Chúng tôi về trụ sở phân xã ở ngay cạnh vườn hoa Luých Xăm Bua. Nhà báo Như phong đi bộ về khách sạn cách chúng tôi khoảng hơn một cây số. Chưa kịp viết xong bản tin chiều, nhà báo Như Phong ấn chuông xin vào. Tôi mở cửa. Nhà báo Như Phong nói ngay: “Tôi bị trấn lột, mất hết tiền rồi các anh ạ”.
Trưởng phân xã Văn Hào mời vào và nhẹ nhàng hỏi: “Anh nói cụ thể xem nào”. Nhà báo Như Phong kể: “Chia tay các anh, tôi đi bộ về nơi nghỉ. Đến ngã ba lối rẽ vào khách sạn, một tốp ba thanh niên lực lưỡng đuổi nhau. Một tên xô thẳng vào tôi làm tôi ngã sóng soài xuống đường. Hai tên đuổi theo ngã dúi vào tôi khiến tôi đau nhói. Đến khi đứng dậy được, chiếc ví của tôi đã bị mất. May là chiếc máy ảnh của tôi vẫn còn. Đúng là kiểu ăn cắp trắng trợn có một không hai trên quả đất này”.
Ông trùm hoa hậu, Tổng biên tập báo Tiền Phong Dương Kỳ Anh… với tờ đô 100 USD
Người khởi xướng các cuộc thi Hoa hậu báo Tiền phong, nhà báo, Tổng biên tập Dương Kỳ Anh sang Pháp, đến phân xã chơi. Anh nói ở Việt Nam, anh có đọc bài báo tôi viết về chiếc ghế đá mà ngày trước nhà văn Anatone france đã ngồi ngắm lá vàng rơi trong vườn hoa Luých Xăm Bua. Anh muốn tôi đưa anh đến đó. Tôi vui vẻ nhận lời và đưa anh đi.
Chỉ mất khoảng dăm phút đi bộ, tôi đã dẫn anh đến chiếc ghế đá nổi tiếng. Anh đứng lặng đi ít phút. Hình như chiếc ghế đá nhìn bên ngoài không có gì đặc biệt ấy nhưng đã giấu bên trong những kỷ niệm linh thiêng của một nhà văn vĩ đại đã chạm vào trái tim rung cảm của nhà thơ. Anh lặng lẽ ngồi xuống chiếc ghế đá và xúc động đọc lại áng văn bất hủ:
“…Từng chiếc lá rơi, từng chiếc, từng chiếc, đậu khẽ trên vai của những pho tượng trắng”…
Rồi anh đứng lên nói với tôi: “Cảm ơn An nhiều. Mình biết An bận. Minh tự đi xuống phố được. Chiều mình về”. Tôi nói: “Anh gửi lại giấy tờ, tiền và những thứ có giá trị lại, tôi giữ cho. Bọn ăn cắp ở Pari ghê lắm”. Anh cười: “Mình biết rồi. Mình chỉ đem theo tờ 100 đô dự phòng để túi trong chiếc áo com lê. An yên tâm đi”.
Đến chiều về, nhà báo Dương Kỳ Anh nhún vai lắc đầu: “Anh An ạ, tôi không biết bọn ăn cắp lấy của tôi lúc nào và lấy như thế nào. Bây giờ cởi áo ra, tôi không thấy tờ đô la nữa. – Anh cười ý nhị – Bọn ăn cắp Pari giỏi thật. Tiên sư bọn ăn cắp Pari”. Tôi cũng cười: “Nếu cụ Nam Cao sang đây, chắc cụ sẽ đến bắt tay nhà báo Dương Kỳ Anh tấm tắc: “Anh khen hay quá, giống anh giáo nhà tôi ngày trước””.
NGUYỄN ĐĂNG AN