Một thực tế là bất cứ người ngoại quốc nào tới Nhật Bản cũng đều tự nhận thấy, rằng cuộc chiến chống tội phạm ở đây đã đạt được những thành tích phi thường.
Ví như trong một đô thị khổng lồ hơn 10 triệu dân như thủ đô Tokyo, người ta có thể yên tâm dạo phố dưới những con đường – mà hệ thống chiếu sáng công cộng chợt hỏng – cho tới nửa đêm; còn ở các khu công viên và vườn hoa, vào buổi tối không phải là nơi tụ tập những băng nhóm tội phạm như ở nhiều quốc gia khác, mà đó chỉ là chốn quy tụ của những người vô gia cư ngủ trên các tờ báo cũ trải rộng, đang ngồi chuyện trò tán gẫu với giọng nhỏ nhẹ bên đống thức ăn vừa xin được trong ngày…
Không ai cảm thấy nỗi sợ hãi có thể bị tấn công bất ngờ ngay tại khu vực nguy hiểm nhất Tokyo là Sany’a – khu phố của những kẻ nghèo khó và nằm dưới sự “quản lý” của các băng nhóm tội phạm có tổ chức.
Đương nhiên, không nên tô vẽ về một “thiên đường Nhật Bản”, nơi không biết đến nạn tội ác – một trong những “đại dịch” của nền văn minh. Chính tại đây là hang ổ của băng mafia khổng lồ Yakuza, rồi những băng cướp trẻ tuổi song hành với màng lưới bán lẻ thuốc phiện lậu và cả nạn mãi dâm phi pháp nữa.
Còn người Nhật thì công khai phản đối những lời ca thán về sự “thờ ơ” của nhà nước, khiến nạn tội phạm ngày một nảy nở: người thì viện ra thứ đạo luật nghiêm cấm việc buôn bán và tàng trữ vũ khí; những người khác lại thích đi sâu vào những “ngóc ngách tâm lý” của dân Nhật, chứng minh những “khuôn phép bẩm sinh” trong việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình – tuy rằng đất nước này đã trải qua những giai đoạn lịch sử đẫm máu, với những chế độ tàn bạo cùng nạn tội ác lộng hành.
Nhưng ai cũng đồng nhất với quan điểm, rằng các nguyên nhân khiến tỷ lệ tội phạm thấp cần phải được tìm trước hết trong hệ thống năng động và hữu hiệu về quản lý trật tự xã hội, tương ứng với bản chất dân tộc căn bản theo truyền thống của xứ Phù Tang.
Ngay từ cuối thế kỷ XVII ở Nhật đã thiết lập một màng lưới kiểm soát dân chúng rộng lớn, bao gồm các lực lượng như cảnh sát, Viện Công tố, Tòa án dân sự, đội quân “chỉ điểm” khổng lồ, nhân viên công lực “chìm”, cũng như đội ngũ hình sự viên chuyên nghiệp. Hệ thống này đã sụp đổ vào tháng 8/1945, song hành với sự đầu hàng vô điều kiện của quân đội Thiên triều trong Thế chiến II.
Các Hội đồng thôn xã ở Nhật Bản luôn có những đại diện của người già, vị Hiệu trưởng trường học địa phương và viên cảnh sát quản lý địa bàn – mà cho đến nay người ta vẫn quen gọi là “Tiwjhai San”, có nghĩa là “ngài Chủ tịch”.
Theo nhà nghiên cứu hình sự học nổi tiếng người Mỹ Wolter Ames, thì các “Hội đồng trật tự” vùng nông thôn Nhật thực ra hoạt động theo phương pháp “hiệu ứng nhà kính”. Bởi các thành viên đều là những người được trọng vọng trong xã hội, và chính điều này đã bảo đảm sự phục tùng của dân chúng, cũng như sự sẵn sàng hợp tác của họ với các Hội đồng.
Tại nhà của Tiwjhai San luôn xuất hiện các cư dân địa phương, vì người ta đã quen coi ông này là “vị đại diện tối cao cho công lực”. Nhưng một khi số người sống ở các vùng thôn quê Nhật ngày càng giảm đi thì đương nhiên con số các ngài Chủ tịch cũng giảm theo.
Đồng thời cũng xuất hiện một thực trạng phổ biến mà đâu đâu cũng thấy là các “Koban – Trạm kiểm soát”, hay “Tế bào nhỏ nhất và căn bản nhất” theo lời W.Ames trong hệ thống cảnh sát quy mô của nước Nhật, một biến thể của “hiệu ứng nhà kính” trong lòng các đô thị lớn.
Một Koban tại quận Ginza sầm uất giữa trung tâm Tokyo.
Nhưng Koban có nghĩa là gì? Ví như với người dân Tokyo thì đó là một trong những địa điểm quan trọng nhất. Khi chỉ đường cho bạn, ai cũng thêm vào cái câu “đối diện với Koban của chúng tôi ấy”, hoặc “gần Koban thôi mà”… Còn với các bà mẹ thì đó là mục tiêu để răn đe đám trẻ hư: “Mẹ sẽ kể chuyện về con tại Koban!”.
Các bốt cảnh sát được dựng trước tiên tại các cơ sở kỹ nghệ, nhằm ngăn cản sự tấn công – ăn cướp của bọn du đãng, cũng như răn đe sự bất bình trong giới công nhân. Kế đến, các chính quyền địa phương bắt đầu chi tiền cho việc thiết lập một cách đại trà các “Trạm kiểm soát” trên khắp xứ Phù Tang, với khoảng 20.000 trạm như vậy.
Ở trung tâm thủ đô Tokyo cũng như tại các tỉnh lị heo hút nhất, người ta luôn có thể mục kích một bốt cảnh sát điển hình với dòng chữ “Trạm kiểm soát thường trực”. Ngoài các nhiệm vụ cần thực thi như ở các quốc gia khác, cảnh sát cũng sẵn lòng cung cấp chỉ và kim khâu miễn phí cho bạn – nếu được yêu cầu bất chợt.
Tại các Koban kề ga tàu đện ngầm thường có những “Điểm tài chính”, nơi bất cứ người Nhật lơ đãng nào cũng có thể mượn vài đồng xu mua vé tàu vì quên ví ở nhà. Báo giới Nhật Bản đều thống nhất với nhận định, rằng hơn 70% các trường hợp này đều trả tiền sòng phẳng lại cho cảnh sát.
Theo quy định của Bộ Nội vụ Nhật Bản, mỗi Koban kiểm soát một khu vực bao gồm từ 300-500 hộ gia đình. Những cảnh sát viên trong các Koban có nghĩa vụ tiếp đón bất cứ ai vì bất cứ lý do gì, bằng mọi giá phải chiếm được lòng tin của mọi người. Đây được coi là yếu tố then chốt trong việc duy trì hệ thống quản lý trật tự xã hội.
Trong tiếng Nhật cảnh sát được gọi là “Omavari San”, nghĩa là “Quý ngài hay đi đó đi đây”. Hơn 40% lực lượng cảnh sát trong biên chế ở Nhật thường xuyên đi tuần tra ngoài đường. Họ thường đi bộ hoặc xe đạp, vì ở Tokyo cũng như tại các thành phố lớn khác việc đi lại bằng xe hơi rất khó khăn, ách tắc. Chỉ có 13% các đường phố ở Nhật là đường rộng với 2 chiều xe chạy. Những phần còn lại chủ yếu là đường nhỏ và cắt chéo nhau như bàn cờ.
Trong khi mưa to gió lớn hay lúc nửa đêm, ngày lễ hay ngày thường, vào bất cứ lúc nào bạn cũng có thể gặp một viên cảnh sát nào đó đang đi tuần quanh khu vực anh ta phụ trách. Họ thường đeo quanh mình máy bộ đàm, đèn pin, còng số 8, cộng thêm 10m dây nhỏ có thể giữ trọng lượng tương đương với cơ thể một người. Vũ khí chủ yếu của các Omavari San là khẩu súng lục 38 ly, thường được dùng trong những trường hợp hãn hữu.
Rất nhiều người trong số các Tiwjhai San ở tỉnh thường xuyên dạy võ tự vệ cho học sinh các lớp trên – thuộc lực lượng giữ gìn trật tự không chuyên trách trong vùng. Nhưng lôi cuốn dân chúng hơn cả là địa điểm tư vấn về các vấn đề khó giải quyết, tọa lạc trong các Koban để cung cấp cho mọi người các dịch vụ pháp lý miễn phí.
Trong bất cứ đồn cảnh sát cấp phường nào cũng có một viên sĩ quan đã tốt nghiệp đại học luật, chuyên nhiệm phụ trách công tác trợ giúp pháp lý cho dân chúng. Theo các con số thống kê thì cảnh sát thường đáp ứng 300.000 cuộc tư vấn pháp luật mỗi năm, cũng như tham gia tình nguyện vào các vụ việc phức tạp.
Luật pháp chỉ cho phép nhân viên cảnh sát được “hỏi cung” mọi người trong trường hợp có nghi vấn thực sự, hoặc khả năng có được nguồn tin thiết yếu. Nhưng như người Nhật thường nói, đó chỉ là hình thức bề ngoài mà thôi, trong thực tế các cảnh sát đang tuần tra có thể chặn bất cứ ai lại để thẩm vấn nếu thấy cần thiết.
Việc tiếp xúc thường xuyên với mọi người đã đem lại những kết quả khả quan: có tới 40% những kẻ tội phạm đang bị truy nã ở Nhật Bản là do chính lực lượng thuộc các Koban tìm ra.
Cảnh sát Nhật được học các cách thẩm vấn tế nhị, kiên trì và mềm mỏng để không làm người đối thoại lo sợ hoảng hốt. Đồng thời theo Tiêu lệnh, họ cũng không được bỏ lỡ cơ hội càng thẩm vấn được nhiều người càng tốt, với những lý do thích đáng nhằm duy trì an ninh trật tự chung.
Quang Phú