Tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tư pháp có thể xảy ra trong từng hoạt động tư pháp, gây bất ổn xã hội, làm xói mòn niềm tin vào công lý.
Cần xây dựng Tòa án để “đạn “bọc đường” không…. xuyên thủng
Phiên họp Quốc hội vừa qua, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đề cập về tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để đề “phòng” vấn nạn tham nhũng thay vì “chống”?
Tham nhũng là hiện tượng phổ biến mang tính toàn cầu, xảy ra ở khắp mọi nơi, mọi Quốc gia, dân tộc.
Phòng, chống tham nhũng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, Quốc tế và thế giới, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập.
Tham nhũng ở Việt Nam biểu hiện phức tạp, đa dạng, xảy ra ở nhiều lĩnh vực. Hậu quả của tham nhũng làm nghèo đất nước, xói mòn niềm tin của người dân vào cán cân công lý.
Luật sư Phạm Thanh Tuấn.
Là Luật sư từng tư vấn, tranh tụng tại nhiều phiên tòa, LS Phạm Thanh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Việt in cho rằng: “Tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tư pháp không những ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp mà còn làm giảm lòng tin của người dân”.
Vì cơ quan tư pháp là hiện thân của công lý, khi để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp thì người dân sẽ hoài nghi về công lý, công bằng. Điều quan trọng hơn cả đó là, khi công lý không được thực thi, thì bạo lực dễ lên ngôi.
“Điều đó thêm một lần nữa khẳng định, tham nhũng trong lĩnh vực nào cũng nguy hiểm, nhưng trong lĩnh vực tư pháp thì cấp độ của nó là cực kỳ nguy hiểm” – LS Tuấn nhận định.
Luận bàn về giải pháp trong phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp, LS Tuấn thẳng thắn nêu quan điểm, “có thực mới vực được đạo”.
Trên thực tế, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ tư pháp hiện nay chưa thực sự được quan tâm, chưa thỏa đáng với những gì mà họ đang gánh trên vai trọng trách.
Để góp phần vào việc phòng hơn chống giặc tham nhũng, cần xây dựng Tòa án có “công năng” chịu được những viên đạn “bọc đường”, thực thi nghiêm túc quyền lợi đi đôi với trách nhiệm.
“Đảng và Nhà nước cũng cần quan tâm tới “phòng” tham nhũng hơn là “chống” tham nhũng. Bởi lẽ khi “chống” tức là đã có hành vi tham nhũng rồi. Do đó, cần phòng trước, không để tội phạm tham nhũng có cơ hội phạm tội”, LS Tuấn nêu quan điểm.
Cần công khai minh bạch các Quyết định của Tòa, Viện, Công an
ĐBQH Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Liên Đoàn LS Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Phapluatplus.vn về giải pháp góp phần phòng chống và đấu tranh với tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp, ĐBQH Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, trong lĩnh vực tư pháp, các cơ quan tư pháp đã nỗ lực phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Cụ thể, như kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai và xác minh tài sản.
Tuy nhiên, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tư pháp vẫn là một điều phức tạp chưa thể giải quyết triệt để.
Trên thực tế, trong hoạt động dân sự, hành vi tiêu cực, tham nhũng có thể xuất hiện trong việc tiếp nhận đơn khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, thu thập chứng cứ và xét xử vụ án. Áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, áp dụng pháp luật nội dung khi giải quyết vụ việc dân sự, kinh tế.
Giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tư pháp cần đồng bộ với công tác phòng chống tham nhũng nói chung do Đảng và Nhà nước đang tiến hành, trong đó tập trung vào việc nâng cao chế độ đãi ngộ vật chất với những người làm tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Cơ quan tố tụng, hoàn thiện các khe hở về quy trình tố tụng dễ phát sinh tiêu cực.
Đặc biệt, việc tăng cường minh bạch, công khai các quyết định của Cơ quan tư pháp như các bản án, quyết định của Tòa án, Bản cáo trạng của Viện kiểm sát hay kết luận điều tra của Cơ quan điều tra…sẽ góp phần công khai thông tin giúp người dân có thể tiếp cận và giám sát các hoạt động của Cơ quan tư pháp, hạn chế các tiêu cực có thể phát sinh.
Theo Ly Ly (PL+)