Ông đã vẽ khoảng chừng 300 bức tranh chân dung Văn Dương Thành. Bà hiện cũng là người vẽ nhiều tranh chân dung danh họa nhất.
– Thưa họa sĩ Văn Dương Thành, được biết bà gặp danh họa Bùi Xuân Phải từ khi còn là một sinh viên trường mỹ thuật và sau đó trở thành một người bạn của cả gia đình họa sĩ. Vậy kỷ niệm nào với Bùi Xuân Phái khiến bà nhớ nhất?
+ Câu hỏi của bạn làm tôi nhớ đến ngôi nhà số 87 phố Thuốc Bắc rất đồ sộ trong thời Pháp do bố của họa sĩ Bùi Xuân Phái xây dựng và anh của ông là kiến trúc sư thiết kế. Tuy nhiên khi tôi có duyên lành được biết đến gia đình ông bà thì căn nhà đó đã được bán đi, cả gia đình 7 người chỉ sống trong một căn phòng nhỏ chừng 20m².
Ngõ đi vào đã được ngăn lại, có một vòi nước cũ gỉ sét nhỏ lách tách suốt ngày đêm. Qua mảnh sân bé thì đến căn phòng của ông bà. Trong phòng có kê một chiếc giường để bà tiêm thuốc cho người đến tiêm. Tôi rất thích căn phòng nhỏ hẹp này, có khi hàng chục người ngồi chờ tiêm thuốc cùng với những tên tuổi lớn nhất của nền văn học, hội họa Việt Nam cũng có mặt ngồi uống trà bên góc phải.
Đó là những người bạn của ông như Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên… Trong không gian sống chật chội đó, nơi mà danh họa ngồi vẽ chỉ khoảng 1m², gồm một cái bàn trà nhỏ và một cái ghế cũ kỹ.
Ông ngồi đây và vẽ những con phố Hà Nội cổ xưa cho đến những bông hoa vừa mới hái trong khi tất cả bạn bè quen thân, kể cả những người bệnh nhân đến tiêm thuốc đang ngồi lố nhố trước mặt.
Khi đó những người này không hề biết rằng ngôi nhà rồi sẽ trở thành một địa chỉ lịch sử của Hà Nội và người đàn ông gầy gò xanh xao kia chính là một danh họa của đất Việt. Những bức tranh ông vẽ trong những ngày tháng đó, sau này được triển lãm tại Viện Bảo tàng Louvre 1999 (Paris), sau khi ông qua đời.
– Trong cảm nhận của bà, danh họa Bùi Xuân Phái là người như thế nào?
+ Ông Phái là một người chồng hết mực thương yêu vợ, một người cha rất hiền từ với các con và một người bạn chân thành đối với tất cả mọi người xung quanh. Ở ông không có sự phân biệt giàu nghèo hay chức vụ to nhỏ.
Có lần một vị khách ở Trung ương đến thăm nhưng nhà chỉ có một chiếc ghế mà anh Nguyễn Bách một người đến trước đang ngồi. Anh Bách vội đứng dậy nhường ghế, nhưng ông Phái nói: “Không, mời anh cứ ngồi chơi”.
Bà Sính (vợ của danh họa Bùi Xuân Phái) là người phụ nữ Hà Nội rất đảm đang, thanh lịch, nhẹ nhàng. Bao nhiêu khó khăn sóng gió trong cuộc đời đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của bà nhưng bà luôn vui tươi, luôn nhẹ nhõm.
Bà cũng hết sức chiều chồng, rất nhiệt tình với bạn chồng và luôn khéo tay làm những món ăn để đãi bạn chồng. Phải nói rằng cuộc đời và sự nghiệp của ông nhờ rất nhiều vào bà Sính. Chính bà là người đã nâng niu chăm sóc ông để ông có hơn 2.000 tác phẩm để lại cho chúng ta.
– Thời đó bà thường ngồi làm mẫu cho họa sĩ vẽ ra sao?
+ Gọi là người mẫu của Bùi Xuân Phái nhưng không có nghĩa là tôi thường xuyên ngồi làm mẫu để ông vẽ, vì phần lớn những bức tranh ông vẽ tôi là tưởng tượng. Kể cả khi tôi không sống ở Việt Nam nhiều năm, thì những bức tranh ông vẽ Văn Dương Thành vẫn tiếp tục ra đời.
Cũng giống như Picasso, không phải phụ thuộc vào người mẫu, cũng ít khi cần phải có một người ngồi làm mẫu, nhất là những người bạn tâm giao ông đã thuộc tính cách nhiều năm, thì gần như không cần phải ngồi mẫu.
Không chỉ vẽ tôi, ông Phái vẽ tất cả mọi người quanh ông, từ các người bạn văn, các họa sĩ, nhà nhiếp ảnh, cho đến những người bệnh nhân đến tiêm thuốc ở nhà ông. Ông vẽ cả những người bán hàng rong mà ông đã mua những tấm bìa các-tông từ thúng hàng của họ, và những bức tranh trở nên bất hủ sau này.
– Bà đã vẽ rất nhiều bức tranh chân dung danh họa Bùi Xuân Phái, liệu bà có định làm triển lãm?
+ Tôi đã vẽ khoảng 100 bức chân dung danh họa và tôi dự định sẽ tổ chức một cuộc triển lãm tranh trong năm nay 2020 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của danh họa. Cùng với đó là xuất bản một cuốn sách trong đó có khoảng 100 bức ký họa và hơn một chục bức sơn dầu danh họa đã vẽ Văn Dương Thành, trên các chất liệu phấn màu, màu nước, bột màu, sơn dầu…
– Điều gì ở danh họa Bùi Xuân Phái khiến bà ngưỡng mộ?
+ Họa sĩ Bùi Xuân Phái là người Hà Nội gốc, một người rất thanh nhã, nói tiếng Pháp giỏi và vẽ rất đẹp. Ông vô cùng hiền hậu và lịch lãm. Làm nghệ thuật nhưng ông cũng cùng vợ gánh vác một gánh nặng gia đình trong thời kỳ bao cấp và chiến tranh hết sức vất vả.
Đối với tôi ông mãi là một người thầy. Thái độ sống, lý tưởng hội họa và tâm hồn cao đẹp nhân ái của ông sẽ mãi mãi tỏa sáng và giúp tôi trên đường đời cũng như trong công việc sáng tác cho tới nay đã 32 năm ngày ông qua đời. Đó là những di sản tinh thần vô giá của tôi.
– Ngoài những bức tranh chân dung danh họa Bùi Xuân Phái vẽ, chị còn giữ những kỷ vật gì của ông?
+ Năm1988, hai năm sau ngày ông mất, khi đến thăm bà Phái, tôi đã được bà trao cho 2 kỷ vật. Đó là một chiếc tẩu thuốc bằng gỗ, vẫn còn những tàn thuốc chưa cháy hết và trên tẩu có khắc một khuôn mặt gầy gò, kỳ lạ thay khuôn mặt đó giống hệt ông Phái.
Kỷ vật thứ hai là một chiếc kính viễn của Đức loại rất nhỏ do bà mua cho ông 20 năm trước và ông vẫn dùng cho đến khi qua đời. Bà Phái nói, rất nhiều người sưu tập muốn xin kỷ vật này nhưng bà không đồng ý, bà bảo những kỷ vật này là của họa sĩ Văn Dương Thành. Đó là những kỷ vật vô giá đối với tôi.
– Được biết bà là người kết nối để có một cuộc triển lãm tranh của danh họa Bùi Xuân Phái tại Thụy Điển năm 2000. Cụ thể về cuộc triển lãm đó như thế nào?
+ Đó là thời điểm kỷ niệm 12 năm ngày mất của danh họa Bùi Xuân Phái, Viện Bảo tàng châu Á – Thái Bình Dương, một bảo tàng tầm cỡ quốc gia của Thụy Điển, có ý định tổ chức một triển lãm tranh của ông. Họ kêu gọi những nhà sưu tập ai có tranh của ông thì có thể mang tới để tham gia triển lãm.
Tôi được mời tới để cùng với Ban Tổ chức lựa chọn những bức tranh của Bùi Xuân Phái trưng bày tại triển lãm, đồng thời cũng được tham gia cắt băng khánh thành cuộc triển lãm này. Đó là một cuộc triển lãm rất có tiếng vang dù không có tranh bán, chỉ có tranh của nhà sưu tập. Trước đó, ở Bắc Âu, người ta chưa biết nhiều về hội họa Việt Nam.
Một bức tranh vẽ chân dung Văn Dương Thành của danh họa Bùi Xuân Phái. |
– Bà là họa sĩ châu Á đầu tiên giảng dạy mỹ thuật tại Thụy Điển, và đạt được nhiều thành tựu nghệ thuật tại đất nước này. Nhưng khi đã ở đỉnh cao sự nghiệp, vì sao bà lại quyết định trở về Việt Nam sinh sống?
+ Tôi tu nghiệp rồi giảng dạy và sáng tác ở Bắc Âu hơn 15 năm nhưng mục đích của tôi không phải là để được ở một nước khác. Tôi vẫn muốn về lại với quê mẹ dù sẽ gặp một số khó khăn, nhưng đối với văn nghệ sĩ sống ở nước ngoài hay trên quê hương mình đều là lao động sáng tác. Tôi rất vui vì quyết định này.
– Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Bảo Bình (thực hiện)