Các nhà nghiên cứu ở Anh đã xem xét đột biến của nCoV và phát hiện bằng chứng nó lây lan nhanh chóng, nhưng không thấy bằng chứng nó dễ lây hay có khả năng gây bệnh nặng.
“Virus đang biến đổi, nhưng không có nghĩa là biến đổi theo hướng tệ hơn”, nhà nghiên cứu di truyền học Francois Balloux, Viện Gene, Đại học London, cho biết hôm 6/5.
SARS-CoV-2 (màu xanh, tròn) nổi lên từ bề mặt tế bào nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Ảnh: NIAID-RML
Balloux và đồng nghiệp lấy trình tự bộ gene virus từ cơ sở dữ liệu toàn cầu. Họ xem xét mẫu lấy từ hơn 7.600 bệnh nhân ở nhiều thời điểm và khu vực khác nhau, kết luận nCoV bắt đầu lây cho người từ cuối năm ngoái.
“Điều này loại trừ giả thuyết nCoV xuất hiện từ lâu trước khi được nhận dạng, từ đó lây rộng sang người”, nhóm nghiên cứu của Balloux viết trong báo cáo khoa học công bố trên tạp chí Lây nhiễm, Di truyền và Tiến Hóa.
Phát hiện mới này không phải tin tốt, bởi một số bác sĩ hy vọng nCoV đã xuất hiện từ lâu và âm thầm lây nhiễm cho nhiều người hơn số người được xác nhận, từ đó hình thành hệ quần thể miễn dịch. “Ai cũng từng hy vọng như thế, tôi cũng vậy”, Balloux nói.
Nhưng nghiên cứu mới đã dội nước lạnh vào hy vọng này. Balloux ước tính tối đa chỉ 10% dân số toàn cầu đã phơi nhiễm với virus.
Nhiều nghiên cứu cho thấy nCoV bắt nguồn từ dơi nhưng lây sang một động vật khác trước khi lây cho người. Ca nhiễm ở người đầu tiên được ghi nhận tại Vũ Hán, Trung Quốc, hồi tháng 12/2019.
Virus thường mắc lỗi trong quá trình sao chép và những đột biến này có thể sử dụng như đồng hồ phân tử theo dõi sự biến đổi của nó qua thời gian và địa lý.
“Kết quả của chúng tôi phù hợp với dự đoán và chỉ ra các chuỗi gene có chung tổ tiên vào cuối năm 2019, củng cố lý thuyết đây là giai đoạn nCoV lây sang vật chủ là người”, trích báo cáo.
“Nó chỉ mới xuất hiện thôi”, Balloux nói. “Chúng tôi rất tự tin rằng nó chỉ nhảy sang vật chủ là người từ cuối năm ngoái”.
Nguyên nhân là các mẫu virus được lấy từ mọi nơi trên thế giới cho thấy nhiều đột biến và những đột biến này tương tự nhau. Họ cũng tìm thấy bằng chứng di truyền củng cố giả thuyết virus lây cho người ở châu Âu, Mỹ và những nơi khác từ vài tuần thậm chí vài tháng trước khi ca nhiễm đầu tiên được báo cáo hồi tháng 1 và tháng 2. Việc truy tìm bệnh nhân số 0 ở bất kỳ quốc gia nào là bất khả thi.
“Mọi ý tưởng về truy tìm bệnh nhân số 0 đều vô nghĩa bởi có rất nhiều bệnh nhân số 0”, Balloux giải thích.
Nghiên cứu của nhóm Balloux được nhiều chuyên gia đánh giá trước khi công bố trên tạp chí. Ông cho hay một số báo cáo của những nhóm khác tự công bố trực tuyến có thể không chính xác.
“Mọi loại virus đều biến đổi tự nhiên. Bản thân đột biến không phải điều xấu, không có gì cho thấy nCoV đang biến đổi nhanh hơn hoặc chậm hơn dự kiến. Cho tới nay, chúng ta không thể kết luận nCoV đang gây tử vong và truyền nhiễm nhiều hay ít”, Balloux nói.
Lane Warmbrod, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Y tế Johns Hopkins, người theo dõi những báo cáo di truyền mới về nCoV, cho rằng cần thêm nhiều nghiên cứu ở động vật để chứng minh sự thay đổi gene của nCoV có thể khiến nó gây bệnh hoặc lây nhiễm nhiều hơn hay ít đi.
“Những nghiên cứu này chỉ cho chúng ta biết đột biến của nCoV đang lan rộng hoặc có tính trội hơn, ngoài ra không còn ý nghĩa nào khác. Nó không thực sự cho chúng ta biết chuyện gì đang diễn ra về mặt sinh học”, Warmbrod nói.
Báo cáo về đột biến có thể quan trọng với những các nhà khoa học nghiên cứu về thuốc và vaccine Covid-19. Bởi vaccine cần tìm hiểu những phần virus không đột biến và được bảo tồn theo thời gian.
Nguồn: Hồng Hạnh (vnexpress theo CNN)