Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.
Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định 15/2020 là nó quy định khá cụ thể về trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Tuy vậy, vẫn còn đó một số điều khoản mà người dân có thể hiểu sai trong quá trình thực thi Nghị định 15/2020.
Share link báo trên Facebook không bị xử phạt
Đây là câu hỏi được nhiều người đặt ra khi tiếp cận với Điều 101 của Nghị định 15/2020.
Điểm đ khoản 1 Điều 101 của Nghị định này quy định:
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản ấn phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu.
Nhiều người dân cảm thấy băn khoăn khi không biết trong trường hợp nào việc chia sẻ thông tin trên Facebook sẽ bị xử phạt
Từ trước đến nay, người dân vẫn có thói quen chia sẻ thông tin rên mạng xã hội. Do vậy, quy định mới của Nghị định 15 khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc liệu họ còn có thể share link các bài báo trên Facebook nữa hay không?
Chia sẻ với Pv. VietNamNet, ông Nguyễn Tiến Dũng – Thanh tra viên chính, phòng Thanh tra Viễn thông và CNTT (Bộ TT&TT) cho biết:
“Nếu người dân chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật theo dạng đường link gán lên trên Facebook cá nhân hoặc 1 nền tảng nào đó thì sẽ không có vấn đề gì. Điều này là bởi những người tiếp nhận thông tin trên sẽ tìm đến tác phẩm gốc thông qua đường link được chia sẻ”.
“Lúc này, việc share link bài báo được hiểu như việc chỉ người khác đến “nhà” của tác giả có tác phẩm báo chí đó. Trừ trường hợp “người dẫn đường” lại dẫn người đọc tới các trang phản động hay có nội dung không tốt”, đại diện Thanh tra Bộ TT&TT chia sẻ.
Trong trường hợp người dùng mạng xã hội trích dẫn một phần nội dung bài báo kèm theo đường link cũng tương tự như vậy.
Tuy nhiên, nếu cũng là bài báo đó nhưng người đăng tải copy một lượng lớn thông tin và tự ý chia sẻ nội dung trên trang cá nhân, xem thông tin đó như của mình thì về mặt pháp luật, họ phải xin phép tác giả của tác phẩm báo chí đó trước khi đăng tải lại. Lúc này, họ đã vi phạm Điểm đ khoản 1 Điều 101 của Nghị định 15/2020.
Nghị định 15/2020 quy định khá cụ thể về trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội
Báo đưa tin sai, người share link báo cũng chịu trách nhiệm liên đới
Điều 101 của Nghị định 15/2020 cũng quy định mức xử phạt đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên mạng xã hội.
Quy định này khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu họ có bị xử phạt nếu chia sẻ thông tin của một tờ báo mà không biết đó là thông tin sai sự thật?
Trước thắc mắc này, đại diện Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, với tình huống này, người dân cũng rất dễ rơi vào cảnh tình ngay lý gian khi vô tình đăng tải thông tin sai sự thật.
Cơ quan chức năng sẽ rất khó xác định việc chia sẻ thông tin sai sự thật này là vô tình hay hữu ý. Do đó, người dân nên chủ động gỡ bỏ thông tin nếu phát hiện nội dung thông tin đó là sai sự thật. Trong trường hợp người dân vẫn duy trì việc đăng tải thông tin đó, mặc nhiên coi đó là bình thường thì rất có thể họ sẽ phải làm việc với pháp luật.
Điều này là bởi, nếu người dân biết nội dung trên có vấn đề nhưng vẫn chia sẻ, cơ quan chức năng sẽ hiểu đây là hành động đồng lõa cho sai phạm đó. Lúc này, người dân sẽ là người phải chịu trách nhiệm do đã chia sẻ một thông tin sai sự thật.