Lo sợ sự lớn mạnh bởi tư tưởng cách mạng của C. Mác, sợ bị mất đi lợi ích từ sự độc quyền áp bức, bóc lột giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc trên thế giới, giai cấp tư sản, chủ nghĩa chống cộng luôn ra sức phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế – xã hội của Mác dưới mọi hình thức. Tựu trung, đó là sự phủ nhận tính khách quan của quy luật xã hội, hoặc dựa vào thời cuộc để cao ngạo cho rằng, thực tiễn đã thay đổi nên học thuyết đó đã lỗi thời, không có sức sống trong đời sống nhân loại, v.v. Trái lại, cả lý luận và thực tiễn, lịch sử và hiện tại đều chứng minh sức sống trường tồn vượt thời gian của học thuyết Mác về hình thái kinh tế – xã hội.
C.Mác (1818 – 1883) (ảnh tư liệu)
1. Trên quan điểm duy vật về lịch sử, C.Mác đưa ra phát kiến khoa học về quy luật hình thành phát triển của xã hội loài người
Trước Mác, chủ nghĩa duy tâm thống trị khoa học xã hội. Mọi khoa học đã không thể giải thích một cách thuyết phục vấn đề phân loại, phân kỳ các chế độ xã hội trong đời sống nhân loại, cùng động lực và xu hướng phát triển của nó. Tuy có những giá trị hợp lý, nhưng hầu hết đã dựa trên cơ sở chủ quan, duy tâm chủ nghĩa, hoặc siêu hình, tuyệt đối hóa yếu tố kỹ thuật để phân chia thời đại nên không thấy được động lực phát triển của xã hội.
C.Mác đã áp dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng để xem xét lịch sử phát triển của xã hội loài người và xây dựng nên học thuyết về hình thái kinh tế – xã hội. Học thuyết đó đã luận giải: lịch sử phát triển của xã hội loài người chẳng qua là lịch sử của những sự thay thế nối tiếp nhau của những phương thức sản xuất. Còn nguồn gốc thay đổi của phương thức sản xuất, sự mất đi của hình thái kinh tế – xã hội này và sự ra đời của hình thái kinh tế – xã hội khác chính là do mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất (yếu tố động) và quan hệ sản xuất (yếu tố tương đối tĩnh) quyết định. Trong đó, lực lượng sản xuất là yếu tố quan trọng, quyết định xu hướng và sự thay đổi. Phân tích sâu sắc những yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất, C.Mác chỉ ra rằng: chất của công cụ sản xuất là cái quan trọng nhất, quy định chất của quan hệ sản xuất. Với ý nghĩa đó, lực lượng sản xuất là cái quan trọng nhất, quy định chất của phương thức sản xuất hay một hình thái kinh tế – xã hội xác định trong lịch sử. Từ đó, C.Mác đưa ra kết luận nổi tiếng: “sự phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội là một quá trình lịch sử tự – nhiên”1.
Kết hợp giữa nghiên cứu lý luận với đúc kết đời sống hiện thực, C.Mác đã làm rõ, lịch sử nhân loại đã trải qua 04 hình thái kinh tế – xã hội2. Đặc biệt, ở xã hội tư bản khi xã hội phát triển, mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa cao của lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa với đặc trưng là chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, sự thống trị và bóc lột trong quan hệ tổ chức và phân phối, biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản đại biểu cho lực lượng sản xuất mới, tiến bộ với giai cấp tư sản nắm, củng cố, bảo vệ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã lỗi thời, lạc hậu. Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản nhằm thủ tiêu chủ nghĩa tư bản, xóa bỏ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, xây dựng xã hội mới – xã hội cộng sản chủ nghĩa là phù hợp với quy luật chung như các xã hội trước đây và đưa đến hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa.
2. Giá trị của học thuyết Mác về hình thái kinh tế – xã hội
Đã cung cấp cho nhân loại một thế giới quan duy vật lịch sử về cách nhìn nhận, phân định, đánh giá quy luật vận động, phát triển tất yếu của xã hội loài người. Ph.Ăngghen đã giải thích, xuất phát từ “cái sự thật hiển nhiên,… trước hết con người cần phải ăn, uống, ở và mặc, nghĩa là phải lao động, trước khi có thể đấu tranh giành quyền thống trị, trước khi có thể hoạt động chính trị, tôn giáo, triết học,…”3. Chừng nào cái sự thật hiển nhiên đó vẫn tồn tại trong thế giới này thì quan niệm duy vật về lịch sử không thể lạc hậu. Trên nền thế giới quan này, học thuyết của Mác đã giáng một đòn chí mạng vào mọi quan điểm duy tâm, siêu hình về xã hội; đồng thời, làm sụp đổ những tư tưởng bảo thủ và phản động luôn chủ trương bênh vực và bảo vệ chế độ xã hội người bóc lột người, điển hình nhất là chế độ tư bản chủ nghĩa.
Đã vạch rõ kết cấu cơ bản và phổ biến của mọi xã hội, cùng cơ chế tác động và phát triển xã hội theo những quy luật khách quan về: sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ của lực lượng sản xuất, mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, tính tất yếu của sự hình thành và đặc điểm của các thời kỳ lịch sử, trong đó có cả quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Ở đó, động lực của sự phát triển không phải do một tinh thần thần bí nào, mà do hoạt động thực tiễn – sản xuất vật chất của con người dưới tác động của các quy luật khách quan. Như vậy, chủ nghĩa duy vật biện chứng cung cấp cho khoa học xã hội một tiêu chuẩn hoàn toàn khách quan để khái quát thành khái niệm cơ bản duy nhất là hình thái xã hội.
Trang bị lý luận về tổ chức, kết cấu một mô hình xã hội tương lai – chủ nghĩa cộng sản, cùng con đường, biện pháp cách mạng thực hiện cho các chính đảng cộng sản, nhà nước vô sản trong hoạch định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa. Toàn bộ học thuyết Mác nói chung, học thuyết về hình thái kinh tế – xã hội nói riêng đều là một “học thuyết mở”, theo đúng tinh thần khoa học và cách mạng của nó. Lý luận của C. Mác có tầm nhìn xa, song vẫn bị quy định bởi điều kiện lịch sử cụ thể, nên không thể đòi hỏi Ông phải tiên lượng được hết, suy nghĩ và giải quyết thay cho các thế hệ sau những vấn đề chưa hề đặt ra trong thời đại của Ông. “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”4. Và rằng: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”5.
Dẫu thời cuộc có thay đổi, song đều chứng minh học thuyết Mác về hình thái kinh tế – xã hội vẫn là học thuyết ưu việt nhất, chưa có học thuyết xã hội nào có thể thay thế; vẫn là kim chỉ nam, vũ khí tinh thần sắc bén, củng cố niềm tin, bồi đắp nhiệt huyết của người cộng sản trong đấu tranh chống lại mọi lý luận phản động; bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, bảo vệ chủ nghĩa xã hội.
3. Khẳng định và lan tỏa sức sống của học thuyết Mác về hình thái kinh tế – xã hội trong thời đại hiện nay
Quán triệt tư tưởng và học thuyết Mác, cùng đặc điểm dân tộc mình, các đảng cộng sản đã lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, đấu tranh lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa và các chế độ người bóc lột người, giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động, xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 là một điển hình, đánh dấu mốc về sự chuyển hình thái kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa lên hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa và giành được nhiều thành tựu quan trọng. Nhưng do tư duy và những hành động chưa tuân thủ đúng học thuyết Mác, nhất là sự áp đặt ý chí chủ quan, nóng vội,… dẫn đến chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, các nước xã hội chủ nghĩa còn lại gặp muôn vàn khó khăn, thách thức, buộc phải không ngừng cải cách, đổi mới. Nhờ đó, không chỉ giải quyết được những mâu thuẫn của thời đại, mà còn tận dụng được thời cơ để tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa lật nhào những thể chế, chế độ người bóc lột người, xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên đất nước mình, cùng những quan hệ sản xuất lỗi thời, thực hành quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, Trung Quốc và Việt Nam đều nhận thấy tính chất, vai trò quan trọng của lực lượng sản xuất đối với quan hệ sản xuất, nên kịp thời quyết định nhiều chủ trương, chính sách mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại; phá bỏ cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp, vận dụng kinh tế thị trường, làm cho mọi thành phần kinh tế, kể cả kinh tế tư bản, tư nhân có điều kiện phát huy vai trò trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, lực lượng sản xuất ở Trung Quốc và Việt Nam phát triển không ngừng, sản xuất luôn mở rộng, của cải vật chất, hàng hóa trở nên dồi dào; từ “công xưởng” đã trở thành trung tâm tài chính, thương mại của khu vực và thế giới. Nhờ lực lượng sản xuất này đã tạo nên những quan hệ sản xuất mới, phù hợp trong thời kỳ quá độ; chế độ chính trị, các quan hệ thượng tầng kiến trúc được củng cố vững chắc; những tiền đề cho xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết là về sản xuất vật chất, phát triển kinh tế, làm cho lực lượng sản xuất phát triển không ngừng lớn mạnh. Và học thuyết Mác về hình thái kinh tế – xã hội trở nên sống động ở những nước này.
Việt Nam trung thành, vận dụng linh hoạt, sáng tạo học thuyết Mác về hình thái kinh tế – xã hội, làm cho tư duy giáo điều, duy ý chí, bảo thủ đã bị đẩy lùi. Cả xã hội đang ra sức thực hiện mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ là xây dựng được cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh. Trong phương hướng xây dựng hình thái kinh tế – xã hội trong thời kỳ quá độ, Việt Nam đã tập trung vào phát triển lực lượng sản xuất. Cùng với tiếp tục xây dựng kiến trúc thượng tầng là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên môi trường; xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại, có hiệu quả và bền vững, gắn kết chặt chẽ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế và hình thức phân phối, v.v. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá cao, đứng đầu khu vực trong nhiều năm qua; giai đoạn 2011 – 2020 tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,4%/ năm, bình quân thu nhập đầu người năm 2020 gần 3.000 USD. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc; nền kinh tế được cơ cấu lại gắn với mô hình tăng trưởng; các đột phá chiến lược, nhất là về thể chế kinh tế thị trường, nguồn nhân lực, nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng phát triển; đời sống, văn hóa – xã hội của nhân dân, xã hội được nâng cao; các thiết chế xã hội ngày càng phù hợp, chế độ chính trị được củng cố ngày càng vững chắc; quan hệ kinh tế quốc tế ngày càng mở rộng, uy tín, vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao; quốc phòng, an ninh được tăng cường và củng cố.
4. Để bổ sung, phát triển và lan tỏa học thuyết Mác về hình thái kinh tế – xã hội trong đời sống nhân loại hiện nay, cần tập trung làm tốt một số vấn đề cơ bản sau: Một là, cần nắm vững tinh thần vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo là bản chất cách mạng vốn có, yêu cầu nội tại của chủ nghĩa Mác. Hai là, thực hiện đúng tư tưởng và phương châm nhìn nhận, đánh giá và vận dụng học thuyết Mác của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”; nên “không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”, “củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”6. Ba là, cần nghiêm túc, tập trung phát triển lực lượng sản xuất, thúc đẩy sản xuất, ưu tiên đáp ứng yêu cầu thực tiễn của thời đại cũng như sự phát triển của khoa học, công nghệ nước nhà; coi đây là “chìa khóa bằng vàng” để củng cố quan hệ sản xuất mới, phù hợp và cải cách hệ thống chính trị thành công. Bốn là, việc vận dụng, bổ sung, phát triển không có nghĩa là phủ định, trái lại tiếp tục làm sáng tỏ và khẳng định bản chất khoa học, cách mạng của nó trong điều kiện mới. Trên lập trường của chủ nghĩa Mác – Lênin, đề cập tới một số vấn đề mà chính C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin đã giải quyết đúng đắn trong thời đại của các ông, nhưng do thực tiễn thời đại đổi thay, nên cần phải có những bổ sung mới; do những nguyên nhân khác nhau mà các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác – Lênin chưa có điều kiện, cơ hội giải quyết; một số vấn đề cấp bách do cuộc sống ngày nay đặt ra mà ở thời đại của các ông chưa đặt ra hoặc đã đặt ra nhưng chưa thực sự cấp bách. Năm là, vận dụng, bổ sung, phát triển học thuyết Mác về hình thái kinh tế – xã hội phải có nguyên tắc, không tùy tiện nhân danh “vận dụng, bổ sung, phát triển” để xuyên tạc, chống chủ nghĩa Mác – Lênin hay nhân danh “bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin” rơi vào bảo thủ, trì trệ, không đổi mới, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin.
Đại tá, PGS. TS. PHẠM VĂN SƠN và Đại tá, PGS. TS. NGUYỄN VĂN QUANG, Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự (TCQPTD)
________________
1 – C. Mác và Ph. Ăngghen – Toàn tập, Tập 23, Nxb CTQG, H.1995, tr.21.
2 – (1). Cộng sản nguyên thủy;( 2). Chế độ chiếm hữu nô lệ; (3). Chế độ phong kiến; (4). Chế độ tư bản chủ nghĩa.
3 – C.Mác và Ph.Ăngghen – Toàn tập, Tập 19, Nxb CTQG, H. 1995, tr.166.
4 – Sđd, Tập 36, tr. 796.
5 -V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 4, Nxb Tiến bộ, M. 1974, tr.232.
6 – Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 509-510.