Nội các Anh đã được cảnh báo rằng “không nên tin vào những tuyên bố của Bắc Kinh” ngay từ đầu cuộc khủng hoảng và nên hoài nghi các thông tin mà Trung Quốc đưa ra, một cựu quan chức cấp cao của cơ quan tình báo Anh MI6 tiết lộ vào tối 3/5.
“Cộng đồng tình báo biết những gì đang thực sự diễn ra ở Trung Quốc và chuyển thông tin cho các bộ trưởng Anh”, người này cho hay. “Việc nghĩ rằng Anh sẽ tin ngay các số liệu của Trung Quốc công bố là hoàn toàn vô lý. Nếu người Trung Quốc nói dối, vai trò của cộng đồng tình báo là phải biết con số thực sự bị che giấu là gì”.
“Chúng tôi không tin những con số từ phía Trung Quốc. Chính phủ đã nhận thức đầy đủ về quy mô thực sự của Covid-19 ở Trung Quốc vào thời điểm đó”, một nguồn tin khác nói thêm.
Một y tá cầm kit xét nghiệm nCoV tại bệnh viện Edinburgh, Anh. Ảnh: Guardian
Những nghiên cứu mới nhất cũng cho rằng số người nhiễm nCoV thực sự ở Trung Quốc trong đợt bùng phát dịch đầu tiên hồi giữa tháng hai là gần 250.000, gấp 4 lần so với báo cáo chính thức của Bắc Kinh. Trung Quốc sau đó đã chỉnh sửa số ca tử vong thêm 50%.
Phố Downing đã tiếp tục sử dụng các số liệu chính thức của Trung Quốc trong các biểu đồ so sánh quy mô của dịch bệnh, nhưng cách đây hơn một tuần đã loại bỏ nước này khỏi bảng biểu vì lo ngại dữ liệu không chính xác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hai lần nhận được những thông tin tình báo về Covid-19 ở Trung Quốc hồi tháng một, theo một quan chức Nhà Trắng. Ngày 28/1, ông được thông báo rằng “Trung Quốc đang che giấu dữ liệu”. 5 ngày trước đó, Trump được cảnh báo rằng nCoV có khả năng “lây lan toàn cầu”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson được cho là cũng nhận được những thông tin tương tự. Tuy nhiên, ông bị cáo buộc không hành động quyết đoán với dịch bệnh, không tham dự 5 cuộc họp khẩn cấp với nội các khi Covid-19 bùng phát và sau đó buộc phải đưa ra lệnh phong tỏa.
Anh ban bố phong tỏa hôm 23/3, hai tuần sau Italy và một tuần sau Pháp và Tây Ban Nha. Khi Italy áp phong tỏa hôm 9/3, Anh đã ghi nhận 5 ca tử vong vì Covid-19.
Dominic Grieve, chủ tịch Ủy ban Tình báo Anh (ISC), cho rằng cần điều tra những gì cơ quan tình báo đã thu thập được về đại dịch ở Trung Quốc và thông tin được truyền đạt cho các quan chức cấp cao trong những tuần trước khi dịch bệnh tấn công nước Anh.
nCoV là chủ đề gây tranh cãi giữa Trung Quốc và nhiều nước khác. Tờ Saturday Telegraph của Australia ngày 2/5 công bố tài liệu 15 trang mà họ thu thập được từ liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes), trong đó cáo buộc Trung Quốc cố tình “làm chìm xuồng hoặc hủy hoại” bằng chứng về Covid-19, đại dịch đã khiến hàng chục nghìn người trên thế giới tử vong.
Tài liệu này cho rằng chính phủ Trung Quốc che đậy thông tin về virus bằng cách bác bỏ khả năng lây từ người sang người của nCoV, “bịt miệng” các bác sĩ cảnh báo sớm, xóa bằng chứng trong phòng thí nghiệm và không chịu cung cấp mẫu sinh phẩm cho các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu vaccine. Họ cho rằng hành động này của Bắc Kinh “gây nguy hiểm cho các nước khác” và không khác gì “đòn công kích vào sự minh bạch quốc tế”.
Tổng thống Trump hôm 30/4 tuyên bố đã thấy bằng chứng virus có nguồn gốc từ Viện Virus học Vũ Hán, song không nêu chi tiết. Trung Quốc bác bỏ mọi giả thuyết về việc nCoV lọt ra từ phòng thí nghiệm, đồng thời hối thúc các nước không “chính trị hóa” virus và để việc tìm hiểu nguồn gốc Covid-19 cho giới khoa học.
Trong một thông cáo, sứ quán Trung Quốc tại Anh nhắc lại lời khẳng định của người đứng đầu Viện Virus học Vũ Hán, cho hay cơ quan này áp dụng những quy tắc quản lý rất chặt chẽ và không ghi nhận ca lây nhiễm nội bộ nào.
“Không có bằng chứng nào cho thấy nCoV xuất phát từ phòng thí nghiệm. Việc tung tin đồn, nói xấu và bôi nhọ chỉ nhằm gây tổn hại cho tình đoàn kết quốc tế”, sứ quán Trung Quốc tại Anh nói.
Anh Ngọc (Theo Telegraph)