Dịp 30-4 năm nay, ông đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về câu chuyện hòa hợp dân tộc.
Nhà báo Quốc Phong. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tấm lòng và tâm khảm của những người đứng đầu đất nước
Phóng viên (PV): Đã 45 năm kể từ ngày non sông nối liền một dải, từng là một người lính, một nhà báo có may mắn tiếp xúc những nhà lãnh đạo từng ở cả hai bên chiến tuyến, ông có ấn tượng sâu sắc gì về câu chuyện hòa dân tộc sau chiến tranh?
Nhà báo Quốc Phong: Năm 2016, anh em chúng tôi, những người bạn đồng khóa, đồng môn với nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (ông từng là Trưởng đoàn học viên Khóa 15 (1988-1990) của Học viện Chính trị Nguyễn Ái Quốc năm xưa) có dịp ngồi bên nhau tâm tình.
Trong bữa đó, ông tâm sự với chúng tôi khá cởi mở và chân tình. Ông Tư Sang (tên thân mật mà người Nam Bộ quen gọi của ông) trầm ngâm nói: “Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam. Tầm nhìn ở ông cũng rất đặc biệt và đáng kính nể. Hồi ông còn khoẻ, tôi từng được tiếp ông tại nhà riêng ở TP Hồ Chí Minh. Ông đến thăm nhà tôi không phải để nói chuyện riêng tư hay căn dặn chuyện gì. Ông đến là để qua đó quan sát xem một vị lãnh đạo thành phố như tôi hiện ăn ở ra sao, không phải đơn giản đâu nhé!
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thị sát ruộng lúa năng suất cao của nhân dân xã Hải Anh, huyện Hải Châu, tỉnh Nam Hà năm 1969. Ảnh: TTXVN
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kể tiếp: “Thời điểm năm 1995, tôi làm Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, đó cũng là lúc thành phố đang chuẩn bị kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam và Thống nhất đất nước. Thường vụ Thành uỷ giao cho tôi nhiệm vụ chuẩn bị bài phát biểu tại lễ mít tinh kỷ niệm này. Tôi ra gặp ông Sáu Dân (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) để xin ý kiến chỉ đạo. Ông Sáu bảo sang hỏi Tổng Bí thư Đỗ Mười. Tôi sang gặp Tổng Bí thư thì ông Đỗ Mười bảo: “Thôi, cậu sang tham khảo anh Tô (tức nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng) thì hay hơn”.Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tâm sự, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người đã để lại trong ông nhiều ấn tượng vô cùng sâu sắc. Nhiều lúc, ông chỉ hỏi bâng quơ rằng: Cậu đã đọc cuốn tiểu thuyết cổ điển nước ngoài này chưa? Cậu đọc cuốn sách mới vừa xuất bản kia chưa? Rồi ông nhắc nên lưu ý tìm đọc nếu chưa đọc hoặc nếu đã đọc thì cả hai cùng đàm đạo….
Khi đó, ông Phạm Văn Đồng là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tôi thưa chuyện với ông: “Cháu mong chú góp ý cho một việc quan trọng mà cháu được Thường vụ Thành ủy phân công này. Cháu lo lắm chú à!”. Ông cười vang, giọng đầy hào sảng, rồi nói: “Cậu muốn viết gì thì viết, nhưng tinh thần của bài phát biểu đó phải toát ra được cái ý cần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Nói như thế nào đó để cả dân tộc này thấy được niềm tự hào vô biên về sự nghiệp giải phóng đất nước. Tự hào vì dân tộc ta đã đánh bại được một đội quân xâm lược nhà nghề mạnh bậc nhất thế giới. Viết thế nào để cho thế giới thấy được chúng ta đang đứng ở đỉnh cao của thời đại Hồ Chí Minh mà chú cháu mình đang sống. Nói như thế nào đó để biến thù thành bạn, phải tìm cách lôi kéo những người đang còn thù chúng ta trở thành bạn của chúng ta…”. Thời điểm này, thực ra tư tưởng chỉ đạo của Đảng ta cũng đã có ý đó chứ không phải là cái gì quá mới mẻ.
“Tôi xin phép ông sau khi viết xong thì quay lại để ông tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện thì bị gạt ngay: “Tôi đã già, sắp chết rồi. Cậu viết thì cậu phải chịu trách nhiệm. Tại sao lại lại bắt ông già này xem qua?” (Nói đến đó, ông lại cười lớn) và động viên tôi: “Làm cách mạng là phải tự lực như vậy!” – ông Tư Sang kể.
Tôi muốn chia sẻ với nhà báo câu chuyện mà Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kể lại với chúng tôi trên đây để minh chứng rằng, ngay từ hơn hai chục năm trước, Đảng, Nhà nước ta đã rất chú trọng tới hòa hợp dân tộc bởi chỉ có vậy thì hòa bình, hạnh phúc thực sự mới có trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nó phải là điều được thực hiện bằng tấm lòng và từ trong tâm khảm của những người đứng đầu đất nước!
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ kiều bào từ các nước trên thế giới về Việt Nam đón Tết cổ truyền dân tộc năm 2014. Ảnh: TTXVN
Còn khác biệt nhưng chung tình yêu Tổ quốc
PV: Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước từ rất sớm là yếu tố quan trọng giúp hòa hợp dân tộc ngày càng tốt hơn. Nhưng theo ông tại sao sau 45 năm, vẫn còn những sự khác biệt, bất đồng?
Nhà báo Quốc Phong: Báo điện tử VnExpress, tôi được biết, hiện báo này đang là một trong những báo được rất nhiều người truy cập và người Việt ở nước ngoài cũng truy cập rất đông. Ví dụ đó cho thấy, người Việt ta ở Hoa Kỳ và các nước khác vẫn luôn theo dõi tin tức trong nước rất kỹ. Điều đó thể hiện bà con mình có quan tâm nhất định đối với tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước cho dù có thể có một bộ phận không nhỏ trong đó vẫn còn bất đồng quan điểm dù cũng rất yêu nước, luôn đau đáu với mọi chuyện đang diễn ra ở quê nhà. Về điều này, tôi nghĩ sẽ không thể trong một hai chục năm nữa mà đã có thể hòa hợp nhau về tư tưởng bởi ý thức hệ chính trị của chúng ta có khác nhau. Trong một gia đình ở ngay nước nhà thôi, ý thức hệ của con cháu chúng ta nay cũng đã rất khác thế hệ cha ông họ, đó cũng là chuyện bình thường. Song, tình yêu Tổ quốc, ý thức và tinh thần dân tộc của cộng đồng người Việt ở xa Tổ quốc thì đâu có khác chi người trong nước? Tôi tin chúng ta vẫn có thể hòa hợp dân tộc là thế!
Các đại biểu thanh niên kiều bào dự Trại Hè Việt Nam 2017 tham quan các chứng tích chiến tranh tại địa đạo Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN.
Trong lớp trẻ kiều bào ta ở hải ngoại (lớp sinh sau 1975) hiện nay, phần lớn cũng chẳng thù oán gì ghê gớm chế độ ta. Họ nay đã là người Mỹ (hoặc một nước nào khác) có gốc Việt. Tôi cho rằng các bạn trẻ đó vẫn luôn quan tâm đến Việt Nam. Âu cũng là bởi vì dù họ ở đâu, họ vẫn là con cháu vua Hùng thông minh, sáng tạo, chịu khó, chăm chỉ vốn là truyền thống ở mỗi người dân gốc Việt. Còn phần đông thế hệ cha ông của lớp trẻ hải ngoại, họ cũng không còn chống phá quyết liệt Chính phủ Việt Nam nữa. Ngay như hồi còn sống, cựu Phó tổng thống chế độ Việt Nam Cộng hòa, ông Nguyễn Cao Kỳ cũng đã nhiều lúc thể hiện mong mỏi làm sao hòa hợp dân tộc càng sớm càng tốt…
PV: Ông vừa nhắc tới ông Nguyễn Cao Kỳ, một nhân vật từng chống cộng cực đoan, sau khi về nước, hiểu được quan điểm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thì lại có nhiều lời nói, việc làm tích cực góp phần thúc đẩy hòa hợp dân tộc. Được biết, ông là nhà báo đã trực tiếp tiếp xúc với ông Nguyễn Cao Kỳ, xin ông chia sẻ một vài thông tin về nhân vật đặc biệt này?
Nhà báo Quốc Phong: Tôi có dịp gặp tướng Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa tại Hà Nội từ ngay lần đầu ông đặt chân về thăm quê hương đất nước (năm 2004). Hôm đó, bất chợt tôi nhận được cú điện thoại của ông Đào Hồng Tuyển, “chúa Đảo Tuần Châu”. Ông Tuyển hẹn tôi đến gặp vì “có chút việc cần trao đổi gấp”.
Khi tôi đến Nhà hàng nổi tiếng Paris Deli ở phố Phan Chu Trinh, (nằm chếch bên Nhà hát Lớn) thì bất ngờ thấy ông Nguyễn Cao Kỳ cũng đang ngồi đó. Trong bàn còn có cả ông Đào Trọng Cường, ông chủ về ngành khai thác đá quý với Công ty đá quý Thần Châu Ngọc Việt nổi tiếng.
Tôi rất bất ngờ vì không biết trước có ông Nguyễn Cao Kỳ ngồi đó. Ông Kỳ là người nói không bóng bảy mà cứ thẳng băng nên chúng tôi cũng có dịp trao đổi rất thẳng thắn. Tôi hỏi, động cơ nào khiến ông trở về Việt Nam và sẽ còn tiếp tục trở về Việt Nam?
Ông Nguyễn Cao Kỳ trả lời: “Mấy tháng trước, ông thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam sang Mỹ có gặp tôi, cùng đánh golf, ăn cơm. Ông ấy nói rằng chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam muốn người Việt Nam cả trong lẫn ngoài cùng nhau xây dựng đất nước. Thế thì tôi về. Thành thực mà nói, tôi cũng đã 75 tuổi rồi, chẳng còn tham vọng gì. Tôi chẳng đặt vấn đề vinh nhục, thắng thua gì nữa, tôi muốn bỏ dĩ vãng đi. Nếu mình thành thực muốn phục vụ đất nước thì phải hướng tới tương lai. Cả trăm ngàn người Việt đã về nước nhưng tôi là người mà dư luận hải ngoại quan tâm nhất. Vậy thì có lẽ tên tuổi tôi vẫn còn một chút gì để cho người ta chú ý. Ý thức được điều ấy nên tôi nghĩ phải làm việc gì đó cho quê hương. Về chuyện trở về, tôi nghĩ mình còn nhiều bạn bè, họ có tiềm lực, dư sức đầu tư về góp phần xây dựng đất nước. Thế thôi, tôi chẳng đặt điều kiện gì…”.
Trên thực tế, chuyện ông Nguyễn Cao Kỳ có ý muốn đưa một vài tỷ phú Mỹ đến đầu tư tại Việt Nam là có thật. Tuy ông rất thiện chí nhưng sau đó kế hoạch này chưa làm được vì phụ thuộc vào cơ chế, chính sách thời điểm đó nên không thành công. Trong làm ăn thì đó cũng là câu chuyện rất bình thường. Dù sao thì chúng ta vẫn đánh giá cao tấm lòng đó của ông, đặc biệt nhất là những mong mỏi chính đáng của ông, luôn luôn muốn dân tộc ta sớm khép lại quá khứ và sớm hòa hợp dân tộc.
Có những việc rất đáng ghi nhận như ông Nguyễn Cao Kỳ luôn luôn can gián những ai tụ tập biểu tình chửi chế độ Cộng sản. Ông nói: Mình là người Việt, mình đã giúp gì cho đất nước lúc khó khăn này chưa mà còn làm phức tạp thêm tình hình trong nước?
Ngay từ năm 2006, ông Nguyễn Cao Kỳ đã viết một lá thư tâm huyết gửi cho Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về việc nên sớm gỡ bỏ hạn chế chuyện chăm nom tu sửa mộ phần của nghĩa trang quân nhân Việt Nam Cộng hòa, xem đây như một nghĩa trang dân sự. Chính từ lá thư, sau một năm, việc này được Nhà nước ta mở cửa bình thường, tạo nên tâm lý rất hoan hỉ cho người dân, tránh đi mặc cảm rất không đáng có.
Từ trong sâu thẳm trái tim mỗi người
PV: Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đều khẳng định, hòa hợp dân tộc phải tôn trọng sự khác biệt, không trái với lợi ích quốc gia, xóa bỏ, thu hẹp những bất đồng. Theo ông thời gian tới, chúng ta cần làm gì để thúc đẩy hòa hợp dân tộc tốt hơn?
Nhà báo Quốc Phong: Đảng, Nhà nước dù đã hết sức kiên trì đeo đuổi và đạt được một số thành quả rất đáng mừng. Nếu tất cả chúng ta đều mong mỏi trên thế giới này sẽ có một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường, có uy tín cao trong lòng bạn bè quốc tế thì trước hết, chúng ta phải là anh em một nhà, có chung một mái nhà Việt Nam yêu quý! Vâng, không thể khác nếu chúng ta mong muốn và có khát vọng hòa hợp dân tộc.
Quê tôi ở làng Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định, ngôi làng vốn có truyền thống khoa bảng và ở mọi thời kỳ lịch sử đều có nhiều người tham gia trong triều chính. Đến khi đất nước chia làm 2 miền, làng tôi có cả trăm gia đình di cư vào Nam hoặc ra nước ngoài sinh sống. Họ đều trưởng thành không khác gì nhau mấy.
Số người ở miền Bắc, được học hành và trưởng thành với gần 200 giáo sư, tiến sĩ (riêng giáo sư và phó giáo sư cũng có khoảng gần bảy chục người). Làng tôi cũng có đến 7-8 vị giữ trọng trách từ cấp bộ trưởng và tương đương trở lên cho đến nguyên thủ quốc gia cũng có. Làng tôi còn có hơn chục vị tướng lĩnh nhưng hầu hết là tướng làm khoa học.
Tôi là người sinh ra trong một gia đình cũng như không ít gia đình Việt Nam trong một đất nước từng chia cắt như vậy nên đã mục kích cảnh cha, chú của mình, là những cán bộ và sĩ quan quân đội cách mạng tham gia hai cuộc kháng chiến nhưng cũng có nỗi đau riêng. Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, họ cũng từng phải tìm đến các trại học tập cải tạo thăm các em ruột mình đang ở đó. Họ vốn tham gia trong quân đội, trong cảnh sát của chế độ cũ.
Vì thế nên tôi càng thấu hiểu hơn ai hết nỗi niềm day dứt này và mong sớm được hàn gắn. Đó chính là khát vọng hòa hợp trong mỗi gia đình…
Muốn vậy, mọi người trước hết cần phải thực tâm và cả hai phía cần có sự chân thành, vị tha, gác lại quá khứ. Muốn vậy, hãy tăng cường đối thoại để từ đó có thể hiểu nhau hơn, tránh bất đồng chính kiến, mâu thuẫn về ý thức hệ kéo dài.
Năm 2005, Báo Thanh Niên có tổ chức một chương trình ca nhạc thời trang có tên Duyên dáng Việt Nam tại Canberra và Sydney của Australia. Đây là một chương trình ca nhạc thời trang với các trang phục và các bài hát truyền thống của Việt Nam khiến nhiều người Việt trẻ rất thích thú và hưởng ứng. Tuy nhiên, trong lúc trước khi chương trình diễn ra thì vẫn có một số người Việt (chủ yếu là cha mẹ đưa các con đi xem và một số người khác) tập trung ở ngoài phản đối chương trình với mục đích không thiện chí. Nhưng, sau khi họ phản đối thì chương trình vẫn diễn ra và một điều thật thú vị là chính những người cha mẹ vừa tham gia phản đối đó lại cũng ngồi xem và tán thưởng vỗ tay như những khán giả bình thường. Điều đó thấy rằng, có thể trong một phút giây nào đó, hoặc hoàn cảnh nào đó mà họ làm việc theo sự chỉ dẫn của một vài tổ chức phản động chứ không đại diện cho tất cả những người Việt đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Trong sâu thẳm trái tim họ thì hình ảnh Việt Nam thân thương, gần gũi vẫn luôn hiện hữu, sự hòa hợp dân tộc luôn tồn tại trong trái tim mỗi người.
Mít tinh kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước. Ảnh: TTXVN
PV: Có ý kiến cho rằng, để hòa hợp dân tộc, cần bỏ việc tuyên truyền về chiến thắng 30-4. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Nhà báo Quốc Phong: Chẳng có lý do gì để bỏ tuyên truyền chiến thắng 30-4 cả, bởi đây là lịch sử. Không ai có thể thay đổi được lịch sử. Chỉ có điều, chúng ta tuyên truyền làm sao để không gây kích động và chia rẽ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
VIỆT CƯỜNG (QĐND/thực hiện)