Friday, November 22, 2024

Nếu không có sự kiện 30/4/1975 liệu miền Nam Việt Nam có giàu như Hàn Quốc?

Đến hẹn lại lên cứ mỗi dịp cả nước kỷ niệm ngày 30/4, những phần tử lưu vong phản quốc, cơ hội chính trị, bất mãn lại ra rả những “bài ca” xuyên tạc lịch sử dân tộc với những luận điệu cũ rích. Một trong những luận điệu mà bọn chúng thường xuyên ”nhai đi nhai lại” đó là: “Nếu không có ngày 30/4/1975 thì miền Nam Việt Nam ngày nay phát triển không hề thua kém Hàn Quốc”, “Sài Gòn ngày trước được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông” còn phát triển hơn cả Singapore”,…. Những luận điệu ấy lan truyền trên internet dưới nhiều hình thức như bài viết, clip hòng đánh lừa những người ít thông tin, thiếu hiểu biết, đặc biệt là nhắm vào thế hệ trẻ.

Vậy, sự thật của những luận điệu trên là gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu:

Kinh tế của Việt Nam cộng hòa – một nền kinh tế không có nội lực, phụ thuộc vào Mỹ:

Trong cuộc khảo sát tiến hành năm 1971 của chính phủ Mỹ, trong cơ cấu GDP của Việt Nam cộng hòa (VNCH) nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỉ trọng khoảng 30% GDP, còn tỉ trọng công nghiệp chỉ trong khoảng 8-10%, riêng khu vực dịch vụ chiếm 45-60%.

Công nghiệp của VNCH đã nhỏ lại còn phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn nguyên liệu và nhiên liệu nhập khẩu. Chẳng hạn công nghiệp đường, năm 1973 phải dùng tới 97,4 % nguyên liệu đường thô nhập khẩu. Về nhiên liệu, mỗi năm VNCH phải nhập 2 triệu tấn xăng dầu, 1 nửa để chạy xe cộ, máy móc các loại, một nửa để chạy các nhà máy điện.

Đối với ngành nông, lâm, ngư nghiệp, đây là trụ cột của nền kinh tế VNCH nhưng tình trạng cũng không khả quan hơn. Mặc dù có đồng bằng sông Cửu Long phì nhiêu, màu mỡ nhưng từ năm 1965 trở đi VNCH phải nhập khẩu gạo. Cụ thể: năm 1965 nhập khẩu 271 nghìn tấn, năm 1966 nhập 434 nghìn tấn, năm 1967 nhập 749 nghìn tấn (theo tài liệu “Tương lai kinh tế của VNCH” do tổ chức The Rand Corporation xuất bản tháng 11 năm 1969).

Khu vực chiếm tỉ trọng cao nhất trong GDP của VNCH là dịch vụ. Lý do dịch vụ chiếm tỉ trọng cao là nhờ sự có mặt của hàng chục ngàn lính Mỹ. Theo phân tích của giáo sư Đặng Phong (giáo sư kinh tế học) trung bình 1 lính Mỹ 1 tháng được trả 800 USD. Như vậy, vào lúc cao điểm Mỹ có trên nửa triệu quân nhân ở Nam Việt thì 1 năm tiêu thụ tại chỗ của lính Mỹ đã lên đến 4 tỷ USD. Đây chính là sức cầu quan trọng của khu vực dịch vụ. Mặt khác, không chỉ có riêng lính Mỹ, trong suốt thời kỳ tồn tại của VNCH tiền lương cho bộ máy công chức, quân đội, cảnh sát với tổng số hơn 1 triệu người đều do Mỹ chi trả. Khi Mỹ rút đi và cắt giảm viện trợ thì việc trả lương cho số người này đã quá sức của nền kinh tế VNCH.

Như vậy, có thể thấy rằng bản thân nền kinh tế của VNCH không có nội lực. Trong sản xuất công nghiệp thì phải dựa vào nguồn nguyên, nhiên liệu nhập khẩu. Dịch vụ thì hoàn toàn dựa vào sức cầu của lính Mỹ, do đó khi lính Mỹ rút khỏi Việt Nam thì khu vực này sẽ bị thu hẹp đến tối đa. Khi Mỹ cắt giảm viện trợ thì toàn bộ nền kinh tế VNCH sẽ lao đao vì ngay cả tiền nhập khẩu xăng dầu cũng thiếu.

Nếu nền kinh tế VNCH như vậy tại sao lại có danh hiệu “hòn ngọc Viễn Đông” để nói về Sài Gòn?

Thật ra 2 vấn đề này không hề mâu thuẫn nhau. Vẻ phồn hoa của Sài Gòn trước năm 1975 là có thật, nhưng sự phồn hoa ấy không đến từ bản thân nền kinh tế VNCH mà là do sự có mặt của hàng chục vạn người Mỹ tạo nên. Theo binh lĩnh Mỹ, các loại hàng hóa tiêu dùng phục vụ họ cũng được tuồn vào Việt Nam. Sài Gòn vừa là đầu não của miền Nam, lại có hải cảng để nhận hàng hóa Mỹ, do vậy mà từ rất sớm thành phố Sài Gòn đã nhộn nhịp xe máy, ô tô và có vô tuyến truyền hình, các loại nhà hàng khách sạn nhan nhản, các trào lưu thời trang, ăn chơi trên thế giới cũng được du nhập và cập nhật liên tục theo sự luân chuyển của binh lính Mỹ. Mặt khác, bên cạnh vẻ phồn hoa thì thành phố này còn 1 bộ mặt khác. Năm 1970 khảo sát của chính phủ Mỹ cho thấy, ngoài khu trung tâm thành phố phồn hoa ra, Sài Gòn là 1 khu ổ chuột khổng lồ, khoảng 40% dân số khu vực Sài Gòn khi đó, tức 1,2 triệu người sống trong những khu ổ chuột.

Nếu không có sự kiện 30/4/1975 liệu miền Nam Việt Nam có giàu như Hàn Quốc?

Xóm ổ chuột của “hòn ngọc Viễn Đông (Ảnh tư liệu)

Nếu không có sự kiện ngày 30/4/1975 miền nam Việt Nam có giàu như Hàn Quốc ngày nay?

Nói về xuất phát điểm, xuất phát điểm của miền nam Việt Nam không hề thua kém so với Hàn Quốc vào năm 1954. Vì khi đó Hàn Quốc vừa trải qua cuộc chiến tranh Triều Tiên ác liệt, mà Nam Việt Nam cũng vừa trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp. Hàn Quốc và VNCH có 1 điểm chung nữa là thời kỳ này đều dựa hoàn toàn vào viện trợ của Mỹ. Tuy nhiên, giai đoạn từ cuối thập niên 1960 trở đi, kinh tế Hàn Quốc đã dần giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Vì Mỹ đã cắt giảm viện trợ và bản thân Hàn Quốc đã tích cực phát triển nội lực, thể hiện giá trị xuất khẩu tăng nhanh chóng. Ngược lại, giá trị xuất khẩu của VNCH lại không ngừng giảm và chênh lệch giữa giá trị nhập khẩu và giá trị xuất khẩu ngày càng được gia tăng.

Nếu không có sự kiện 30/4/1975 liệu miền Nam Việt Nam có giàu như Hàn Quốc?

Cán cân xuất nhập khẩu của các nước trong tài liệu “Tương lai kinh tế của VNCH”

Như vậy vào cuối thập niên 70 kinh tế Hàn Quốc đã vượt xa kinh tế VNCH. Do vậy giả định không có sự kiện 30/4/1975, thì ở thời điểm năm 1975 kinh tế Hàn Quốc đã vượt xa hơn VNCH rất nhiều rồi. Có thể minh họa điều này bằng bản thống kê thu nhập bình quân đầu người của các nước từ 1970-1975 do Ngân hàng thế giới công bố.

Nếu không có sự kiện 30/4/1975 liệu miền Nam Việt Nam có giàu như Hàn Quốc?

Bảng thống kê bình quân đầu người tại Đông Á thập niên 1970

Với tất cả những gì đã nêu, nếu không có sự kiện 30/4/1975 và nước Mỹ không viện trợ mỗi năm hơn nửa tỉ USD nữa thì nền kinh tế VNCH không biết mất bao nhiêu năm để “cai sữa” Mỹ, trước khi có thể “tập bò” và “tập đi” bằng chân của mình. “Cai sữa” xong về mặt kinh tế, VNCH lại còn phải đối mặt với một xã hội với đủ các tệ nạn ma túy, mại dâm do 10 năm quân Mỹ ở Việt Nam gây ra. Do vậy, hãy quên cái ảo tưởng nếu không có sự kiện 30/4/1975 thì miền Nam Việt Nam sẽ giàu như Hàn Quốc.

Giờ đây, mặc dù suốt một thời gian dài bị ảnh hưởng không nhỏ bởi chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ, nhưng Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc top đầu thế giới. Kinh tế Việt Nam hiện đang nổi lên như một điểm đầu tư lý tưởng với lợi thế về nguồn nhân lực trẻ và tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đang được các tập đoàn lớn hàng đầu thế giới, như: Samsung, Intel, LG… rót nguồn vốn khổng lồ để xây dựng các nhà máy, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều tổ chức kinh tế có uy tín trên thế giới như Bloomberg, Forbes,… đánh giá Việt Nam sẽ vươn lên trở thành “con hổ” về kinh tế tiếp theo tại châu Á.

Sự thật hiển nhiên trong quá khứ và hiện tại đã phủ định sự lừa phỉnh trong tuyệt vọng của những kẻ thiếu nhân tính, cố tô vẽ cho một bức tranh của chính quyền Sài Gòn trong quá khứ, hòng phủ nhận những thành quả của Việt Nam sau giải phóng. Có thể khẳng định, mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức nhưng Việt Nam đang dần vươn mình trở thành một đất nước thịnh vượng. Chính tinh thần, hào khí Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã cổ vũ, khích lệ, tiếp thêm nguồn động lực để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phấn khởi, hăng hái bước vào cuộc chiến đấu mới – cuộc chiến đấu chống nghèo nàn, lạc hậu, đưa đất nước phát triển, sánh ngang các nước tiên tiến khắp năm châu.

Gia Hưng

 

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG