Nhờ triển khai kiên quyết, đồng bộ các giải pháp mà đến nay Việt Nam vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, trong lúc cả thế giới đang phải gồng mình đương đầu với dịch bệnh. Giữa lúc công tác phòng, chống dịch bệnh đang bước vào giai đoạn quyết định thì Trương Văn Dũng lại chụp ảnh trên tay bìa carton có dòng chữ “Không nhờ có Chúa đố CSVN giờ này dám tuyên bố đang kiểm soát được dịch Covid-19” và tìm cách lan truyền trên không gian mạng, đi ngược lại với công lao, nỗ lực trong phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ, các cấp các ngành và toàn thể nhân dân.
Nguyễn Hữu Vinh, kẻ tôn thờ những điều vô vọng
Hiện nay, cả thế giới đang hướng về Italia, nơi dịch bệnh đang hoành hành dữ dội, để thấy rõ những nỗ lực rất đáng ghi nhận của Việt Nam. Dân số Italia hiện có khoảng 60 triệu người, với 96% dân số theo Công giáo, Tòa thánh Vatican nằm trong lòng thủ đô Roma. Người đầu tiên ở Italia tử vong đầu tiên do Covid-19 vào ngày 21/2/2020 ở Lombardy, phía bắc Italia, người này chưa từng đến Trung Quốc. Nhưng chỉ trong vòng 4 tuần, số ca tử vong tại Italia đã tăng hơn 486 lần và đã vượt qua Trung Quốc, trở thành nước có số người chết vì Covid-19 nhiều nhất thế giới, trong khi số ca nhiễm chỉ bằng một nửa.
Tính tới 2h sáng ngày 21/3/2020 giờ Việt Nam, tổng số người chết ở Italia là 4.032 người. Số ca nhiễm tăng thêm trong ngày 20/3 là 6.000, đưa tổng số ca bệnh Covid-19 của nước này lên đến 47.021 người. Như vậy, hiện tại quốc gia này đang chiếm tới 36,2% số ca tử vong toàn cầu vì Covid-19 và tỉ lệ chết vì bệnh này lên tới 8,6% dân số, cao hơn hầu hết các nước.
Các chuyên gia y tế Italia cho rằng dân số già là một trong những yếu tố chính có thể giải thích cho tỷ lệ tử vong cao vì Covid-19 tại nước này. Theo số liệu chính thức, những ca tử vong tính đến nay có độ tuổi trung bình là 81, trong đó nhiều người có sẵn bệnh lý khác. Trong khi đó tại châu Âu, số liệu của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy Italia là nước có dân số già nhất với tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm 22,6% dân số, tính tới năm 2018. Italia có dân số già nhất thế giới sau Nhật Bản và hầu hết những người đã chết đều là người già có các vấn đề sức khỏe trước đó. Chính đặc điểm nhân khẩu học khiến Italia bị ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Một trong những nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn đến sự lây lan nhanh chóng là do tính hòa đồng của văn hóa Italia. Người Italia thường tận hưởng không gian ngoài trời tuyệt vời để gặp gỡ nhau, với những tương tác động chạm hơn nhiều so với các nơi khác trên thế giới. Italia, quốc gia trong khối G7, là nước phương Tây đầu tiên áp dụng các biện pháp kiểm dịch cứng rắn để ngăn chặn dịch bệnh. Nhưng kể cả khi đã phong tỏa cả nước, tình hình tại Italia vẫn không có dấu hiệu chuyển biến. Bệnh dịch vẫn lan rộng trong lúc tình hình tại các bệnh viện vỡ trận, mất kiểm soát.
Còn Việt Nam, nằm ngay cạnh Trung Quốc nơi phát sinh dịch bệnh Covid-19, nguy cơ tiềm tàng dẫn đến dịch bệnh xâm nhập vào trong nước rất lớn. Nhận thức được mối đe dọa đó, ngay từ đầu Chính phủ đã triển khai kiên quyết, đồng bộ các giải pháp với tư tưởng chỉ đạo là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc” nên đến nay chúng ta vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh. Theo số liệu thống kê đến 22h30’ ngày 21/3/2020 đã có 186 quốc gia và vùng lãnh thổ bị nhiễm Covid-19, với 287.456 ca bị nhiễm bệnh, 11.897 người chết, 93.617 ca phục hồi. Còn ở Việt Nam, có 94 ca bị nhiễm bệnh, trong đó có 67 người Việt Nam, 27 người nước ngoài, có 17 ca đã chữa khỏi, chưa có trường hợp nào tử vong. Thế nhưng đám dân chủ giả hiệu vẫn cố tình xuyên tạc sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, đó là những kẻ vô ơn và những điều chúng tuyên bố thực là nực cười. Trương Văn Dũng còn viết được những điều đó thì thật là trơ trẽn và không biết thẹn.
Nếu Chúa có phép thần thông quảng đại, tại sao Italia là quốc gia xem Công giáo như quốc giáo lại không cầu xin Chúa che chở, ban phước lành và phép mầu nhiệm cho dân chúng tội nghiệp mà giờ đây phải khổ sở đương đầu với nguy cơ khủng hoảng y tế trầm trọng. Việt Nam chúng ta không nhờ Chúa, không nhờ vào đức tin nào cả mà chúng ta có niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ vì thế đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Điều đó khiến cho Tổ chức Y tế thế giới và các nước ghi nhân, đánh giá cao. Tiếc rằng một kẻ như Trương Văn Dũng lại mờ mắt, không thấy được điều đó mà lại tôn thờ điều vô vọng.
Kỳ Sơn