Gần đến hạn hoàn thành nhưng cao tốc Bến Lức – Long Thành vẫn dang dở do thiếu vốn và việc giải phóng mặt bằng gặp khó khăn.
Tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành dài 58 km, có 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 31.320 tỷ đồng, nối huyện Bến Lức, Long An với huyện Long Thành, Đồng Nai.
Nút giao với đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương (xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, Long An) hiện thi công dở dang, cỏ dại phủ kín. Công trình này thuộc gói thầu A1 do liên danh nhà thầu Halla Corporation (Hàn Quốc) – Vinaconex EC (Việt Nam) thi công.
“Mọi hoạt động tại dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành gần như bị dừng lại khi chưa được điều chỉnh gia hạn tiến độ thực hiện, vốn nước ngoài chưa được bố trí”, một lãnh đạo của Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết.
Theo kế hoạch được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt tiến độ, đoạn tuyến phía tây sẽ phải hoàn thành gói thầu cuối cùng vào ngày 30/6/2019 để khớp với thời gian đóng hiệp định vay vốn. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có gói thầu A2-1 và A3 đi qua địa phận TP.HCM cơ bản đúng tiến độ.
Điểm giao giữa đường cao tốc Bến Lức – Long Thành và quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh, TP.HCM) thuộc đoạn tuyến phía tây đã được thảm nhựa, lắp đặt dải phân cách.
Cầu Bà Lào bắt qua sông Cần Giuộc cũng đã hoàn thành vào cuối năm 2017.
Công nhân thuộc gói thầu A2-1, đoạn đi qua Bình Chánh, TP.HCM, đang gia cố hệ thống thoát nước.
Tuy nhiên, 3 gói thầu còn lại là A1, A2-2 và A4 thuộc địa phận TP.HCM vẫn trong giai đoạn thi công do vướng giải phóng mặt bằng.
Tại giao lộ cao tốc với quốc lộ 50, nhà thầu không thể hoàn thành tiến độ đề ra vì vướng 20 hộ dân.
Nhiều học sinh đi học qua đây, phải chịu cảnh hít khói bụi hàng ngày do công trình dừng thi công.
Cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp dài 2.763,5 m nối hai huyện Nhà Bè và Cần Giờ của TP.HCM, thuộc gói thầu J1 cũng trong tình cảnh dừng thi công do thiếu vốn.
Cầu Bình Khánh là cầu có tĩnh không 55 m, cao nhất cả nước, bắc qua sông Soài Rạp là luồng hàng hải cho tàu biển 30.000 đến 50.000 tấn lưu thông về TP.HCM
Đoạn cao tốc Bến Lức – Long Thành đi qua địa bàn Đồng Nai gồm 3 gói thầu là A5, A6 và A7 hầu hết chỉ là đoạn đường đất sau 2 năm khởi công từ tháng 11/2017.
Theo chủ đầu tư, việc chậm giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính khiến tiến độ thi công các gói thầu (A5, A6 và A7) đoạn qua tỉnh Đồng Nai chậm hơn nửa năm so với tiến độ cam kết ban đầu.
Găp nhiều khó khăn về vốn và những vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, thời hạn hoàn thành dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành ngày càng mịt mờ.
Đây là tuyến cao tốc được đánh giá quan trọng, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện, tổng giá trị xây lắp thực hiện của toàn dự án đạt khoảng 76,19%.
Khi hoàn thành, cao tốc sẽ kết nối giao thông giữa các tỉnh Tây và Đông Nam Bộ không phải qua trung tâm của TP.HCM, rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Khai thác những thế mạnh kinh tế, thu hút đầu tư, du lịch của các tỉnh Đồng Nai, Long An và TP.HCM.
Vị trí cao tốc Bến Lức – Long Thành. Ảnh: Google Maps.